Bài giảng

Chúa nhật III Mùa Vọng, năm B: "Ý NGHĨA MÀU HỒNG - NIỀM VUI ĐÓN CHÚA"

“Gaudete” của Chúa nhật III mùa vọng: Giáo Hội mời gọi chúng ta “vui mừng lên”, vì Chúa sắp ngự đến, giáng sinh làm người ở với chúng ta.

 

 "Ý NGHĨA MÀU HỒNG - NIỀM VUI ĐÓN CHÚA"

Is 61,1-2a.10-11; Tx 5,16-24; Ga 1,6-8.19-28

 M. Bảo Tịnh Nguyễn Đức Chánh

 

Phụng vụ Chúa Nhật III Mùa Vọng, Giáo hội mời gọi chúng ta “hãy vui lên”. Niềm vui ấy, được biểu lộ từ sắc áo hồng của linh mục mặc dâng lễ cho đến Lời Chúa trong các bài đọc của Thánh Lễ. Dựa vào bầu khí phụng vụ hôm nay, xin chia sẻ với anh chị em hai điểm:

 

- Ý nghĩa mầu hồng trong cuộc sống con người.

- Ý nghĩa mầu hồng trong phụng vụ hôm nay.

 

+ Ý nghĩa mầu hồng trong cuộc sống con người

Màu hồng là màu của tình yêu và hạnh phúc, mầu của sự dịu ngọt, thi vị và lãng mạn. Bất cứ thứ gì mang màu hồng đều đẹp, ngay cả khi cuộc đời có tăm tối, ê chề, xấu xa, giả dối, nhưng nếu biết nhìn chúng dưới lăng kính mầu hồng, thì chúng ta sẽ thấy mọi sự vẫn tốt đẹp, đời vẫn đáng trân trọng và đáng sống.

* Theo Trí Thức Trẻ (nguồn: cafebiz.vn): nhiều nước trên thế giới, cho mầu hồng mang ý nghĩa lạc quan, yêu đời.

- Các nước phương Tây nói: mầu hồng tượng trưng cho hạnh phúc, sự sống và tình yêu.

- Các nước Châu Mỹ Latinh cho mầu hồng là mầu của gia đình, của sự thịnh vượng. Do đó, dân chúng yêu thích mầu hồng và thường sử dụng nó trong các công trình kiến trúc.

- Ở xứ sở Kim Chi, Dân Hàn xem mầu hồng là biểu tượng của sự trung thực, mầu của trái tim hướng về Tổ quốc.

- Người Dân ở xứ Hoa Anh Đào, khi nhìn hoa anh đào có mầu hồng, thì cho đó là mầu đại diện cho Samurai, cho sự dũng cảm, chính trực và trung thành.

* Theo nguồn giadinhvietnam.com, do Nhật Linh tổng hợp nói: Những cánh hoa màu hồng nhạt luôn tạo cho ta cảm giác lãng mạn, trữ tình, mộng mơ. Trong lãnh vực tình yêu, hoa hồng mầu hồng thể hiện một tình yêu nhẹ nhàng và thơ mộng. Ngoài ra, mầu hồng biểu tỏ lòng biết ơn và sự cảm thông.

* Khi nghiên cứu về “Ý nghĩa của màu sắc theo Khoa Học phong thuỷ”, nguồn phong thủy tổng hợp nói:

Mầu hồng, mầu của tình yêu, thể hiện sự lãng mạn. Nó mang lại sự nhẹ nhàng, bồng bềnh, huyền ảo, đẹp và không có thật. Đó là mầu gần như được dành riêng cho con gái.

Người thích mầu hồng thường là những người sống lãng mạn, có tâm hồn mẫn cảm, mỏng manh, yếu đuối, dễ vấp ngã nhưng cũng dễ đứng lên. Vì họ luôn nhìn đời bằng cặp kính hồng, do đó, luôn tin vào cuộc sống.

Màu hồng đậm là mầu của cảm xúc mãnh liệt, thể hiện sinh lực, trẻ trung, vui nhộn và sôi nổi. Mầu này thích hợp cho các sản phẩm không đắt tiền và có tính thời trang dành cho quí bà quí cô.

 

Hoa hồng mầu hồng mang ý nghĩa sâu sắc khi nói đến tình cảm cho và nhận. Nó nói lên vẻ duyên dáng và quý phái. Người nhận hoa hồng mầu hồng có thể yên tâm vì họ được ngưỡng mộ, được tôn trọng bởi người tặng hoa.

