Bài giảng

CHIA SẺ TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXII, THƯỜNG NIÊN, NĂM B: "TRUNG THỰC VÀ QUẢNG ĐẠI" (Minh An)

Trước nhan Thiên Chúa, điều quan trọng không phải là của dâng cúng to lớn, nhưng quan trọng ở tấm lòng chân thành khi dâng cúng, trong sự yêu thương.

 

Mc 12, 38-44

 

TRUNG THỰC VÀ QUẢNG ĐẠI

 

Một sự thật hiển nhiên là trong các Tôn giáo cũng như xã hội, chẳng ai chấp nhận được những sự lừa dối, nhất là sự lừa dối đó gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người khác, kể cả cá nhân và tập thể. Sự lừa dối xảy ra đã là đáng trách lắm rồi, nhưng càng đáng trách hơn nữa khi hành vi lừa dối đó diễn ra bằng cách vận dụng những sự thánh thiêng như: dâng lễ, cầu nguyện, cúng bái… để che dấu một thực trạng tiêu cực đã, đang hay sắp xảy ra.

Bên cạnh đó, người ta cũng luôn ca ngợi, tán dương, cổ võ những người thiện chí, chân thành, có lòng quảng đại…luôn hướng về người khác, hy sinh phận mình để xây dựng lợi ích chung.

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, đã phản ánh hai sự tương phản rõ nét đó, qua hành vi Chúa Giêsu lên án những người kiêu ngạo, khoa trương và mang thói đạo đức giả để đánh lừa thiên hạ. Đó là những người lãnh đạo cấp cao trong đạo Do thái như các kinh sư. Đồng thời, Người đề cao giá trị của tấm lòng quảng đại, thể hiện qua gương mẫu bà góa nghèo dâng cúng hai đồng tiền kẽm. Tuy hai đồng tiền ít ỏi so với người khác, nhưng đó là tất cả những gì bà có và bà dâng với cả tấm lòng chân thành.

Thật vậy, chúa Giêsu đã chỉ mặt, điểm tên cách rõ ràng những người sống giả tạo, nhưng lại thích được ăn trên, ngồi trước, được người ta chào hỏi, biết đến và kính phục. Đó là các kinh sư: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn” (Mc 12, 38-40).

Đầu tiên, Đức Giêsu đã khuyến cáo cho các môn đệ và mọi người biết về các kinh sư, họ chính là những kẻ giả hình, phải đề phòng cảnh giác họ, cũng đừng làm theo những gì họ làm: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư”, rồi chỉ trích nhưng thói “ưa”, những “tham lam”của họ (cc 38b.39. 40a) . Thứ đến, Người đã đưa ra một lời đe dọa phán xét cánh chung, họ đáng nhận hình phạt đời đời, vì thói “ưu” , thói giả hình và “tham lam” của họ: “Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn” (Mc 12,40).

Đức Giêsu đã thẳng thừng chỉ trích các kinh sư vì những thói hư tật xấu “ ưa” của họ, nhằm giúp cho họ ý thức lại lối sống của mình để biến đổi. Đó là điều may, điều phúc khi họ nhận ra để trở về sống thực. Nhưng đau xót hơn, khi Người đã chỉ trích họ cách nặng nề liên hệ đến sự tham lam và giả hình. Lối sống của họ đã nối kết hành vi bóc lột với cầu nguyện cách lâu dài để che khuất những tội lỗi của mình: “Họ nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ”. Nhưng Thiên Chúa thấu suốt mọi sự và sẽ kết án họ cách nghiêm khắc trong ngày cánh chung, tức là họ mất ân ban sự sống đời đời. Có nhiều khi, chúng ta là những người đứng đầu trong Tôn giáo của mình, chúng ta cũng rơi vào tình trạng như các kinh sư, nên chúng ta phải biết đề phòng và tránh né, để khỏi bị kết án!

Đối lập với “ thói ưa” và “thói giả” của các kinh sư là một bà góa nghèo, điển hình cho các môn đệ của Đức Giêsu. Bà tuy nghèo về vật chất, nhưng tấm lòng không nghèo; bà tuy nhỏ bé trong xã hội, nhưng là người “lớn” hơn hết trong số những người thực hành Tôn giáo… Lòng quảng đại của bà đã hối thúc bà cho đi tất cả. Bà đã cho đi tất cả những gì bà có: “còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình”(c 44). Bà đã chu tòan một điều kiện thiết yếu để trở thành môn đệ của Đức Giêsu. Mà môn đệ của Chúa là người biết chia sẻ cách quảng đại cho những người khác “ tất cả” những gì mình có, tức là cho người khác cả tình Chúa và tình người.

Việc làm của bà goá là một định nghĩa và cũng là một tấm gương về lòng quảng đại: quảng đại chính là cho đi mà không tính toán. Và xét cho cùng, quảng đại còn là trao ban chính bản thân mình, như Chúa đã trao ban cho chúng ta.

Còn với chúng ta thì sao? chúng ta làm phúc bố thí với tâm tình nào? chúng ta làm phúc cho người ta thấy để khen ngợi hay quảng đại yêu thương thật sự?

Đấng “dò thấu lòng dạ” con người, không dễ bị đánh lừa bởi vẻ bề ngoài của họ. Bởi vậy, con người ta luôn được mời gọi đừng để sự giả dối, lừa bịp bởi một bộ mặt đạo đức che đậy sự khoe khoang, tham lam… Nhưng hãy ý thức về sự mỏng dòn của mình, để cậy dựa vào tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa. Đồng thời, cũng phải học biết cách trân trọng những thiện chí đích thực của người khác, nhất là những người nghèo của Chúa.

Chúng ta phải cố gắng, thậm chí là nhiệm vụ để có điều kiện chu cấp (của cải, vật chất) cho cuộc sống của mình và gia đình của mình đạt đến hạnh phúc. Nhưng, chúng ta cũng được Chúa Giêsu mời gọi lo cho sự an vui của người khác nữa, tức là thực thi tình bác ái cách quảng đại khi làm phúc bố thí cho tha nhân với cả tấm lòng thành của mình. Có nhiều khi, chúng ta lấy lý do nghèo khó, thiếu thốn…để biện minh cho sự ích kỷ, hẹp hòi của mình mà né trách việc giúp đỡ tha nhân. Và như thế, chúng ta chưa đủ điều kiện để trở thành môn đệ của Chúa.

Tấm gương bà góa nghèo trong bài Tin Mừng hôm nay là một bài học quý giá cho các kitô hữu về lòng quảng đại hiến dâng. Trước nhan Thiên Chúa, điều quan trọng không phải là của dâng cúng to lớn, nhưng quan trọng ở tấm lòng chân thành khi dâng cúng, trong sự yêu thương.

 

Lạy Chúa xin giúp con thực thi thánh ý Chúa cách trung thực, và khi làm phúc bố thí thì đừng để cho tay trái biết việc tay phải làm...như Chúa đã truyền dạy...Nhưng chỉ làm với tất cả con tim yêu thương và lòng trung thực cho Chúa chứng giám, khen ngợi, như bà góa nghèo trong Phúc Âm. Amen.

 

Minh An

 

Thiết kế Web : Châu Á