Bài giảng

CHÚA NHẬT V MÙA CHAY, năm B: "GIỜ TÔN VINH (Minh An)

Can đảm đón nhận những nghịch lý của thân phận làm Kitô hữu theo gương Chúa Kitô là chết để được sống và sống dồi dào không những cho riêng mình, mà còn được phát sinh nhiều sự sống mới trong Chúa Kitô nữa.

Ga 12, 20-33

“GIỜ TÔN VINH"

Minh An

Nếu như Chúa Nhật Tuần 4, Mùa Chay vừa rồi, chúng ta được vui mừng hớn hở vì đã đi hết nửa chặng được với Đức Kitô trong công trình cứu chuộc của Người, thì Chúa Nhật tuần V, hôm nay, chúng ta còn vui mừng gấp bội, vì ơn cứu độ của Thiên Chúa sắp thành toàn,  Đức Giêsu chấp nhận mình như hạt lúa mì mục nát để sinh nhiều bông hạt tươi tốt cho Chúa Cha và Người đáng được tôn vinh.

Thật vậy, bài Tin Mừng Chúa Nhật V Mùa Chay hôm nay, thánh sử Gioan thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu lên Giêrusalem để dự lễ vượt qua và có mấy người Hy-lạp đến với  ông Philipphê  để xin gặp Đức Giêsu. Thay vì Gioan nói rõ cho ta biết Chúa Giêsu gặp hay không gặp những người Hy-lạp này, thì tác giả đã ghi lại lời mạc khải của Chúa Giêsu về Giờ của Người. Giờ của Người sẽ được tôn vinh, vì Người phải chịu những mục nát để trổ sinh những bông hạt cho Chúa Cha: “Đã đến Giờ Con Người được vôn vinh! Thật, Thầy bảo thật anh em: Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quí mạng sống mình ở đời này thì sẽ mất. Còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12, 24-25).

Thái độ thật kỳ lạ của Chúa Giêsu làm cho chúng ta không thể không dừng lại để khám phá ra tâm trạng của Người lúc bấy giờ. Có thể nói được rằng, đó là một tâm trạng đang chờ đợi của Chúa Giêsu. Dường như Người đang chờ đợi chính Giờ của Người được Thiên Chúa Cha tôn vinh: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!”. Đúng  vậy, Người đang chờ đợi chính Giờ này.

 

Tác giả Tin Mừng thứ tư, đã nhiều lần ghi lại lời Chúa Giêsu nói đến “Giờ”. Tại tiệc cưới Ca-na, khi Mẹ Maria nói với Đức Giêsu: “Họ hết rượu rồi”. Người  đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến” (Ga 2,3-4). “Giờ tôi chưa đến”, được một số tác giả giải thích rằng, Chúa Giêsu chưa muốn tỏ lộ giờ cứu chuộc của Người, nên đã nói với mẹ Maria như thế; và  ở chương 7, thánh sử Gioan đã thuật lại cho ta biết Đức Giêsu rất can đảm lên Giêrusalem để dự lễ, trong khi người Do- thái tìm cách bắt và giết Người, nhưng không thể bắt và cũng chưa giết được lúc này, vì Giờ của Người chưa đến: “Bấy giờ họ tìm cách bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến” (Ga 7, 30)...

 

Còn bài Tin Mừng hôm nay, khi nghe hai môn đệ nói có một số người Hy-lạp muốn gặp thì Chúa Giêsu bỗng thốt lên “Đã đến giờ”, nhưng là: “Giờ con người được tôn vinh”. Tại sao phải đợi đến lúc này, Chúa Giêsu mới thốt lên như thế? Phải chăng đây là dấu hiệu đã đến “giờ” phải quyết định của Người? Người đã chọn con đường thập giá để cứu độ trần gian thì Người phải mạnh mẽ quyết định thực thi một cách hoàn hảo nhất, để làm trọn ý Cha.

