Bài giảng

Chúa nhật V Mùa Chay năm B - "Hạt giống chết đi..." - Quốc Vũ

Đức Giêsu là một hạt giống đã chịu mục nát bởi thời gian, bởi nắng gió và mưa dầm, bởi những khắc nghiệt của thế gian, và chết đã đi hầu sinh được nhiều hạt khác là cộng đoàn các Kitô hữu (Ga 12,24). Giáo hội, qua bao thế hệ vẫn tiếp tục bước đi theo con đường đó của Thầy mình, vẫn phải dám mục nát, thối rữa và thậm chí là dám chết đi chính mình vì tương lai của vương quốc tình thương...

Chúa nhật V Mùa Chay, năm B

«HẠT GIỐNG CHẾT ĐI…»

Bài đọc 1: Giêrêmia 31, 31-34

Bài đọc 2: Hípri5, 7-9

Tin Mừng: Gioan 12, 20-33

 

1. Bài đọc I: Ta sẽ lập một giao ước mới, và không còn nhớ đến lỗi lầm của dân Ta nữa.

Ngôn sứ Giêrêmia sống vào một trong những thời kỳ đen tối và buồn thảm nhất của lịch sử Israel. Mặc dù, vốn là một con người hiền lành, thích sự yên tĩnh và bình an, mà ông cũng phải loan báo những tai họa và sự hủy diệt đối với dân tộc cứng đầu và cứng cổ. Chính vì thế mà ông bị mang tiếng là vị ngôn sứ của họa và đau khổ.

Trong suốt triều đại vua Sedecia, những đau khổ và khó khăn ngập tràn: dân chúng bị cáo buộc, bị tù tội và bị ném vào bồn chứa cho đến chết. Chính trong bối cảnh đó, Giêrêmia đã viết cuốn sách về sự an ủi và về một lời hứa rằng sự tái thiết đất nước sắp xảy ra. Thiên Chúa, Đấng đoái thương dân Người, sẽ tái thiết lại thành quách và ban cho họ một vị vua thuộc dòng tộc Đavit. Nhà Giuđa và toàn thể Israel sẽ quy tụ lại tại Giêrusalem để thờ phượng Giavê, và tái lập một giao ước mới đặt trên nền tảng của sự tương quan mất thiết giữa Thiên Chúa và con người (Is 55, 3.59, 21; Ed 16, 60; 34, 25). Những yếu tố căn bản của giao ước đó như sau:

1) Tính đơn phương của giao ước Sinai đã bị bãi bỏ, bởi vì dân đã không trung thành trong việc tuân giữ lề luật. Giao ước mới này sẽ không bị vi phạm, bởi vì Thiên Chúa đã ghi khắc tình yêu của Người vào tâm khảm con người cách vô điều kiện.

2) Tính chất nội tại: luật của giao ước mới sẽ được khắc sâu vào tâm khảm, sẽ tạo ra một con tim mới, sẽ tạo ra một tương quan bền vững giữa Thiên Chúa và con người.

3) Chính Thiên Chúa là thầy dạy, chỉ cho họ nhận biết cách ý thức các bổn phận họ phải có đối với Người, hầu đem ra thực hành cách cụ thể; vì thế, không hề tồn tại những lời giáo huấn mang tính trừu tượng và lý thuyết suống.

4) Cuối cùng, bản chất của giao ước mới được khởi đi từ ân sủng của Thiên Chúa, hầu ban ơn tha tội cho con người.

Tóm lại, đoạn sách này là một lời tiên báo nhắm đến hai đối tượng: cách trực tiếp liên quan đến việc dân được trở về sau thời kỳ lưu đày, đồng thời chuẩn bị m65t giao ước chắc chắn hơn với lời hứa rằng Đấng Mêsia sẽ đến (Lc 22, 30).

2. Bài Tin Mừng: Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.

Trong khi những người Dothái cố chấp trong việc cứng tin trước những dấu chỉ mạc khải chân dung Đấng Mêsia nơi Đức Giêsu, thì thánh Gioan đã cho thấy những người ngoại giáo, những người Samaritano, và những người Aicập, đã mở lòng ra đón nhận đức tin và nhận biết Đức Giêsu. Như thể, sự khước từ của dân Israel đã trở thành cơ may cho những người dân ngoại được bước vào Nước Thiên Chúa.

