Bài giảng

Chúa Nhật V Phục Sinh, C: ANH EM HÃY YÊU THƯƠNG NHAU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU THƯƠNG ANH EM (Viết Huy)

Lời trăn trối của Đức Giêsu không chỉ là “hãy yêu thương nhau” mà còn đi một bước xa hơn và mãnh liệt hơn là “hãy yêu như Thầy đã yêu”. Yêu như Thầy là dám chết cho người mình yêu. Yêu như Thầy là tình yêu trao hiến cả cuộc đời, là tình yêu cho đi mà không mong nhận lại, là yêu đến hơi thở cuối cùng.

 

ANH EM HÃY YÊU THƯƠNG NHAU

NHƯ THẦY ĐÃ YÊU THƯƠNG ANH EM

(Ga 13,31-33a.34-35)

 

Viết Huy

 

Nếu cuộc sống vắng bóng tình yêu, lòng người sẽ trở nên băng giá, cô đơn, ích kỷ, vô cảm, con người chỉ còn sống trong vỏ ốc của chính mình. Không có tình yêu, cuộc đời này khác gì sa mạc khô cằn, cuộc sống con người không còn ý nghĩa, lòng người hiu quạnh. Tình yêu sẽ làm cho đời ý nghĩa, tươi vui và hạnh phúc hơn. Chính hào quang tình yêu sẽ nở hoa đức hạnh, kết trái bình an. Cũng chính tình yêu là sức mạnh giúp con người dám trao ban và hy sinh cho người.

 

Câu chuyện “Họa mi và bông hồng đỏ” của William Oscar Wilde, sẽ chuyển tải cho chúng ta nét đẹp và sự cao cả của tình yêu: “Một sớm mùa hè, con họa mi làm tổ trên cành dương đã nghe trọn lời than thở của một chàng trai bên cửa sổ: Nếu anh không kiếm nổi bông hồng đỏ để em cài ngực áo trong buổi dạ hội đêm nay, em sẽ xa anh mãi mãi. Họa mi dư hiểu chàng trai đã lang thang khắp các nương đồng. Nhưng tìm đâu một bông hồng màu đỏ dưới nắng cháy mùa hạ? Trời ơi, người tình sẽ chắp cánh bay xa mất thôi. Họa mi không chịu nổi dằn vặt bi thương của chàng. Họa mi phải ra tay giúp đỡ. Họa mi khép cánh trước cây hoa hồng bên giếng nước nài xin: Chị hồng ơi, chị có vui lòng tặng em một bông hồng đỏ thắm không? Họa mi ơi! Em vô tâm như những chiếc gai trên thân chị. Mùa hạ nắng cháy sao em lại xin hoa hồng đỏ? Chị hồng rung rung cành lá giận dỗi. Họa mi tiếp tục tìm kiếm. Nàng nép mình đậu trên một cành hồng ngoài xa hàng dậu. Chị hồng ơi, có phép mầu nào làm nở cho em một bông hồng đỏ chăng? Họa mi ơi, đời cần hoa chi cho thương đau? Sao cũng được, miễn em kết chặt một mối tình. Được, nhưng phép mầu cần có máu đỏ. Bằng mọi giá chị ạ. Bằng giá sinh mạng? Kể cả sinh mạng em. Họa mi ơi! Hãy đặt cổ em trên gai nhọn của chị, hãy hót cho chị, cho cây cỏ, cho đất trời khúc tình ca thắm thiết nhất đời em. Hãy đổ máu đỏ cho bông hồng nở. Hãy nhuộm máu cho bông hồng đỏ. Mình sẽ có một bông hồng đỏ như máu đẹp nhất trần gian.