 

Quả thế, Đức Giêsu đã quyết định cách mạnh mẽ “ Giờ” của Người. Giờ Người chấp nhận hiến mình làm giá chuộc cho muôn người. Người chấp nhận hy sinh phận mình cho con người ta được sống và sống dồi dào (x. Ga 10, 10), nên Người đã mạnh mẽ chịu tan biến. Qua lời tuyên bố của Người cho ta chứng thực rõ: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24). Chúa Giêsu chính là hạt lúa mì được Thiên Chúa Cha gieo vào thế gian. Người đã chấp nhận hạ mình mang lấy thân phận con người, chịu mục nát bởi sự giới hạn trong thân phận  làm người, và nhất là chấp nhận cái chết đau thương trong thân phận đó để làm trổ sinh những bông hạt lúa mới, tức là phát sinh một dòng giống mới cho Thiên Chúa Cha, là các kitô hữu. Như thế, cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu đã không ra vô ích, nhưng đem lại ơn ích thiêng liêng cho Chúa Cha gấp bội. Và như vậy, Đức Giêsu đáng được Cha tôn vinh giờ này: “Giờ Con Người được tôn vinh”.

 

Tất nhiên rằng, khi được tôn vinh cho đúng với giá trị thiết thực, Chúa Giêsu đã phải chịu cảnh mục nát như hạt lúa, tức là những đớn đau, chết chóc. Với thân phận làm người như bao con người khác Chúa Giêsu đã rùng mình, lo lắng khiếp sợ, thậm chí muốn bỏ cuộc, vì biết trước được điều mình phải chịu cách đớn đau như thế, nhưng rồi Người đã can đảm chấp nhận theo thánh ý Cha:  “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến.  Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha. Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!”(Ga 12, 27-28).

 

Khi Đức Giêsu chấp nhận mang thân phận hạt lúa mì, thì  đồng thời Người phải chấp nhận nghịch lý khác thường là phải hy sinh mạng sống, chấp nhận cái chết đau đớn, nhục nhã vì tội lỗi của nhân loại. Nhưng bù lại,  Chúa Cha đã trả lại cho Người sự sống trong vinh quang và  đặt Người làm Đấng Kitô và là Chúa tể của muôn loài. Bởi vậy, Chúa Giêsu đã hân hoan đón nhận “Giờ” rùng rợn nhất trong đời với tất cả tấm lòng yêu mến Cha của Người. Người xứng đáng được Cha tôn vinh.

 

Kitô hữu là những người đã theo Đức Giêsu, nên cũng được mời gọi noi gương Người trong việc tuân phục thánh ý Cha, đồng thời chấp nhận trở nên những hạt lúa hư nát, để được trổ sinh nhiều bông hạt tươi tốt cho Chúa và Giáo Hội. Hay nói khác đi, Kitô hữu phải chấp nhận những nghịch lý khác thường là “mất” để “được” như chính lời Chúa Giêsu khẳng định : “Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất mạng sống ở đời này, thì sẽ giữ được sự sống đời đời” (Ga 12, 25). Đây chính là một nghịch lý thật sự, nhưng không hề vô lý cho những ai được mạc khải để nhận ra giá trị vĩnh cửu của Nước Trời và sự sống đời sau. Bởi thế, phải can đảm đón nhận những nghịch lý của thân phận làm Kitô hữu theo gương Chúa Kitô là chết để được sống và sống dồi dào không những cho riêng mình, mà còn được phát sinh nhiều sự sống mới trong Chúa Kitô nữa. Có như thế, Kitô hữu cũng sẽ được Thiên Chúa tôn vinh như Chúa Cha đã tôn vinh Con của Người là Đức Giêsu.

 

Tất nhiên, nghịch lý của hạt lúa mì vẫn mãi là một sự đòi hỏi đầy khó khăn và thách thức to lớn cho cuộc đời làm Kitô hữu. Bởi vậy, hãy bám chặt vào Chúa Giêsu, tín thác nơi Người, để Người hướng dẫn và nâng đỡ những bước đường khó khăn. Đồng thời, hãy chấp nhận mục nát cái tôi ích kỷ hẹp hòi, thay thế vào đó cái đẹp của lòng quảng đại và bao dung. Hãy chôn vùi vĩnh viễn những thứ đam mê chào mời của thế gian, thay thế vào đó những công đức thiêng liêng, để ơn thánh được lớn lên trong tâm hồn...Và như vậy, chúng ta sẽ dễ dàng trở thành “Hạt Lúa” mục nát để làm trổ sinh những bông hạt tươi tốt cho Thiên Chúa.

 

Minh An

Thiết kế Web : Châu Á