Bài giảng

Chúa nhật II Mùa Chay, năm B: “MẠC KHẢI VINH QUANG” (Minh An)

...nếu như chúng ta đã cảm nếm được sự dịu ngọt và hạnh phúc khi được chiêm ngắm Chúa hiển dung trên núi cao thì cũng phải xuống núi với Chúa để đi đến nơi hiến mình, phục vụ, và đi cùng Chúa Giêsu đến nơi Vườn Dầu, lên Núi Sọ chịu đau khổ với Người.

 

Mc 9, 2-10

MẠC KHẢI VINH QUANG”

 Minh An 

Nếu như Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, Giáo Hội chọn đọc bài Tin Mừng Marco 1,12-15 nói về cuộc chiến thắng huy hoàng của Đức Giêsu trước tên cám dỗ Satan, thì Chúa Nhật II hôm nay, Giáo Hội cho chúng ta chiêm ngắm vẻ huy hoàng của Đức Kitô khi Người hiển dung trên núi. Đó cũng là mạc khải và là dấu chỉ để chúng ta nhận biết Thiên Chúa sẽ ban vinh quang cho tất cả những ai tin tưởng vào Người và tham gia vào chương trình cứu chuộc của Chúa.

Thật vậy, bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Marco thuật lại cho chúng ta biết, Chúa Giêsu biến hình trên ngọn núi cao, tác giả không nói rõ ngọn núi nào, nhưng theo một số nhà chú giải thì có thể đây là núi Tabore. Trong cuộc biến hình đó, Chúa Giêsu đã đàm đạo với hai ông Môsê và Êlia, có ba môn đệ là Phêrô, Giacôbê và Gioan chứng kiến sự kiện này trong sự sợ hãi. Sau cuộc biến hình là lời phán của Chúa Cha: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7).

Môsê, tượng trưng cho lề luật, tuân giữ lời hứa của Chúa đưa dân thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập, vượt qua biển đỏ tiến về đất hứa. Êlia tượng trưng cho ngôn sứ, nhưng là ngôn sứ mang nhiều đau khổ vì dân của Chúa… Việc Chúa Giêsu đàm đạo với hai nhân vật này, nói lên chiều kích vượt qua trong đau khổ mà Người phải chịu, để rồi bước vào vinh quang. Nhờ vượt qua những đau khổ tiến đến vinh quang, Chúa Giêsu đã đưa dân của Chúa vào sự sống đời đời trên Thiên Quốc với Chúa Cha.

Không những thế, sự kiện Chúa Giêsu ở giữa Môsê và Êlia, đàm đạo với hai ông này mà các môn đệ đã chứng kiến, còn làm toát lên một sự mạc khải khác về thuộc tính của Đức Giêsu: Người thuộc về thế giới của Thiên Chúa tối cao: cuộc thần hiện. Chính Người cũng thuộc về dân Israel được Thiên Chúa luôn đồng hành và hướng dẫn trong lịch sử thánh. Người phải đưa sứ mạng của Môsê và Êlia đến chỗ hoàn tất trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Do vậy, Thiên Chúa đã ban lời sấm cho các môn đệ biết rõ Đức Giêsu và những ai thuộc về Người: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7).

Việc các môn đệ đòi dựng ba cái lều để ở lại trên núi hầu hưởng vinh quang nhằm nói đến yếu tố con người trỗi dậy trong các ông khi đi theo Chúa. Họ đòi ngủ yên trong hào quang rực rỡ, mà quên đi dưới chân núi còn có các bạn đồng môn, và bao nhiêu người khác nữa đang cần ơn Chúa. Dường như các môn đệ của Đức Giêsu đã thấy được vinh quang của Chúa trong chốc lát mà quên đi sứ vụ họ phải làm cho dân chúng đang khao khát Lời Chúa, khao khát tiến đến vinh quang với Chúa. Họ phải là chứng nhân đích thực cho Chúa trong mọi hoàn cảnh sống để dân Chúa cũng được đón nhận vinh quang của Thiên Chúa ban tặng: “Chính anh em là những chứng nhân cho thầy về những điều này” (Lc 24,48).

Thật ra, Chúa Giêsu cho các môn đệ chứng kiến ánh hào quang của Người là để củng cố niềm tin của các ông trong tương lai, chứ không phải để các ông ngủ yên trong vẻ hào quang trên núi khi các ông được Chúa mạc khải cho biết ánh hào quang họ sẽ nhận được trong tương lai, khi đi theo Chúa và làm chứng cho Người. Đồng thời, cũng giúp các ông ý thức được rằng, theo Thầy không phải là lên cao để hưởng thụ, nhưng là “xuống thấp” và “leo lên” thập giá để cùng chịu những khổ đau với Thầy, vì “qua đau khổ mới đạt được vinh quang”.

Đời sống Kitô hữu là một cuộc lên núi và xuống núi với Chúa Kitô mỗi ngày. Đồng thời, cũng là một cuộc “biến hình” tức là thay đổi lối sống cho phù hợp với lối sống của Tin Mừng đòi hỏi: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Và nếu như chúng ta đã cảm nếm được sự dịu ngọt và hạnh phúc khi được chiêm ngắm Chúa hiển dung trên núi cao thì cũng phải xuống núi với Chúa để đi đến nơi hiến mình, phục vụ, và đi cùng Chúa Giêsu đến nơi Vườn Dầu, lên Núi Sọ chịu đau khổ với Người. Có như thế, chúng ta mới có thể đạt được vinh quang đích thực. Và chính chúng ta cũng sẽ đón nhận được lời mạc khải của Chúa Cha: “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa biến hình trên núi giúp các Tông đồ trở thành các chứng nhân cho sự vinh quang của Chúa, xin giúp chúng con luôn vững tin vào Chúa, để hướng đến tương lai vinh hiển mà Chúa sẽ ban tặng cho chúng con, vì đã cất công tiến bước theo Chúa.

Và khi gặp những suy sụp, xin cho chúng con cũng biết chọn Chúa làm điểm tựa, làm chỗ dựa vững chắc nhất để vững tâm theo Chúa cho trọn cuộc đời. xin Ngài luôn nâng đỡ, an ủi và xoa dịu những đớn đau trong cuộc đời làm kitô hữu của chúng con, vì chỉ có qua con đường thập giá, chúng con mới đạt được vinh quang. Amen.


Thiết kế Web : Châu Á