Sự yêu cầu được gặp Đức Giêsu của những người ngoại giáo này, không phải đơn thuần chỉ là một sự tò mò, nhưng đó là một hành vi mang tính nội tại sâu xa và tôn giáo thực sự. Trước sự yêu cầu này, Đức Giêsu đã dùng dụ ngôn hạt lúa được gieo vào lòng đất để giải thích cho họ hiểu: «nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình» (c. 24). Hình ảnh này soi sáng cho hai ý nghĩa căn bản: chỉ khi nào hạt lúa chết đi mới có thể sinh nhiều hạt khác, và chỉ khi đó mới cho thấy sự phong phú diệu kỳ của sự tự hủy.

Cái chết của Đức Giêsu cũng là một hạt giống của sự sống diệu kỳ và phong phú; nguyên lý này có giá trị không chỉ đối với các chết của Đức Kitô, mà còn đối với cái chết của mọi môn đệ bước theo Người. Đón nhận cái chết này cách vui lòng, sẽ đạt được vinh quang như Đức Giêsu, đó là ơn cứu độ được mở rộng ra với tất cả mọi người chứ không chỉ dành cho dân tộc Israel.

Với chính sự giải thích này, Đức Giêsu đã cho thấy rằng Người đã đi đến đoạn cuối của cuộc hành trình, Người đã sẵn sàng để hoàn thành chương trình cứu độ của Chúa Cha, vì thế mà các kẻ thù mới có thể bắt và giết Người.

3. Bài đọc II: Đức Kitô đã học biết thế nào là vâng phục, và trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu.

Lá thư này được viết ra cho những người Dothái đã hoán cải trở thành Kitô hữu nhưng bây giờ họ lại muốn thực hành việc phụng tự của những người Dothái. Tất cả lá thư là một lời động viên, khuyến khích trước những khó khăn mà họ đang phải gánh chịu trong đời sống. Sau đoạn lời mở rất trang trọng xác tín tính cao trọng của phẩm giá làm con Thiên Chúa, vượt trên cả các thiên thần, phần tiếp theo giới thiệu cho độc giả đề tài chính của lá thư là chức tư tế của Đức Giêsu mang chiều kích cứu độ, nghĩa là qua cuộc thương khó của Người, Người đã dâng chính mình như lễ vật để cứu độ nhân loại.

Trong đoạn thư hôm nay chứng minh rằng sự đau khổ mà Đức Giêsu chịu hoàn toàn nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa, đã hoàn thiện và thánh hiến Người cho việc hoàn thành sứ vụ tư tế trong sự vâng phục.

Đối với những người Dothái cũng thế, sự thử thách và đau khổ có một ý nghĩa mới: là dấu chứng của ơn cứu độ và là cách thức thực hiện giao ước mới. Tuy nhiên, đó phải là một sự đau khổ được đón nhận trong sự vâng phục Thiên Chúa và bằng lòng với thánh ý của Người.

4. Suy niệm:

+ Hạt giống phải chết đi…

Con người muôn đời vẫn ưu tư về đau khổ và cái chết. Đó là một cản trở lớn cho niềm tin vào Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa toàn năng và thương yêu con người, tại sao người lành phải đau khổ và phải chết? Hình ảnh một hạt giống phải chịu cảnh thối rữa thì mới có thể nảy mầm, thành cây và sinh hoa trái, là một kinh nghiệm mà chúng ta có thể bắt gặp bất cứ nơi đâu trong cuộc sống nhân sinh. Đó là một hình ảnh rất gần gũi và đơn sơ, đến nỗi nhiều khi chúng ta xem là chuyện bình thường, thì lại cho chúng ta một bài học vô cùng lớn, một nguyên lý của sự bảo tồn sự sống của vũ trụ này.

