Bài giảng

Chúa nhật IV Mùa Chay năm B - "Chết - Sống" - Quốc Vũ

Ranh giới giữa sống và chết cũng có thể rất mong manh, nhưng cũng có thể là ngàn trùng xa cách. Cái chết về thể xác thật là đáng sợ, là hiển nhiên sẽ đến với mỗi người, để rồi người ta lo lắng, người ta tìm cách kéo dài sự sống bao lâu có thể; nhưng cái chết đời đời còn đáng sợ hơn biết bao nhiêu, thế mà có mấy ai quan tâm. Chết đời đời là vĩnh viễn cách xa nhan Chúa, là không bao giờ còn được ca ngợi tôn vinh, chúc tụng Người. Xa Thiên Chúa là mất tất cả: «được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn, nào có ích chi?» (Mt 16, 26).

Chúa nhật IV Mùa Chay, năm B

«CHẾT – SỐNG»

Bài đọc 1: 2Sử biên niên 36, 14-16.19-23

Bài đọc 2: Êphêsô2, 4-10

Tin Mừng: Gioan 3, 14-21

1. Bài đọc I: Thiên Chúa đã nổi cơn thịnh nộ, khiến dân Israel phải lưu đày; nhưng vì lòng thương xót, Người đã giải thoát họ.

Hai cuốn Sử Biên Niên là một sự suy tư mang tính tôn giáo về những việc đã xảy ra trong suốt thời quân chủ của Israel. Sự nhận xét của Thánh Ký đặc biệt chú trọng đến thời gian quan trọng nhất là khi Giêrusalem trở thành thủ đô của quốc gia, và nhất là trở thành trung tâm của mọi lễ nghi tôn giáo để tôn thờ và kính danh Giavê.

Dân Dothái lúc bấy giờ, trở về sau thời lưu đày ở Babylon, chỉ còn là một cộng đồng nhỏ bé, mới suy ngẫm nghĩ lại toàn bộ lịch sử của mình, với biết bao điều Thiên Chúa đã làm cho họ. Hai cuốn Sử được viết ra để mời gọi họ phải có niềm hy vọng trước những khó khăn. Đó là hai cuốn sách của sự an ủi trong một cảnh sống nghèo nàn và thiếu thốn mọi bề.

Theo Thánh Ký, nguyên nhân dẫn đến sự khốn khó này là do sự bất trung của Dân cũng như những vị thủ lãnh của họ. Cho dù Thiên Chúa đã can thiệp, đã cảnh báo qua các ngôn sứ, nhưng họ vẫn không ăn năn, không thay đổi đời sống. Và phải chăng Thiên Chúa đã quên Lời Hứa? Phải chăng tất cả đều đã hết? Nhưng may thay, có một «nhóm nhỏ, số sót», cho dẫu phải trải qua nhiều đau khổ và khủng hoảng, vẫn giữ được lòng trung thành với Thiên Chúa, đã chuẩn bị cho một giao ước chắc chắn hơn, giá trị hơn.

Thật ra, vào thời của vua Giosua đã có những sự cải cách, nhưng điều đó đã không đưa đến những sự thay đổi căn cốt, bởi chỉ là một sự xoa dịu tạm thời, một tác động mang tính chữa cháy. Nhưng, Thiên Chúa muốn một sự hoán cải thực sự, một bước nhảy vọt về phía trước, cần một sự thay đổi tận căn. Thế nên, lưu đày, không phải là một sự đổ vỡ hoàn toàn, nhưng nó trở thành một cơ hội giúp dân khám phá được giá trị tôn giáo đích thực, không chỉ giới hạn trong triều vua, trong đền thờ hay thành quách. Nhưng nó có giá trị cho tất cả mọi người sống theo lời hứa của Thiên Chúa qua mọi thời. Và như thế, Giavê không chỉ biều lộ là một vị Thiên Chúa trung thành, mà còn là một điều gì «hoàn toàn khác», là sẽ thực hiện chương trình cứu độ của Người theo một cách thức không thể đoán trước, và theo theo nhãn quan nhân loại, thì đó là một cách thức hoàn toàn trái ngược với cách thức của chúng ta.

