Bài giảng

Chúa nhật Lễ Hiển Linh, bài II (Vp. Bảo Tịnh)

Khi các đạo sĩ đến Bêlem gặp được Hài Nhi Giêsu, họ sấp mình thờ lạy Người và dâng tiến Người ba lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Vàng để chỉ Hài Nhi Giêsu là vua, nhũ hương để chỉ Người là Thiên Chúa và mộc dược để chỉ đến cái chết của Người sau này. Nhưng những lễ vật này có ý nghĩa gì đối với chính tôi, chính chúng ta hôm nay?

 

Is 60, 1-6; Ep 3, 2-3a.5-6; Mt 2, 1-12

Tin mừng hôm nay thuật lại hành trình lên đường tìm Chúa của các đạo sĩ phương đông và khi gặp được Chúa họ đã dâng Chúa ba lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Dựa vào những dữ kiện ấy, xin trình bày hai điểm:

- Hành trình của các nhà chiêm tinh được xem là hành trình đức tin và phản ánh hành trình đức tin của chúng ta.

- Ý nghĩa ba lễ vật được áp dụng vào đời sống của chúng ta.

 

2. Hành trình của các nhà chiêm tinh được xem là hành trình đức tin và phản ánh hành trình đức tin của chúng ta.

‘Đức Vua dân Do Thái mới sinh hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên Phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người’. Lời của các nhà Đạo sĩ, hỏi vua Hêrôđê gợi lên cho chúng ta vài suy nghĩ:

Các đạo sĩ là những người ngoại đạo, nhìn lên bầu trời đầy sao, giữa muôn ngàn vì sao mà lại nhận ra ngôi sao của Chúa, như là một dấu chứng ‘Đức Vua dân Do Thái vừa sinh ra’.

Ngôi sao, một vật vô tri vô giác, không biết nói và cũng chẳng biết diễn tả điều gì, thế mà các nhà đạo sĩ lại tin và nhận ra ‘ngôi sao của Chúa’ để lên đường tìm kiếm ‘Đấng là Sao Sáng chiếu soi trần gian’, dù chưa biết chắc chắn là Ngài sinh ra ở đâu.

Lên đường đi tìm gặp ‘Đấng Cứu Thế’, không phải để thoả mãn sự tò mò hay để xem cho biết mà là để ‘bái lạy Người’. Cụm từ ‘bái lạy Người’ nói lên tất cả ý nghĩa của niềm tin. Niềm tin không những được tuyên xưng ra ngoài miệng, mà còn diễn tả qua hành vi tôn thờ của các ông.

Các đạo sĩ lên đường đi tìm và đã gặp Hài Nhi Giêsu, họ liền sấp mình thờ lạy Người. ‘Sấp mình’ đó là thái độ diễn tả sự tôn thờ Thiên Chúa. Từ những người ngoại đạo, trở thành những người có đạo, từ những người chưa bao giờ nhìn thấy Thiên Chúa, nay trở thành những người được chiêm ngưỡng Thiên Chúa nhãn tiền. Nhưng ‘làm sao các đạo sĩ có thể nhận ra Thiên Chúa quyền uy cao cả trong trong Hài Nhi Giêsu, một bé thơ sinh ra trong cảnh nghèo nàn như thế? Chắc chắn họ đã được Thiên Chúa mặc khải cho họ biết điều ấy. Nhưng làm sao biết là họ được Thiên Chúa mặc khải cho? Thưa vì họ là những người tay sạch lòng ngay, là người khao khát kiếm tìm Thiên Chúa.

“Ai được lên núi Chúa,

ai được ở trong đền thánh của Người,

đó là kẻ tay sạch lòng thanh,

chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian nói dối”

(Tv 23, 3-4)

Ba đạo sĩ phương đông đã lên đường tìm Chúa, dù có những lúc gặp phải những khó khăn: ngôi sao dẫn đường chỉ lối bị khuất đi, hỏi thăm người bản xứ là vua Hêrôđê lại bị ông lợi dụng sự đơn sơ chân thành để suýt nữa trở thành những kẻ tiếp tay cho ý đồ đen tối của ông.

Cuộc đời của người kitô hữu cũng phải là một cuộc hành trình đi tìm Chúa và phải sống đức tin sao cho kiên cường, dù có bị chao đảo, bị thử thách, bị đau khổ và gặp phải những khó khăn của cuộc sống. Nhưng họ vẫn kiên quyết giữ, sống và thực hành đức tin, vì  “Đức tin không có việc làm là một đức tin chết”.

Đức tin chỉ được vững mạnh và trổ sinh hoa trái khi chúng ta sống và thực hiện niềm tin qua những việc làm cụ thể hằng ngày. Có thế, chúng ta mới làm chứng niềm tin cho mọi người biết và hiểu được tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng chúng ta suy phục, tôn thờ.

 

2. Ý nghĩa ba lễ vật được áp dụng vào đời sống của chúng ta.

