Bài giảng

Chúa nhật II PS: "NIỀM VUI ĐƯỢC SẺ CHIA LÒNG THƯƠNG XÓT" (Minh An)

Khi vị đại diện Chúa Kitô ngồi tòa giải tội, là họ đang thông chia Lòng Thương Xót của Chúa, họ được mời gọi hãy trở nên giống Chúa, tức là thực thi Lòng Xót Thương, chứ không phải lấy quyền thẩm phán để phán quyết.

 

 Ga 20, 19-31

 

"NIỀM VUI ĐƯỢC SẺ CHIA LÒNG THƯƠNG XÓT"

 

Chúng ta đang ở trong bối cảnh của niềm vui mừng Chúa Phục Sinh. Hôm nay, đã là ngày thứ tám sau khi Chúa sống lại, thánh sử Gioan tiếp tục diễn tả những niềm vui mà Đấng Phục Sinh, hiện ra trao ban cho các môn đệ. Đó là : niềm vui được Đấng Phục Sinh trao ban bình an: “Bình an cho anh em”; niềm vui được thấy Chúa: “Các môn đệ vui mừng vì được nhìn thấy Chúa”; niềm vui được Đấng Phục Sinh ban Thánh Thần: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”; niềm vui các môn đệ được làm sứ giả cho Chúa: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”; niềm vui được chia sẻ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”. Đúng là những niềm vui lớn lao thật! Nhưng, hôm nay, Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa, chỉ xin dừng lại để chia sẻ về Niềm Vui được thông chia Lòng Thương Xót Chúa.

 Thật là một sự hiển nhiên, niềm vui trong ngày thứ tám  được tác giả Tin Mừng thứ tư kể cho ta biết Đấng Phục Sinh hiện ra trao cho các môn đệ được thông chia Lòng Thương Xót Chúa:“Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20, 23). Và hôm nay, Giáo Hội đặc biệt dành để kính Lòng Thương Xót Chúa, có lẽ đây là một sự sắp xếp có suy tính rõ ràng để con cái Giáo Hội chiêm ngắm vẻ đẹp của Lòng Thương Xót Chúa, thông qua Đấng Phục Sinh là Đức Kitô.

Có thể nói được rằng, niềm vui được mặc lấy Lòng Thương Xót của Chúa là niềm vui cao quý hơn hết, vì đó là niềm vui mà các môn đệ được trực tiếp đón nhận từ Đấng Phục Sinh hiện ra trao cho họ. Nghĩa là: các môn đệ được thông chia Lòng Thương Xót của Thiên Chúa khi đại diện Người, ban lời xá giải cho những hối nhân. Hay nói khác đi, các môn đệ của Chúa và những thế hệ tiếp theo được Chúa Phục Sinh ban cho quyền hòa giải giữa tội nhân với Thiên Chúa: Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20, 23).

Quả thế, chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng thẩm phán chí công, Đấng có quyền xét xử tội nhân theo lượng từ bi của Người. Thế nhưng, Người đã thông chia Lòng Thương Xót đó cho những người đại diện Người, để hòa giải tội nhân với Chúa thì thật là quý hóa quá, và vui mừng quá!

Khi nói đến Thiên Chúa mới là Đấng thẩm phán tối cao và là Đấng giàu Lòng Thương Xót, ta nhớ lại câu chuyện ở Tin Mừng Gioan 8, 1-11, nói về người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình mà theo luật Do-thái xưa, thì chị ta bị án tử hình, tức là bị ném đá cho đến chết. Nhưng, kết thúc câu chuyện lại là một chuyển biến có lợi cho người phụ nữ, chị được tha bổng, chị không bị kết án theo luật mà chị còn được Chúa Giêsu an ủi nữa: “Tôi không lên án chị đâu, chị hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 11). Chúa Giêsu ghét tội, nhưng Người yêu thương kẻ có tội. Người không dung túng cho tội lỗi của con người, nhưng Người cho con người có cơ hội làm lại cuộc đời. Đó là niềm an ủi lớn lao và là niềm vui không cùng của những tội nhân vì được chính Chúa thông ban Lòng Thương Xót.