2. Bài Tin Mừng: Thiên Chúa đã sai Con của Người đến thế gian, để thế gian nhờ Con của Người, mà được sống.

Đoạn Tin Mừng hôm nay nằm trong chương 3, 1-21, thánh sử Gioan thuật lại cuộc đối thoại của Đức Giêsu với ông Nicôđêmô.

Nicôđêmô, là một trong nhiều người đã được chứng kiến những dấu chứng mà Đức Giêsu làm, nhưng ông vẫn không hiểu. Đức Giêsu đã trách mắng ông: « một bậc thầy trong dân Israel, mà lại không biết những chuyện ấy» (c. 10); qua đó, Người mạc khải cho ông biết về mầu nhiệm Con Người: «Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ được giương cao như vậy, để ai tin vào Nười thì được sống muôn đời» (cc. 14-15). Nhưng, điều kiện để có thể hiểu được điều đó, Đức Giêsu đòi hỏi ông phải «sinh ra một lần nữa bởi ơn trên» (c. 3).

Nicôđêmô biết nằm lòng sự kiện ngày xưa ông Môsê treo con rắn đồng trong sa mạc để chữa dân Dothái khỏi nọc rắn độc; bây giờ, ông được mạc khải thêm rằng đó là «hình ảnh» của một sự chữa lành khác quan trọng hơn, bởi đó chính là nguồn ơn cứu độ khỏi sự chết đời đời. Đối với tất cả những ai thật sự khao khát nhìn thấy Con của Thiên Chúa, Đấng bị treo trên cây gỗ, thì Thiên Chúa sẽ đón nhận họ vào trong nhà của Người. Thật vậy, chính trên thập giá, Đức Giêsu đã trao hiến tất cả, đã chứng minh được tình con thảo của Người với Thiên Chúa; đồng thời, cho chúng thấy, qua Người Con Yêu Dấu, Thiên Chúa đã biểu lộ tất cả lòng bao dung của Người đối với nhân loại.

Nhờ đức tin, con người nhận biết và sát nhập thực sự vào trong sự hiện hữu đích thực, đó là sự sống được thông ban bởi Thiên Chúa: «Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời» (c. 16). Chính tình yêu lớn lao này của Thiên Chúa, đã làm cho con người được «tái sinh và cứu độ» (c. 17).

Tình yêu này đã khơi nguồn cho một sự tự do chọn lựa, hầu con người không hề bị ép buộc, nhưng được mời gọi đi vào giao ước với Thiên Chúa. Do đó, ai đón nhận ân huệ này của Thiên Chúa, thì sẽ được cứu độ; còn ai không đón nhận, sẽ bị kết án bởi đã không mở lòng ra đón lấy tình yêu cùa Người. Chính vì thế, Đức Giêsu đã trở thành «cớ vấp phạm hoặc ơn cứu độ», gây chia rẽ hoặc hiệp nhất, phân cách hay liên kết, thực hiện một cuộc phán xét trên toàn thể nhân loại.

3. Bài đọc II: Anh em đã chết vì phạm tội, nhưng được sống nhờ ân sủng

Thiên Chúa toàn năng đã làm cho Đức Giêsu Kitô sống lại và đặt Người lên trên mọi loài thọ sinh, đã bảo đảm cho các độc giả của thư Êphêsô rằng họ sẽ được kể vào số những người được cứu độ. Trong Đức Kitô, là thủ lãnh của mọi loài, sẽ đưa tất cả vào trong một cuộc tạo thành mới, vốn được các ngôn sứ đã loan báo từ ngàn xưa.