 

Họa mi đã hót say mê đến giây phút cuối cuộc đời, đã đổ đến giọt máu cuối cùng, đã chết rũ trên cành hồng bên cạnh đóa hoa hồng bí nhiệm đỏ thắm nở tươi. Chàng trai mừng vui tiếng cười mở hội. Bông hồng được hái về trau chuốt cẩn thận trước khi có mặt trong dạ hội. Điều lạ lùng nhất và cũng phi lý nhất, phi lý như chính cuộc đời phi lý, là người tình đã khước từ đóa hồng bí nhiệm, vì trên ngực áo cô gái một bông hồng giả đang ngự trị... Họa mi yêu người, đã lấy máu và sinh mạng đổi lấy bông hồng. Người thiếu nữ nhận bông hồng giả để chối từ một tình yêu chân thật”.

 

Câu chuyện là một huyền thoại, nhưng chuyên chở một nội dung rất ý nghĩa cho đời: Đó là nét đẹp và sự cao thượng của tình yêu. Để có một “bông hồng đỏ” cho chàng trai cài lên ngực áo người tình trong đêm dạ hội, họa mi phải trả bằng một giá rất đắt, phải nuôi dưỡng nó bằng hy sinh, bằng máu, bằng cả sinh mạng. Mặc cho ngoài kia con người đón nhận hay từ chối, họa mi vẫn cứ yêu. Vì đối với họa mi, yêu là cho đi nhưng không, cho đi mà không mong nhận lại, một tình yêu quên mình, hiến dâng mà không cầu mong sự thỏa mãn có giới hạn nào đó cho mình. Đây là tình yêu không mang tính vị kỷ, không có giới hạn, chỉ mong cuộc đời được thêm tươi, mối tình chàng trai và cô thiếu nữ được thành toàn.

 

Từ nét đẹp tình yêu của câu chuyện có phần hư cấu, chúng ta tiến sang tình yêu đích thực và cao cả nơi chính Chúa Giêsu.

 

Chúa Giêsu hơn hai ngàn năm trước, đã nhập thể để ở với loài người và đem “Đạo yêu thương” đến trần gian. Người đã diễn tả nó qua hành động và lối sống của Người, và làm tỏa sáng khuôn mặt của một Thiên Chúa hết lòng yêu thương con người. Tình yêu ấy được bắt nguồn từ Thiên Chúa Cha: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Đến lượt Đức Giêsu, Người cũng sống triệt để sứ mạng yêu thương. Vì yêu, “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 6-8).

 

Vì yêu, Đức Giêsu đã rao giảng Tin Mừng khắp đó đây để cho mọi người được ơn cứu độ (x. Mc 1,14); nâng đỡ kẻ yếu đuối, vỗ về người thất vọng và cảm thông với người tội lỗi (x. Ga 8,1-11). Người đã chạnh lòng thương đến đoàn chiên bơ vơ không người chăn dắt; đã nuôi sống họ bằng phép lạ hóa bánh ra nhiều (x. Mc 6,34-44); đã chữa lành những người ốm đau tật nguyền (x. Mt 4,23-25); đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13,3-15); đã làm ơn cho kẻ hại mình, yêu cả kẻ thù và sẵn sàng tha thứ cho họ (x. Lc 23,34).

 

Chúa đã sống trọn vẹn đỉnh cao của tình yêu, khi gánh mọi khổ đau và tội lỗi nhân loại mà đưa lên cây thập giá: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Vì yêu, Chúa đã chết để cho nhân loại được sống, đã chịu khổ để cho nhân loại được hạnh phúc. Chính những giọt máu từ cổ họa mi do gai hồng đâm, đã cho đời một bông hồng đỏ tình yêu, thì chính những giọt máu và nước tuôn ra từ trái tim bị đâm thâu của Đức Giêsu do ngọn giáo, đã khơi nguồn ơn cứu độ cho nhân loại. Như vậy, cả cuộc đời Đức Giêsu đã sống và chết vì yêu. Vì vậy, trước khi từ giã các môn đệ để chịu tử nạn và về cùng Chúa Cha, trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu đã trăn trối điều răn yêu thương lại cho các môn đệ: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (c.34). “Hãy yêu thương” là gia tài, là di chúc Đức Giêsu để lại cho các môn đệ và mọi người chúng ta. 

 

Vậy, tại sao người môn đệ Đức Giêsu lại phải yêu thương nhau?

