Bài giảng

Chúa nhật I - Lễ Phục Sinh - "Đức Kitô đã sống lại" - Quốc Vũ

Bất cứ sự biến đổi nào cũng bắt đầu bằng một sự từ bỏ: bỏ cái cũ để trở nên mới, bỏ điều xấu để trở nên tốt, bỏ tà để qui chánh, bỏ bóng đêm để đến cùng ánh sáng, và nhất là bỏ cõi chết để bước vào cõi sống.

Chúa nhật lễ Phục Sinh, năm B

«ĐỨC KiTÔ ĐÃ PHỤC SINH»

 

Bài đọc 1: Cvtđ 10, 34a.37-43

Bài đọc 2: Côlôxê3, 1-4 hoặc 1Côrintô 5, 6b-8

Tin Mừng: Gioan 20, 1-9

1. Bài đọc I:Chúng tôi đã được cùng ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại.

Điểm chính yếu trong lời rao giảng của các tông đồ - là Kerygma – là lời khẳng định rằng Đức Giêsu, người Nazareth, bị đóng đinh tại Giêrusalem, đã sống lại và đã lãnh nhận từ Thiên Chúa mọi quyền năng trên trời-dưới đất.

Đoạn sách Công vụ tông đồ hôm nay là một trong những bài diễn từ có tính truyền thống trong sứ điệp rao giảng của Giáo Hội thời sơ khai. Thánh Phêrô đã giảng giải cho viên sĩ quan ngoại giáo Cornelio và gia đình của ông rằng Đức Giê su đã chết và đã sống lại, hầu dẫn đưa họ đến với ơn hoán cải qua việc lãnh nhận bí tích rửa tội.

Có thể ghi nhận rằng, khi đề cập đến khái niệm «ngày thứ ba» (c. 40a) trong huấn giáo thời Giáo hội sơ khai, có mối liên hệ rất gần với khái niệm của người Dothái về việc sống lại của những người đã chết. Thật vậy, theo quan niệm của người Dothái, ba ngày là thời gian cần thiết cho tất cả các tín đồ Dothái giáo đã chết, có thể sống lại và đến Giêrusalem để đối diện với cuộc phán xét chung cục.

Theo đức tin của các Kitô hữu đầu tiên, sự kiện sống lại của Đức Kitô đã khơi mào cho quá trình sống lại của những người công chính được mời gọi tái thiết lại Nước Thiên Chúa. Đức Kitô, «người công chính», đã sống lại đầu tiên để Chúa Cha trao gởi cho Người một dân mới. Và một từ ngữ Dothái khác diễn tả «Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy» (c.40b) là ý nói rằng Đức Giêsu đã sống lại nhờ sự can thiệp đầy quyền năng của Chúa Cha.

2. Bài Tin Mừng: Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết.

Chỉ sau khi Đức Giêsu sống lại, các tông đồ mới hiểu những điều mà Kinh Thánh đã nói tới qua các ngôn sứ về Đấng Kitô và về tất cả những điều mà chính Đức Giêsu đã nói với họ trước kia.

Theo trình thuật của thánh Gioan, Maria Mađalêna là người đầu tiên nhận ra ngôi mộ trống và đã báo cho các tông đồ. Phêrô và Gioan vừa chạy vừa nghĩ rằng xác thầy mình đã bị một ai đó lấy đi, nhưng giả thuyết ấy phút chốc đã tan biến khi các ông thấy tấm khăn che đầu và các những bang vải khác đều được xếp ngăn nắp. Lúc đó, trong tâm trí các ông nảy sinh những hoang mang, và thực sự bối rối trong việc xem xét các sự kiện đang xảy ra: các ông đã nhớ lại tất cả mọi chuyện về thầy mình, các điều Kinh Thánh nói, và nhất là điều mà chính Người đã trối lại cho các ông là hãy làm chứng cho Người: «Anh em hãy làm chứng cho Thầy khởi đầu từ Giêrusalem đến tận cùng trái đất» (Lc 24, 47).

Như vậy, niềm tin của các tông đồ vào sự phục sinh của Đức Giêsu đã trải qua một con đường không phải dễ dàng, nhưng đầy hoang mang và thử thách.   

3. Bài đọc II: - Côlôxê3, 1-4:Anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự.

Thánh Phaolô đã nói cho các tín hữu thành Côrintô rằng sự tự do của người Kitô hữu hoàn toàn khác với những thực hành gò bó của dân ngoại và những người lạc giáo. Ngài tóm kết lại ý nghĩa và sự thánh thiêng của bí tích rửa tội, vì nhờ chịu phép rửa mà người Kitô đã chết đối với tội và được trỗi dậy cùng với Đức Kitô trong đời sống mới, được đưa vào trong thực tại thần thiêng với Người. Ơn cứu độ mà Người thực hiện không phải do thế gian này hay là sản phảm do tay con người, mà là ân huệ đến từ trên cao, do quyền năng của Thiên Chúa.