Theo Thánh Phaolô, ân huệ mà Thiên Chúa thực hiện cho nhân loại qua Đức Kitô, đã được biểu lộ là một tình yêu nhưng không của Người. Ngoài ra, Phaolô còn cho thấy, chính nơi mỗi người, Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện công trình cứu độ qua bí tích Thanh Tẩy, nghĩa là được dìm mình vào Đức Kitô, hầu trở thành một thụ tạo mới hoàn toàn.

Trong Đức Giêsu Kitô, tín hữu tìm thấy vị thủ lãnh là Ađam mới, Đấng giúp chúng ta đoạn tuyệt với những liên hệ xưa cũ, cắt đứt với tội lỗi, để xứng đáng trở thành của lễ sống động dâng lên  Thiên Chúa.

Giờ đây, đời sống Kitô hữu của chúng ta, chính con người và những việc làm của chúng ta, không là gì khác ngoài «sự tái sinh» trong Đức Kitô, theo một nghĩa là chúng ta được đổi mới hoàn toàn nhờ ơn Chúa trợ giúp. Vì thế, chúng ta bị đòi hỏi, hay nói cách nhẹ nhàng hơn là chúng ta được mời gọi từ bỏ những tư lợi, đoạn tuyệt với chính mình, và dâng cho Thiên Chúa toàn thể con người và quyền sở hữu của bản thân.

Quả thật, tin có nghĩa là đón nhận, và mở lòng ra đón lấy những điều thiên Chúa tặng ban, là chấp nhận đóng đôi mắt thể xác lại, để mở rộng đôi mắt tâm hồn mà bước đi trong những chặng đường đầy những gian nan, mà đôi khi ta có cảm tưởng như bị Thiên Chúa bỏ rơi. Nhưng, Thiên Chúa vẫn ở đó, ngay bên cạnh, thậm chí là ngay bên trong chúng ta, để thực hiện những điều chúng ta mong ước. Mà điều mong ước lớn lao nhất, chắc chắn vẫn là được cứu độ.

4. Suy niệm:

+ Chết do tội

Lịch sử Dân Chúa là một lịch sử dệt nên từ những chuỗi dài sa đi ngã lại của dân Israel. Đó là lịch sử của ân sủng và tội lỗi, trung thành và bất tín, đón nhận và từ chối, ánh sáng và bóng đen. Ðó là lịch sử của một tình thương hải hà và nhiệm mầu. Quả thật, lịch sử con cháu Ađam đã cho thấy tội lỗi như một vết dầu loang bao trùm cả thế giới và vũ trụ, khiến mỗi người từ khi sinh ra đã mang trọng tội (Tv 51,7). Tội lỗi đã xâm nhập vào thế gian. Tội lỗi gieo rắc mầm mống sự chết khắp nơi và biến đổi thế giới sự sống thành thế giới u sầu tang tóc. Tội lỗi tách biệt con người ra khỏi Chúa, kéo con người khỏi quỹ đạo sự sống và tình thương, biến cuộc sống con người thành một xung khắc triền miên với chính mình, với tha nhân và với thế giới. Lịch sử con người từ đó trở nên một lịch sử hận thù, tham lam và tranh chấp.

Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây, chúng ta sẽ bi quan và thất vọng, và cuộc đời sẽ như một ngõ cụt, hoàn toàn vô nghĩa, như thế thì con người thà đừng sinh ra thì hơn (G 3,1-26). Thật vậy, tội lỗi đã khiến con người, từ khi sinh ra vốn mang hình ảnh Thiên Chúa, nay đã bị biến dạng. Con người đánh mất hết những vẻ diễm lệ yêu kiều, trở nên một thụ tạo xấu xí, thê lương. Nhưng, tình thương của Thiên Chúa thật nhiệm mầu, Người đã yêu thương ta ngay cả khi chúng ta còn là những tội nhân; Người khiến chúng ta là những kẻ đã chết bởi sa ngã phạm tội, vẫn được cùng tái sinh với Ðức Kitô (Ep 2, 5).

