Bài giảng

Chúa nhật III Mùa Chay năm B - "Lề luật" - Quốc Vũ

Giáo Hội qua mọi thời, và cho đến hôm nay vẫn tiếp nối tinh thần của cha ông, xem Mười Điều Răn là luật sống, và tuân giữ như một Giao Ước với Thiên Chúa và tha nhân. Có điều, Giáo Hội luôn ý thức dạy cho con cái mình tuân giữ Lề luật theo tinh thần Phúc Âm, nghĩa là, tất cả đều đồng qui vào Chúa Kitô. Chính Chúa Kitô là qui điểm để mỗi Kitô hữu tìm về, kín múc nguồn sức mạnh thiêng liêng trong việc sống đạo trong đời thường, trong sự Tôn Thờ Thiên Chúa và yêu thương đồng loại.

Chúa nhật III Mùa Chay, năm B

«LỀ LUẬT»

 

 

Bài đọc 1: Xuất hành  20, 1-17

Bài đọc 2: 1 Côrintô1, 22-25

Tin Mừng: Gioan 2, 13-25

1. Bài đọc I: Lề luật được Thiên Chúa ban qua Môsê

Sự kiên trì của dân Israel trong sa mạc đã chuẩn bị cho họ gặp gỡi Thiên Chúa. Họ phải rũ bỏ tất cả những an toàn tạm thời để chỉ tin và phó thác vào một mình Thiên Chúa, Đấng đã mạc khải sức mạnh của Người trên Pharaô và quân đội của ông; rồi những thử thách trong sa mạc đã giúp dân Israel trưởng thành và ngày càng lớn mạnh cả về lòng trung tín với Thiên Chúa, lẫn mặt dân số ngày thêm đông.

Khi Thiên Chúa ban bố lề luật, là Người muốn lập một giao ước với dân (Xh 19, 16-25). Lề luật là ân ban của Thiên Chúa, nhằm giúp cho dân tiến bước đến sự sống cách mau lẹ, là tiền đề cho mối tương giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau (x. St 1,27-28; Lc 10,25). Qua Lề luật, Thiên Chúa cho thấy Người không chỉ ưa thích con người thờ phượng Người bằng các lễ nghi đền thờ, mà còn bằng chính cuộc sống đời thường của toàn thể cộng đoàn và của cá nhân mỗi người (cc. 8-17).

Vì thế, mọi mối tương quan của con người trong xã hội, không được căn cứ trên nền tảng thuần túy đạo đức cá nhân hay sự công bằng nhân loại, nhưng nó phải trở thành việc tôn thờ, trở thành một cung cách sống thể hiện mối tương quang sâu xa với Thiên Chúa.

Cuối cùng, Lề luật là một dấu chứng cụ thể của Giao Ước, của sự dấn thân, tương tác giữa con người và Thiên Chúa. Chính nhờ Lề luật, Thiên Chúa trở thành Đấng làm cho con người được sống, và ngược lại, qua việc tuân giữ Lề luật, con người tôn vinh chính Thiên Chúa của mình cách tròn đầy nhất.

2. Bài Tin Mừng: Chúng tôi rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh

Thánh Gioan Tẩy Giả đã làm chứng về Đức Giêsu là Đấng Mêsia (Ga 1, 29); các tông đồ đầu tiên đã nhận biết Người (Ga 1, 35-51); tại tiệc cưới Cana, lần đầu tiên Người đã mạc khải vinh quang của Người (Ga 2, 1-12); và bây giờ tại Giêrusalem, trong đền thờ, đúng như lời ngôn sứ Malakia (3, 1-5), Người tự nhận mình là Đấng Mêsia. Trong khi những người Dothái đòi một dấu hiệu chứng tỏ quyền năng của một vị Mêsia (c. 18), thì Đức Giêsu đã chỉ cho họ một dấu hiệu duy nhất như dấu hiệu ngôn sứ Giôna (Lc 11, 29; Mt 12, 39): «Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại» (c. 20).

Sau đó, Gioan giải thích rằng Đức Giêsu đã ám chỉ Đền Thờ là chính thân thể của Người (c. 21) sẽ hiến dâng «một lần cho tất cả» (Dt 10, 4) qua cái chết trên thập giá; và sau ba ngày sẽ được xây dựng lại, là Người ám chỉ đến mầu nhiệm Phục Sinh vốn là trung tâm của Tin Mừng Gioan. Vì thế, đền thờ Giêrusalem đã trở nên cũ kỹ, trở thành lỗi thời đối với một thực tại mới là chính con người Đức Kitô phục sinh. Người trở thành một nơi gặp gỡ mới giữa con người với Thiên Chúa. Người trở thành nguồn ơn cứu độ. Trong Người, vinh quang của Thiên Chúa được mạc khải cách tròn đầy, cũng như Giao Ước Mới và Vĩnh Cửu được thực hiện.

Vì thế, người Kitô hữu, khi đứng trước một thực tại mới, không còn cậy dựa vào những điều tạm bợ như đền thờ và lề luật, hay những việc đạo đức của mình, hoặc bất cứ một hình thức che chở nào; nhưng phải biết mở ra cho Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ gắn chặt mỗi người cách sâu xa vào trong mầu nhiệm của Đấng Phục Sinh.