Đời sống hiện tại của người Kitô hữu có một giá trị thiêng thánh, bởi được không ngừng biến đổi và được tháp nhập vào trong đời sống mới của chính Đức Kitô, Đấng là cùng đích của nhân loại và niềm hy vọng sẽ được «cùng Người hưởng phúc vinh quang» (c. 4).

                        - 1Côrintô 5, 6b-8:Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới.

Con Chiên Vượt Qua của các Kitô hữu là chính Đức Giêsu, ai ăn thịt con chiên này, phải có sự chuẩn bị từ bên trong «thanh sạch và chân thành». Vì thế, cần phải loại bỏ men cũ là tội lỗi và sự dối trá, «để trở nên bột mới, vì anh em là bánh không men» (c. 7).

Trong cuộc Vượt Qua Mới, theo ngôn ngữ của Thánh Phaolô, những yếu tố của bàn tiệc ly chính là Đức Kitô và các Kitô hữu: Đức Kitô là Con Chiên, còn các Kitô hữu là bánh không men.

4. Suy niệm: Đức Kitô đã phục sinh

Giả sử chúng ta có thể được phép sắp xếp thứ tự các bài đọc trong thánh lễ hôm nay, hoặc nếu đưa các bản văn kinh thánh này ra ngoài bối cảnh phụng vụ, và theo bối cảnh là biến cố Phục sinh, thì chúng ta phải đọc tuần tự từ bài Tin Mừng, đến đoạn sách Công Vụ Tông Đồ, và sau cùng là đoạn thư của thánh Phaolô gởi cho các tín hữu tại Côlôxê. Dựa vào cấu trúc đó, chúng ta có thể suy niệm những điểm sau đây:

+ 4.1. Phục sinh và sự biến đổi

Bất cứ sự biến đổi nào cũng bắt đầu bằng một sự từ bỏ: bỏ cái cũ để trở nên mới, bỏ điều xấu để trở nên tốt, bỏ tà để qui chánh, bỏ bóng đêm để đến cùng ánh sáng, và nhất là bỏ cõi chết để bước vào cõi sống.

Nhìn lại cuộc hành trình biến đổi của các nhân vật trong bài Tin Mừng hôm nay, ta nhận ra có rất nhiều điều thú vị.

a. Nhân vật đầu tiên, dĩ nhiên là Maria Mađalêna.

Tin mừng kể: «Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mađalêna đi đến mộ» (c. 1). Ở đây, gợi nhắc về công trình sáng tạo: Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, đó là thời khắc của một khởi nguyên mới, và bà Maria Mađalêna như mang dáng dấp của bà Evà mang trọng tội, có điều mọi sự như đang đảo lộn hoàn toàn. Bởi, nếu như ngày xưa, bà Evà đi từ tình trạng ân sủng đến án phạt đời đời, bởi đã phạm tội trái cấm; thì ngày nay, bà Maria Mađalêna đã đi từ tình trạng tội lỗi đến với nguồn ân sủng «được trừ khỏi bảy quỉ» (Mc 16, 9) để bước từ bóng tối ra ánh sáng của tinh sương ngày thứ nhất trong tuần. Maria đã đi đến mộ Chúa, mộ là biểu tượng của sự chết, nhưng đã được gặp Người, là hiện thân của sự sống. Như vậy hành trình biến đổi của Maria là hành trình đi từ cõi chết bước vào cõi sống đời đời.

b. Những nhân vật kế tiếp chúng ta nhắc đến đó là Phêrô và Gioan.

Tin mừng ghi lại: «Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy» (c. 3). Chạy, có thể một hành động muốn thoát khỏi một sự sợ hãi, hay chạy vì hối hả, vội vàng muốn đạt được điều gì đó. Những bước chạy của Phêrô và Gioan nặng chĩu khi tâm trạng rối bời bởi những hoang mang trước các chết của Thầy. Các ông đã chạy từ nỗi thất vọng chán chường đến một niềm hy vọng đang được nhen nhóm; các ông đã chạy từ nỗi buồn mất mát đến một niềm vui gặp lại Thầy?,.. hai ông đã chạy, kẻ đến trước, người đến sau, cả hai cùng thấy ngôi mộ trống, Phêrô còn chút bối rối, nhưng Gioan thì đã thấy và đã tin (c. 8).

Như vậy, tin mừng phục sinh đã thực sự biến đổi các ông: từ bóng tối của căn phòng khép kín vì sợ người Dothái đến sự can đảm bước ra ánh sáng mà trở về Galilê để gặp Thầy.