+ Sống nhờ ân sủng

Ngôn sứ Êzêkiel ví Thiên Chúa như một người qua đường, thấy dân mình quằn quại trong vũng máu, quyết đưa về tắm rửa và trang điểm, biến thành như một thiếu nữ mỹ miều xinh đẹp (Ez 16,6-14).

Ngôn sứ Hôsê ví dân Chúa như một người vợ được chiều chuộng đủ điều, nhưng vẫn quen thói thất trung, thích chạy theo khách mới. Thiên Chúa phải làm mọi cách cho người vợ ấy trở về (Hs 2).

Sách Sử Biên Niên cho thấy mọi thành phần dân Chúa đều bất tín, từ đầu mục, tư tế cho đến thứ dân đã chạy theo những ngẫu tượng của ngoại bang. Họ làm hoen ố đền thờ Chúa và xúc phạm Danh Thánh Người.

Tuy vậy, Thiên Chúa giàu lòng thương xót, luôn khoan dung tha thứ, để rồi qua mọi thời, Người đã sai nhiều sứ giả đến với họ kêu gọi sám hối, nhưng họ vẫn giả điếc làm ngơ, và hơn thế nữa, họ còn nhạo báng, hành hạ và giết chết các sứ giả của Người. Cuối cùng, Người đã phải sai chính Con Một của Người đến để sống và chết vì họ.

Thập giá, là tội tày trời, là điều khủng khiếp nhất mà con người dành cho Con Thiên Chúa; nhưng thập giá đã trở nên nguồn ân sủng chứa chan do lòng khoan dung của Thiên Chúa thực hiện ngay chính cái chết của Con Một Người là Đức Giêsu Kitô. Thánh Phaolô đã xác tín và truyền lại niềm tin ấy cho các tín hữu thành Êphêsô ngya2 xưa, cũng như cho mỗi người chúng ta ngày hôm nay: «Thưa anh em, Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ!» (Ep 2, 4-5), hầu những ai tin vào Con của Người thì được sống đời đời.

+ Kết luận

Ranh giới giữa sống và chết cũng có thể rất mong manh, nhưng cũng có thể là ngàn trùng xa cách. Cái chết về thể xác thật là đáng sợ, là hiển nhiên sẽ đến với mỗi người, để rồi người ta lo lắng, người ta tìm cách kéo dài sự sống bao lâu có thể; nhưng cái chết đời đời còn đáng sợ hơn biết bao nhiêu, thế mà có mấy ai quan tâm. Chết đời đời là vĩnh viễn cách xa nhan Chúa, là không bao giờ còn được ca ngợi tôn vinh, chúc tụng Người. Xa Thiên Chúa là mất tất cả: «được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn, nào có ích chi?» (Mt 16, 26).

Mùa Chay đang đi dần vào tuần Thương khó. Phụng vụ muốn ta chiêm ngưỡng thập giá Chúa Kitô. Cũng như Môsê ngày xưa đã treo con rắn đồng lên để người Dothái nhìn lên thì được cứu sống; Thánh giá ngày này, là nguồn ơn cứu độ mọi người, miễn là người ta thấy cần và muốn được cứu rỗi. Và một điều chắc chắn là những ai muốn được sống đời đời, phải ngước nhìn lên và đặt tất cả niềm tin vào thập giá Ðức Kitô, Đấng đã chấp nhận đóng đinh trong tình yêu mến Chúa Cha và thương xót loài người. Phần chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng phải nỗ lực canh tân đời sống, phải ngước nhìn lên thánh giá Chúa, nghĩa là đoạn tuyệt với tội, để được "sinh lại" trong Thánh Thần, hầu xứng đáng tham dự vào mầu nhiệm Thánh giá & Phục sinh của Người.

                                 Quốc Vũ  

~*~

 

 

Thiết kế Web : Châu Á