3. Bài đọc II: Đổi mới trong Đức Kitô

Thư này là một tài liệu quí giá về đức tin và đời sống của cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên tại Côrintô: một cộng đoàn năng động, được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần; tuy nhiên, chính trong cộng đoàn này, cũng đã nảy sinh nhiều điều nan giải cho thánh Phaolô. Có lẽ vì thế mà thánh tông đồ đã yêu mến cộng đoàn này hơn bất cứ cộng đoàn nào khác.

Bằng đặc sủng của mình, Phaolô đã can thiệp vào nội bộ cộng đoàn để đặt ra một số lề luật hầu hướng dẫn họ vượt qua mọi sự thái quá và chia rẽ. Trước hết, Phaolô nhắc nhớ cho họ về ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban: «Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta» (1Cr 1,9); và chính sự hiệp thông này, đã giúp cộng đoàn vượt qua mọi sự chia rẽ về giai cấp và đảng phái, hầu đạt đến sự hiệp thông duy nhất trong Đức Kitô, trong cùng một đức tin vượt trên mọi cảm tính và ích kỷ nhân loại. Nhất là, biết đón nhận «khoa học thập giá» và khước từ mọi sự khôn ngoan của con người, chỉ tìm kiếm một Thiên Chúa, Đấng không phải chỉ luôn sẵn sàng làm những dấu lạ điềm thiêng, mà là Đấng bảo đảm cho con người sự chắc chắn về ơn cứu độ được thực hiện qua Thập giá của Đức Kitô (c. 22).

Đức Kitô trên thập giá, đã phải trả một giá đắt, phải đau khổ và phải chết, thay vì dùng quyền năng mình để chiến thắng thế gian. Người đã đón nhận sự nghèo khó để thông ban sự giàu có cho con người; Người đã trở nên yếu đuối và bị khi khinh,… và chính lúc đó, Người đã cho thập giá một ý nghĩa, Người đã làm đảo ngược luật cũ, đã mạc khải cho con người một lề luật mới, đã làm cho những người tin theo Người trở thành dân Thiên Chúa thực sự: là Giáo hội.

4. Suy niệm:

+ Lề luật – nối kết con người với Thiên Chúa

Thiên Chúa đã cho thấy quyền năng của Người khi thiết lập giao ước với loài người.Chính vì yêu thương mà Chúa đã chọn Môsê và đã dẫn ông qua những nẻo đường gian khó, đến tận núi Sinai để thiết lập giao ước với dân tộc Israel.Mười Điều Răn chính là cách diễn tả cụ thể giao ước đó, đồng thời thể hiện quyền bính Thiên Chúa trên nhân loại.Quyền bính ấy không nhằm giết chết, nhưng thăng tiến và làm cho con người được sống. Quả thực, con người chỉ thực sự thăng tiến khi biết rõ mình là ai trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Do đó, trước khi ban Mười Điều Răn cho Israel, Thiên Chúa mạc khải Người là ai, và Israel khám phá và nhận biết mình là ai khi đáp trả lại lời Thiên Chúa mời gọi bước vào tương quan giao ước. Nhờ đó, họ có một căn tính mới, được trở thành dân Thiên Chúa, là sản nghiệp của riêng Người. Quả nhiên, một khi đi vào mối tương quan giao ước, dân israel thực sự được Chúa yêu thương, được hưởng phần gia nghiệp là ơn cứu độ Người đã hứa từ bao đời qua các Tổ Phụ và các ngôn sứ, cùng với niềm hy vọng vào Đấng Thiên Sai sẽ đến.

+ Đức Kitô – luật trọn hảo của Kitô hữu

Do lời Thiên Chúa hứa qua giao ước với tổ phụ Abraham, mà Đức Giêsu đã sinh ra theo dòng tộc Đavit. Người đến để thực hiện và hoàn tất sứ mệnh Đấng Cứu Thế. Nơi Đức Kitô, Lề luật được thành toàn, như lời Người khẳng định: «Thầy đến không phải để bãi bỏ lề luật, nhưng là để kiện toàn» (Mt 5, 17). Quả thật, Đức Giêsu không chỉ dùng lời nói, mà còn bằng việc làm cụ thể để giải thích cũng như làm mới lại tinh thần luật. Luật thời Tân Ước loại bỏ mọi tính tiêu cực, và mời gọi con người giữ luật với tâm tình của một người tự do của những người con cái của Thiên Chúa.

 Giáo Hội qua mọi thời, và cho đến hôm nay vẫn tiếp nối tinh thần của cha ông, xem Mười Điều Răn là luật sống, và tuân giữ như một Giao Ước với Thiên Chúa và tha nhân. Có điều, Giáo Hội luôn ý thức dạy cho con cái mình tuân giữ Lề luật theo tinh thần Phúc Âm, nghĩa là, tất cả đều đồng qui vào Chúa Kitô. Chính Chúa Kitô là qui điểm để mỗi Kitô hữu tìm về, kín múc nguồn sức mạnh thiêng liêng trong việc sống đạo trong đời thường, trong sự Tôn Thờ Thiên Chúa và yêu thương đồng loại.

Đức Kitô đó, hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một. Người vẫn luôn mời gọi và đồng hành với mỗi Kitô hữu trên hành trình tiến về “Miền Đất Hứa” mà Thiên Chúa sẽ ban cho những người trung tín, bởi chỉ những «ai trung tín đến cùng, sẽ được cứu độ» (Mt 10, 22).

                                 Quốc Vũ  

~*~

 

 

Thiết kế Web : Châu Á