 

Vẻ đẹp và sự tinh tế của loài hoa này thể hiện sự ngây thơ của một niềm vui đơn giản. Nếu hoa hồng đỏ nói về niềm đam mê sâu sắc, thì hoa hồng mầu hồng là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng của những tình cảm chưa được đánh thức, một sự khởi đầu đẹp của mối quan hệ tuyệt vời, một tình yêu ngây thơ chưa xuất hiện sự đam mê và một tình cảm sâu sắc chưa đạt đến đỉnh cao của nó.

 

+ Ý nghĩa mầu hồng trong phụng vụ hôm nay

Trong Phụng Vụ, mầu hồng chỉ niềm vui, không kể Lễ Hôn Phối, các Linh Mục mặc áo lễ mầu hồng hai lần vào: Chúa Nhật III Mùa Vọng và Chúa Nhật IV Mùa Chay. Tuy Luật Phụng Vụ không buộc mặc áo mầu hồng trong hai Thánh Lễ này, nhưng vì một năm chỉ có hai lần nên các Cha cũng tranh thủ làm “đẹp” chút xíu.

 

Chúa nhật III Mùa Vọng được gọi là “Chúa nhật Gaudete” và Chúa nhật IV Mùa Chay, được gọi là “Laetare”. Cả hai tiếng Latinh đều diễn tả “sự mừng vui”, có nghĩa là “Anh chị em hãy vui lên !” Tuy nhiên, sự vui mừng này có phần khác nhau, theo mùa phụng vụ.

 

“Gaudete” của Chúa nhật III mùa vọng: Giáo Hội mời gọi chúng ta “vui mừng lên”, vì Chúa sắp ngự đến, giáng sinh làm người ở với chúng ta.

“Laetare” của Chúa nhật IV mùa chay: Giáo Hội kêu mời chúng ta hân hoan vui mừng vì đã đi được nửa chặng đường của chay tịnh, của “nước mắt và than van”, để cảm tạ, để có can đảm tiếp tục bước đi và bước vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh cùng, với, và trong Chúa Giêsu.

 

Mầu hồng diễn tả niềm vui. Niềm vui ấy, được phản ánh qua các bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay.

 

-Bài đọc I: Ngôn Sứ Isaia đã nói lên sự trải nghiệm của mình, được sống niềm vui trong ân nghĩa của Đức Chúa:

°một niềm vui phát xuất từ Đức Chúa: “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao”.

°một niềm vui rạo rực của tình yêu đôi lứa: “như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang!”

°một niềm vui của những người tôi tớ được Chúa chúc phúc và ban ơn: “Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh”.

 

-Bài đọc 2, Trong thư thứ nhất gửi cho tín hữu Thessalonica, thánh Phao-lô mời gọi họ vui lên:

°một niềm vui không cùng: “anh em hãy vui mừng luôn mãi”.

°vui trong cầu nguyện liên lỉ.

°vui và tạ ơn trong mọi hoàn cảnh.

°vui vì giữ trọn tình yêu với Thiên Chúa, vì được Thiên Chúa thánh hoá toàn diện để trở nên con người toàn vẹn, không gì đáng trách trong ngày Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta quang lâm (1 Tx 5, 16-18)

 

- Bài Tin Mừng : tuy không có những từ ngữ chỉ và nói lên “niềm vui”. Nhưng thánh sử Gioan cho thấy ông Gioan Tẩy Giả, một con người chân thật ngay thẳng, dám nói về mình một cách thẳng thắn và xác quyết: “Tôi không phải là Đấng Kitô. Tôi chỉ là tiếng người hô trong hoang địa. Tôi làm phép rửa trong nước, nhưng có một người đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Khiêm tốn nhìn nhận và chấp nhận sự hèn kém của mình để vui sống và sống vui, hỏi mấy ai trong chúng ta làm được điều đó?

 

Niềm vui và hạnh phúc, mọi người đều khao khát và mong muốn. Nhưng đâu là niềm vui người kitô hữu được kêu mời để sống và làm chứng? Đó là niềm vui được ở gần bên Chúa, được sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa và có Đức Giêsu là Emmanuel đã cắm lều ở giữa chúng ta.

 

Mùa Vọng là thời gian mong chờ. Chúa nhật I, chúng ta mong chờ Chúa trong sự canh thức. Chúa nhật II, chúng ta mong chờ Chúa trong sự hoán cải và Chúa nhật III, trong niềm vui, chúng ta mong chờ Chúa đến.

 

“Anh chị em hãy vui lên” vì ở đâu có kitô hữu ở đấy có niềm vui”. Vui vì được làm con Chúa, vui vì có Chúa ở cùng và đồng hành trong cuộc sống. Vậy tại sao chúng ta không vui? Vì cớ gì?

 

Kính chúc mọi người được vui luôn, không những ở đời này mà còn ở đời sau nữa. Amen.

Thiết kế Web : Châu Á