Bài giảng

CHIA SẺ TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN, NĂM B: “GIỮ LUẬT CÁCH TRUNG THÀNH” (Minh An)

Có nhiều khi, chúng ta tuân giữ lề luật không phải vì lòng yêu mến Chúa, cũng chẳng phải vì lòng bác ái với tha nhân, nhưng chúng ta chỉ giữ vì muốn khẳng định mình là người “đàng hoàng” trong lãnh vực tôn giáo...

 

 Mc 7, 1-8a. 14-15.21-23

 

GIỮ LUẬT CÁCH TRUNG THÀNH”

 

Minh An

 

Từ Chúa nhật XVII đến Chúa Nhật XXI, Giáo Hội chọn đọc chương 6, Tin Mừng của thánh sử Gioan. Ở chương thứ 6 này, tác giả Gioan đã cho chúng ta biết những lời giáo huấn của Chúa Giêsu về Bánh Hằng Sống. Bánh Hằng Sống chính là thịt và máu của Người, làm của ăn nuôi sống linh hồn con người ta. Ai tin và đón nhận thì sẽ có sự sống muôn đời: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống ” (Ga 6, 51).

Đến Chúa Nhật XXII, Giáo Hội trở về với Tin Mừng của thánh sử Marcô, và chọn đọc chương 7, 1-8.   14-15. 21-23. Có lẽ Giáo Hội chọn đọc bản văn Tin Mừng này, nhằm giáo dục những người sống đạo vụ hình thức, tức là họ chỉ chú trọng những hình thức bên ngoài mà quên đi việc hoán cải đời sống nội tâm. Đồng thời, cảnh giác những người đang bị cám dỗ từ bỏ giới luật Thiên Chúa, để chạy theo truyền thống của phàm nhân, và răn dạy những người chỉ tôn thờ Thiên Chúa bề ngoài, còn trong lòng thì xa cách Chúa.

Thật vậy, bài Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô cho ta biết, cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với những người Pharisiêu và các kinh sư từ Giêrusalem đến. Những người Pharisiêu và các kinh sư chú trọng đến luật thanh sạch bên ngoài, nên đã chỉ trích việc các môn đệ của Chúa Giêsu khi dùng bữa đã không rửa tay. Nhân cơ hội đó, Chúa Giêsu chỉ cho họ biết về việc tuân giữ luật một cách hình thức của họ. Họ đã tuân giữ lề luật không đúng với điều Thiên Chúa mong muốn, bởi vậy, Chúa Giêsu đã phản đối thái độ giữ luật hình thức này: “Dân này tôn kính ta bằng môi, bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa ta. Chúng có thờ phượng ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân” (Mc 7,6).

Sau khi chỉ trích thái độ giữ luật cách hình thức của các người Pharisiêu và thông luật, Đức Giêsu thể hiện rõ về bậc “sư phụ” của mình khi giải thích luật cho họ và nhiều người khác cùng nghe, để cùng hiểu và cùng đem ra thực hành. Người đã giải thích về “luật” thanh sạch và nhơ uế rằng: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,14.15).

Thực ra, người Do-thái chú trọng đến việc nhơ uế là do ăn vào những thức ăn nhơ uế như thịt heo, con vật chết ngạt (không cắt tiết)… thì sẽ làm cho con người của họ bị nhiễm ô uế theo. Đó là một lối quan niệm mang hình thức tôn giáo. Nhưng Chúa Giêsu dẫn đưa họ đến một tầm mức cao hơn là hướng tâm hồn đến một sự cao thượng không bị nhiễm uế bởi tội lỗi, chứ không phải chỉ dừng lại ở một lối nhìn sai lạc, hay một quan niệm sai trái để dẫn nhau đi đến con đường “tối tăm” mà con người không có điểm sáng để hướng tới.

Chuyện ăn, chuyện uống hằng ngày là nhu cầu để nuôi sống thân xác, nhưng các kinh sư, các nhà thông luật đã đẩy lên thành một thứ luật lệ gò bó và bắt người ta phải tuân giữ thì thật là vụ luật. Họ phân định ra những thứ luật lệ gò bó này, không phải vì tình yêu và cũng càng không phải giúp để con người ta hướng lên tới Chúa, nhưng chỉ vì họ muốn thu lợi phần nào đó của những người “phạm luật”. Chúa Giêsu có lần đã khiển trách họ rất nặng nề như cho họ là thứ mồ mả tô vôi” (x.Mt 23,27), họ muốn người ta giữ luật, còn họ thì không đụng ngón tay vào (x.Mt 23,4). Đó chính là cái tội họ mang vào mình.

Chúa Giêsu đã không đồng tình với quan niệm của người Do-thái về thức ăn thanh sạch và thức ăn gây nhơ uế. Người khẳng định mọi thức ăn đều sạch, chỉ có lòng người mới là nguồn gốc của sự ô uế mà thôi: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,20-23).

Tất nhiên rằng, có những thứ thức ăn đã bị nhiễm độc vì môi trường sống của nó, con người ăn vào có thể bị ảnh hưởng đến sức khỏe thể lý, nhưng những thứ thức ăn đó sẽ không làm cho tâm hồn con người ta ra ô uế như quan niệm của người Do-thái xưa... Thật ra, sự ô uế của tâm hồn con người ta, chỉ xảy đến từ những tư tưởng xấu và những hành động vô lương tri mà Chúa Giêsu đã đề cập đến cách rõ ràng đó mà thôi.

Có nhiều khi, chúng ta tuân giữ lề luật không phải vì lòng yêu mến Chúa, cũng chẳng phải vì lòng bác ái với tha nhân, nhưng chúng ta chỉ giữ vì muốn khẳng định mình là người “đàng hoàng” trong lãnh vực tôn giáo. Chúng ta chẳng khác gì một kịch sĩ, muốn tự làm cái gương cho người khác soi vào để học hỏi bắt chước… nên chúng ta quên mất cái gì là chính yếu và cái gì là phụ thuộc. Chúng ta chỉ lo tắm rửa bề ngoài cho sạch, xức nước hoa cho thơm, nhưng tâm hồn chúng ta thì lại hướng đến những điều nhơ uế, đầy gian tà cướp bóc, đầy gian tham đủ điều… Có lẽ Chúa cũng sẽ khiển trách chúng ta như khiển trách những người Pharisiêu và các nhà thông luật của Do-thái xưa.

Vậy nên, theo lời Chúa Giêsu dạy, khi chúng ta lo trang điểm cho mình vẻ đẹp bề ngoài, thì cũng hướng vào tâm hồn của mình để trang sức thêm những nhân đức cần thiết như: sống thánh thiện trong cách ăn nết ở (x.1Pr 1,15), bác ái với mọi người, có lòng vị tha… đó chính là ta đã tuân giữ luật Chúa một cách tuyệt hảo nhất. Hay nói như thánh Giacôbê trong bài đọc thứ hai: “Có lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha, là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian” (Gc 1,27).

Thiết kế Web : Châu Á