 

Có yêu thương thì người môn đệ mới cùng nhau vượt qua được thử thách khi đối diện với cảnh tượng Thầy của mình bị bắt, bị trói, bị đánh đập và bị giết chết trần trụi trên thập giá. Có yêu thương thì mới đón nhận nhau là anh em và không tranh dành chỗ cao thấp trong cuộc đời khi không còn Thầy hiện diện hữu hình. Có yêu thương thì mới đến được với người nghèo, người khổ đau, bệnh tật..., để an ủi, chia sẻ với họ. Có yêu thương mới dám cùng nhau chấp nhận hy sinh để loan truyền và làm chứng về Thầy cho người khác.

 

Lời trăn trối của Đức Giêsu không chỉ là “hãy yêu thương nhau” mà còn đi một bước xa hơn và mãnh liệt hơn là “hãy yêu như Thầy đã yêu”. Yêu như Thầy là dám chết cho người mình yêu. Yêu như Thầy là tình yêu trao hiến cả cuộc đời, là tình yêu cho đi mà không mong nhận lại, là yêu đến hơi thở cuối cùng. Nếu yêu thương nhau là cốt lõi của Tin Mừng, thì chết cho nhau là đỉnh cao của tình yêu ấy. Khi yêu thương, người môn đệ toát lên vẻ đẹp tình yêu Thiên Chúa nơi chính mình, khơi gợi cho mọi người niềm hy vọng và tiếp lửa yêu mến cho đời, cho người, và là dấu chứng môn đệ của Đức Giêsu: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Khi sống trong tình yêu, người môn đệ cũng được ở lại trong Chúa và Chúa ở lại trong họ. Bởi vì, “Thiên Chúa là Tình Yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16).

 

Còn về phần chúng ta thì sao? Chúng ta đã thực thi điều răn yêu thương mà Chúa đã trối lại chưa?

 

Mặc dầu chúng ta đã, đang tiếp bước trên con đường Đức Giêsu đã đi với những lý tưởng cao đẹp trong tim và hướng tới một cuộc sống hoàn thiện trong tình yêu, nhưng vẫn còn chất chứa những: vị kỷ, danh vọng, ước muốn thấp hèn...trong tâm. Có thể nói trong con người chúng ta luôn tồn tại tình yêu quy hướng về mình.

 

Nhìn ra xa và rộng hơn, ta thấy, toàn cầu hóa đang đưa đẩy con người đến tình trạng luôn coi trọng thực dụng như: tiền tài, địa vị, quyền lợi, hưởng thụ, còn những giá trị tâm linh, đạo đức, tình thương đã bị giáng xuống hàng thứ, hay có thể nói là không quan trọng, không còn giá trị. Vì với quan niệm “có tiền mua tiên cũng được” thì còn đâu cho giá trị tâm linh, đạo đức, tình thương? Còn đâu những con người sống cho tình yêu và chết cho tình yêu? Phải chăng “điều răn yêu thương” mà Đức Giêsu trối lại năm xưa, chỉ còn là một thứ gì đó xa xỉ và hoang đường với con người thời nay? Chính vì vậy, Đức Gioan Phaolô II đã phải thức tỉnh những “con tim” không còn cảm thức với tình yêu bằng câu nói: “Con người ngày nay đói khát tình yêu hơn đói khát lương thực. Đây là một lời báo động, một lời đanh thép xoáy sâu vào con tim mọi người chúng ta. Đây còn là một lời cảnh tỉnh về nối sống, quan niệm của mỗi người, nhất là người môn đệ theo Chúa.

 

Ước gì qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta hiểu và cảm nếm được tình yêu mà chính Chúa Giêsu đã thông truyền cho chúng ta. Để từ đó chúng ta sống không vì tình yêu vị kỷ, nhưng luôn sống vì tình yêu vị tha, dám quên mình vì hạnh phúc của tha nhân, dám cho đi mà không mong nhận lại, dám yêu mà không mong đền đáp, để dấu chứng tình yêu Thiên Chúa hiện diện và sống động nơi đời sống cụ thể và khả kiến của mình. Amen.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á