Khi các đạo sĩ đến Bêlem gặp được Hài Nhi Giêsu, họ sấp mình thờ lạy Người và dâng tiến Người ba lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Vàng để chỉ Hài Nhi Giêsu là vua, nhũ hương để chỉ Người là Thiên Chúa và mộc dược để chỉ đến cái chết của Người sau này. Nhưng những lễ vật này có ý nghĩa gì đối với chính tôi, chính chúng ta hôm nay?

*Vàng biểu tượng cho lòng yêu mến của tôi dành cho Chúa thật tinh ròng, cao cả và mãnh liệt : ‘Hãy kính mến Thiên Chúa hết tâm hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi’ (Mc 12, 33). Một tình yêu không thể tách lìa : dù bị bắt bớ, bị tù đày, bị đánh đòn hay đói khát cũng không ai có thể phân rẽ tôi ra khỏi lòng yêu mến đối với Đức Kitô’ (Rm 8, 35-38).

Vàng còn tượng trưng cho sự tôi luyện:  Vàng là thứ kim loại quý giá, càng được thiêu đốt bằng ngọn lửa cao độ chừng nào thì càng chứng tỏ được giá trị của vàng chừng đó. Con người cũng vậy, trước gian lao mới biết sức mình. Gặp khó khăn, trở ngại mà vẫn tiến lên, không lùi bước thì mới đo lường được sức người. Vì thế, cha ông mới nói: ‘Lửa thử vàng gian nan thử sức’. Qua câu nói ấy, Cha ông muốn nhắn nhủ chúng ta rằng: ‘cuộc sống bao giờ cũng đầy chông gai, đầy vị đắng nhưng với ý chí, nghị lực ta sẽ vượt qua’.

Người kitô đích thực được sánh ví như vàng trong lò đang đươc Chúa luyện:

“Vâng lạy Chúa, Ngài đã từng thử thách,
luyện chúng con như luyện bạc trong lò”
(Tv 65, 10)

Vậy tôi có phải là vàng ròng, vàng thật 100% không hay là vàng dổm, vàng thau lẫn lộn?

 

*Nhũ hương chỉ Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Như vậy đem đến cho chúng ta một niềm xác tín về Thiên tính của Đức Kitô. Đây không phải là một niềm tin có tính cách giáo điều hay lý thuyết, mà là một niềm tin sống động và mãnh liệt, vì Đức Kitô là Emmanuel ‘Thiên Chúaở cùng chúng ta’ và trở nên lương thực nuôi sống linh hồn chúng ta qua Bí tích Thánh Thể, cũng như qua lời Ngài trong Phúc âm.

Nhũ hương cũng nói lên tâm tình thờ lạy của chúng ta đối với Thiên Chúa. Hương được dùng trong phụng vụ Thánh Lễ, người ta xông hương khi đọc Phúc âm, khi dâng Mình Thánh và khi chầu Thánh Thể.

Nhũ hương còn tượng trưng cho tâm tình kinh nguyện:

“Ước chi lời con nguyện
như hương trầm bay tỏa trước Thánh Nhan,
và tay con giơ lên, được chấp nhận như của lễ ban chiều”
(Tv 141, 2)

Người kitô hữu không những phải là người cầu nguyện, mà còn phải toả hương thơm nhân đức nữa. Họ cầu nguyện cho mình và cho người, cho Giáo Hội và xã hội. Lời cầu nguyện của họ phải kết hiệp với lời cầu nguyện của Giáo Hội, và xuyên qua lời nguyện của Giáo Hội, họ tìm thấy lời nguyện của Đức Kitô, là đầu của Nhiệm Thể.

 

*Mộc dược ám chỉ cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Giêsu trên thập giá. Đối với người kitô hữu, niềm tin ấy bây giờ được tái diễn trên bàn thờ mỗi ngày, chính là thánh lễ: ‘Mỗi khi anh em ăn bánh này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Ngài trở lại’ (1Cr 11, 17-27).

Mộc dược còn tượng trưng cho những đau khổ: ‘Anh em hãy mang lấy dấu tích của Đức Kitô nơi thân xác anh em’ (Gl 6,17).

Mộc dược có ý nói tới việc hy sinh hãm mình của người kitô hữu như lời Chúa phán: ‘Ai muốn theo, Ta phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta’ (Lc 9,23).

Như vậy, mộc dược trong đời sống của người kitô hữu, đòi buộc họ phải mặc lấy Đức Kitô và trở nên đồng hình đồng dạng với Người (Gl 3, 27; Rm 13, 14). Quả thật, ngay khi chúng ta lãnh nhận bí tích rửa tội chúng ta đã thuộc về Đức Kitô và đã mặc lấy Người.

 

Xin ngừng lại bài chia bằng câu hỏi: ba lễ vật được dâng cho Chúa áp dụng vào đời sống của chúng ta là: tình yêu, sự tôn thờ và sự hy sinh đau khổ, chúng ta đã sống tâm tình đó như thế nào để cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa và làm thành những lễ vật dâng cho Ngài?

 

M. Bảo Tịnh, vp Phước Lý.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á