Những năm gần đây, quê hương Việt Nam chúng ta đang vươn lên đề trở thành một trong những nước đứng nhất nhì trên thế giới trong việc trồng và xuất khẩu lúa gạo. Để đạt được mục tiêu này, ngoải việc áp dụng sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và phương thức sản xuất mới, thì một yếu tố quan trọng không thể thiếu đó là việc chọn lựa giống lúa cho năng suất cao và chất lượng tốt. Từ một môi trường đa số là làm nông nghiệp như tại Việt Nam, thì hình ảnh hạt lúa mì được Đức Giêsu dùng trong Tin Mừng dễ dàng cho chúng ta hiểu được giáo huấn mà Chúa Giêsu muốn nhắm đến: «Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi thì sẽ sinh nhiều bông hạt» (Bài tin Mừng – c. 24). Tuy nhiên, điều Đức Giêsu nhắm đến ở đây là chính cái chết của Người: «Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ […] để trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người» (Bài đọc II – c. 9).

Như vậy, hạt giống mà Đức Kitô nói tới là chính thân thể Người, và bông hạt được sinh thêm nhiều chính là nguồn ơn cứu độ. Như thế, Đức Kitôđã đem lại câu trả lời thỏa đáng cho những đau khổ và cái chết một ý nghĩa lớn lao:Thân phận con người cũng như hạt giống phải chết đi mới sinh nhiều hoa trái. Đau khổ và sự chết của Đức Giêsu trở thành cần thiết cho một mùa màng lớn lao tức là ơn cứu độ muôn dân. Người chính là hạt giống Thiên Chúa gieo xuống trần gian. Cát bụi trần gian đã vùi lấp con người nhỏ bé của Người, nhưng Người đã trỗi dậy, vươn cao và đem lại nguồn sống cho muôn người.

+ Sự sống mới nảy sinh

Đức Giêsu đã trỗi dậy sau cái chết. Đó là một chiến thắng lớn lao, đem lại nguồn hứng khởi cho nhân loại, đã mặc cho những đau khổ và cái chết của thân phận con người một ý nghĩa mới. Bởi nhờ đó, Người đã đem lại ơn cứu độ cho toàn thế giới.

Đức Giêsu là một hạt giống đã chịu mục nát bởi thời gian, bởi nắng gió và mưa dầm, bởi những khắc nghiệt của thế gian, và chết đã đi hầu sinh được nhiều hạt khác là cộng đoàn các Kitô hữu (Ga 12,24). Giáo hội, qua bao thế hệ vẫn tiếp tục bước đi theo con đường đó của Thầy mình, vẫn phải dám mục nát, thối rữa và thậm chí là dám chết đi chính mình vì tương lai của vương quốc tình thương, như gương các vị Thánh Anh Hùng Tử Đạo, các vị đang ngày đêm miệt mài trên cánh đồng truyền giáo, các vị đang hết mình phục vụ đoàn Dân Chúa khắp nơi trong Giáo Hội, và cả những Kitô hữu nhiệt tâm trong các công tác từ thiện, bác ái, hầu góp phần vào nỗ lực vực dậy một thế giới đang ngày càng lụi tàn bởi phong trào tục hóa, chối bỏ niềm tin vào Thiên Chúa. Đó là những hạt giống đích thực, nhờ gắn kết Đức Kitô, đang hết mình cống hiến cho thế giới cả một mùa màng vô cùng tốt đẹp: «Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái» (Ga 15,5).

Quy luật của hạt lúa vẫn đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, đòi chúng ta phải liên tục chọn lựa, hoặc là cố giữ lấy mạng sống và những lợi lộc ở trần gian này để rồi đánh mất sự sống và hạnh phúc đời sau, hoặc chấp nhận mục rã cuộc đời mình từ bỏ nhữ thú vui và những cái cám dỗ của xã hội hôm nay để sinh hoa trái hạnh phúc ở đời sau.

Trong một ý nghĩa biểu trưng, mỗi Kitô hữu như là hạt lúa, cũng phải chấp nhận một sự nghiền nát, nhào nặn và đốt nóng để trở thành tấm bánh dâng lên Thiên Chúa, đồng thời còn là tấm bánh được bẻ ra được trao tặng cho tha nhân, thời giờ, sức khỏe, tuổi trẻ và khả năng, của cải, lương thực, đem lại cuộc sống hạnh phúc cho gia đình, bạn bè, và xã hội.

                                 Quốc Vũ  

~*~

Thiết kế Web : Châu Á