Chúa Giêsu đã dùng trái tim nhân hậu của Thiên Chúa để cứu một tội nhân là người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình khỏi án tử. Người là Đấng giàu lòng thương xót, Người đến thế gian để tìm kiếm và chữa lành những tâm hồn tội lỗi biết ăn năn sám hối. Và đích thân Người thông chia lòng thương xót đó cho các môn đệ thời Người và những thế hệ tiếp theo, để trong mọi thời, mọi hoàn cảnh, đều có lòng thương xót Chúa xuất hiện, và mọi tội nhân đều có thể được đón nhận Lòng Thương Xót của Chúa khi họ đến với Bí Tích Hòa Giải, để được nhận ơn tha thứ và đón lấy ơn cứu chuộc.

Như thế, ơn tha thứ của Chúa Giêsu không có biên giới. Tình yêu của Người vượt xa lầm lỗi của con người. Người muốn con người đến với Người để được đổi mới. Người không chấp tội của con người không phải Người đồng lọa với tội lỗi của họ, nhưng Người dùng lòng thương xót của Thiên Chúa để hoán cải con người, đưa con người trở về từ những lầm lạc. Người nhìn con người không phải ở chỗ họ đã sống ra sao mà là họ có thể trở nên thế nào như Người đã nói với người phụ nữ:“Tôi không lên án chị đâu, hãy đi về và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 11).

Khi vị đại diện Chúa Kitô ngồi tòa giải tội, là họ đang thông chia Lòng Thương Xót của Chúa, họ được mời gọi hãy trở nên giống Chúa, tức là thực thi Lòng Xót Thương, chứ không phải lấy quyền thẩm phán để phán quyết. Chính Đức thánh cha Phanxicô đã từng kêu gọi những linh mục, đại diện Chúa Kitô khi ngồi tòa phải thể hiện đậm nét lòng thương xót Chúa, khi ngài nói: “Các linh mục đặc biệt phải có lòng thương xót, nếu họ không có lòng thương xót thì họ nên xin giám mục của mình về làm việc bàn giấy và đừng bao giờ bén mảng đến tòa giải tội, tôi van xin họ” (Bài Giảng ngày 6/9/2016). Còn khi hối nhân đến với Bí tích Hòa Giải là họ đón nhận lòng thương xót Chúa, họ được tha thứ tội lỗi và được kết thân với Người. Đó là niềm vui, là hạnh phúc khi được thông chia Lòng Thương Xót Chúa.

Như thế, ta thấy tấm lòng của Thiên Chúa là tấm lòng thương xót, tấm lòng đầy bao dung và Người cũng muốn ta cần có một tấm lòng biết xót thương, tha thứ và thông cảm với những yếu đuối, những lỗi phạm của anh, chị, em của chúng ta. Nhưng, thử hỏi ta đã có được tấm lòng như mong ước của Chúa chưa? Có nhiều khi ta cũng chẳng khác gì những Kinh sư, những biệt phái Pharisiêu, chỉ biết nhìn thấy tội của anh chị em, trong khi mình tội lỗi ngập đầu, ngậm cổ thì không để ý đến. Ta chỉ thích kết án kẻ khác và không bao giờ muốn nghe ai nói về tội lỗi của mình. Hãy để Thiên Chúa kết tội của con người theo lòng thương xót của Người. Và hãy để niềm vui của những vị được đại diện Chúa Kitô thông ban lòng thương xót cho những tội nhân.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho chúng ta ý thức được chỉ có Thiên Chúa là Đấng thẩm phán tối cao có quyền xét xử tội lỗi của con người. Chúng ta cũng xin Chúa cho chúng ta ý thức được mình là tội nhân, cần phải hoán cải để nhận được ơn tha thứ của Chúa. Và cuối cùng, xin Chúa ban cho chúng ta một tấm lòng biết xót thương, biết tha thứ như Chúa đã dùng lòng xót thương mà tha thứ cho chúng ta.

Lạy Đấng Phục Sinh, chúng con cảm tạ Chúa, vì đã ban cho chúng con được thông chia Lòng Thương Xót của Người. Amen

 

Minh An

Thiết kế Web : Châu Á