+ 4.2. Phục sinh và sứ mệnh tông đồ

Mùa Phục Sinh có mục đích là nhằm giúp các Kitô hữu đi sâu vào mầu nhiệm Chết và Phục Sinh của Đức Kitô, hầu giúp chúng ta sống Mầu Nhiệm ấy trong hành trình đi theo Đức Kitô Phục Sinh. Mỗi Kitô hữu đều được mời gọi bước theo Đấng Phục Sinh trong đời sống của mình với những nét riêng và hoàn toàn khác biệt.

a. Cuộc đời của Maria Mađalêna khởi đi từ ơn tha thứ của Chúa Giêsu. Bà vốn mang tiếng là tội lỗi, bị bảy quỷ dữ ám hại vì bà quá nhiều tội lỗi, nhưng chính tình thương của Đức Giêsu còn lớn hơn bội phần đã giải thoát bà. Đọc Tin Mừng chúng ta thấy rất rõ con người đã được hoán cải của Maria Mađalêna. Trong cuộc thương khó của Đức Giêsu, các môn đệ thân tín của Chúa Giêsu đều chạy trốn, còn Maria đứng ngay dưới chân thánh giá cùng với Đức Maria và thánh Gioan tông đồ.. Khi táng xác Chúa, Maria Mađalêna và Maria vợ ông Clêôpas đã ngồi trước mộ thánh của Chúa Giêsu. Một tình yêu linh thiêng, thánh thiêng đã luôn nối kết bà với Đức Giêsu. Chính vì thế, sau khi sống lại, Người đã hiện ra với bà trước tiên. Đoạn Tin Mừng hôm nay thuật lại Chúa phục sinh đã hiện ra với Maria Mađalêna, nhưng bà cứ ngỡ là người làm vườn. Bà chỉ nhận ra Đức Giêsu phục sinh khi Người gọi đích danh tên bà: “Maria” (Ga 20,16). Rồi bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri : “Rabboni” (Lạy Thầy!). Maria Mađalêna đã nhận ra Chúa sống lại. Bà thương nhiều, nên cũng được Chúa yêu nhiều và được Người trao cho sứ mạng loan báo Tin Mừng phục sinh cho các môn đệ. Như thế, bà được xem là tông đồ của các tông đồ.

b. Ơn gọi và sứ mạng của Phêrô. Có thể nói cuộc đời đi theo Đức Giêsu của Phêrô có hai kỷ niệm: một kỷ niệm buồn vì đã ba lần chối Thầy, và một kỷ niệm vui khi ông đã nhận ra ơn gọi và sứ mạng của mình (Ga 21,1-9). Phêrô đã được Đấng Phục sinh trao cho sứ mạng Tông Đồ Trưởng hầu củng cố anh em mình, và ông đã không phụ lòng Thầy mình. Nhận được sức mạnh từ Thánh Thần, ông đã mạnh dạn làm chứng về sự phục sinh của Thầy: «Quí vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giuđê […] Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại» (Bài đọc I - cc. 37-41).

+ 4.3. Phục sinh với Kitô hữu hôm nay

Trong lần thứ hai cử hành Lễ Vọng Phục Sinh tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô (2014), Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các Kitô hữu tái khám phá nguồn gốc đức tin của mình bằng cách "trở về với tình yêu đầu tiên của chúng ta khi bắt đầu theo Chúa".

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng sau khi Đức Giêsu chịu chết, "các môn đệ đã chạy tứ tán, mọi thứ dường như chấm dứt, tất cả những hy vọng đã sụp đổ tan tành". Nhưng sau đó, điều không thể tin được đã xảy ra. Đức Giêsu đã sống lại từ cõi chết và đã gặp những người phụ nữ đến thăm ngôi mộ trống của Người, và sau khi nói với họ "đừng sợ", ngài bảo họ nói với các môn đệ «đến Galilê để gặp Người ở đó» (Mt 28, 10). Tin tức về sự sống lại của Đức Giêsu đã đến với các môn đệ "như một tia sáng trong bóng tối".

Qua đó, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng "trong đời sống của mỗi Kitô hữu, sau khi được rửa tội, có một ‘Galilê’ hiện sinh hơn: là kinh nghiệm của cuộc gặp gỡ cá nhân với Đức Kitô Phục Sinh, Đấng mời gọi ta theo Người và sẻ chia sứ mạng của Người". Theo ý nghĩa này, Đức Thánh Cha nói: "trở về Galilê nghĩa là giữ gìn trong trái tim mình ký ức sống động của lời mời gọi đó, khi Đức Giêsu đi ngang qua con đường của ta, nhìn chằm chằm vào ta với lòng xót thương và bảo ta theo Người.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha gút lại: "Tin Mừng Phục Sinh là rất rõ ràng: chúng ta cần trở về nơi đó, để gặp Chúa Giêsu phục sinh, và trở thành những chứng nhân cho sự phục sinh của Ngài. Điều này không phải là đi ngược thời gian; không phải là nỗi luyến tiếc quá khứ, mà là chúng ta đang quay trở về với tình yêu đầu tiên của chúng ta, để nhận ngọn lửa mà Đức Giêsu đã thắp lên trong thế gian và mang ánh lửa đó cho tất cả mọi người, cho đến tận cùng trái đất".

                                 Quốc Vũ  

~*~

 

Thiết kế Web : Châu Á