Bài giảng

CHIA SẺ TIN MỪNG CHÚA NHẬT I, MÙA VỌNG, NĂM C: “TỈNH THỨC VÀ ĐÓN NHẬN” (Minh An)

Để được Thiên Chúa Giáng Lâm cứu chuộc nhân loại và cho hưởng hạnh phúc thì điều kiện cần thiết mà mọi kitô hữu phải có là: Tỉnh thức và đón nhận.

 

Lc 21, 25-28.34-36

TỈNH THỨC VÀ ĐÓN NHẬN”

Minh An

Năm Phụng Vụ được bắt đầu bằng Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng. Trong suốt Mùa Vọng, Giáo Hội mời gọi con cái của mình luôn sẵn sàng trong sự hân hoan để mừng kỷ niệm biến cố trọng đại “Con Thiên Chúa Nhập Thể” cứu chuộc nhân loại (Lễ Giáng Sinh, Noel). Sâu xa hơn thế nữa, Giáo Hội muốn con cái mình hướng về tương lai để đón nhận ngày Con Thiên Chúa Giáng Lâm lần thứ hai (ngày cánh chung) với tất cả niềm vui mừng hớn hở, vì được Người giải thoát, và cho hưởng hạnh phúc đời đời: “anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21, 28b).

Nhưng, để được Thiên Chúa Giáng Lâm cứu chuộc nhân loại và cho hưởng hạnh phúc thì điều kiện cần thiết mà mọi kitô hữu phải có là: Tỉnh thức và đón nhận. Đó cũng là ý hướng của bài Tin Mừng trong Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Vọng này.

Thật vậy, bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca đã cho chúng ta biết, Chúa Giêsu kêu gọi con cái của Người luôn tỉnh thức và đón chờ Thiên Chúa Giáng Lâm: “ Vậy, anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” ( Lc 21, 36).

 

*Tỉnh thức

Anh em phải đề phòng” (c.34) , đó chính là lời cảnh báo và cũng là mệnh lệnh của Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ của Ngài nói riêng, và tất cả mọi người chúng ta nói chung. Phải tỉnh thức để đón nhận biến cố trọng đại nhất trong cuộc đời của mình là được gặp Chúa và đón nhận ơn cứu thoát của Người xảy ra trong tương lai, đầy bất ngờ của ngày cùng tận. Cách thức đề phòng cảnh giác tích cực nhất là:“ chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngàu ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất” (c. 34.35).

Đúng vậy, tỉnh thức là không “chè chén say sưa”, đây chỉ là hình ảnh ẩn dụ, cố ý nói đến tâm trí u mê do bởi các trào lưu thế tục vây bủa, hay nói khác đi, do quá đam mê những hưởng thụ đời này; là không “lo lắng sự đời”, tức là do quá mê say danh, lợi, thú…nên đã không thể nhận ra được cái chính yếu và cái phụ thuộc. Phải tỉnh thức như khi mình đang lái xe, luôn nhìn trước, ngó sau, liếc qua phải, nhìn qua trái, tay giữ ga vững vàng, chân để lên thắng sẵn sàng… thì đi đường mới có thể được an toàn.

Tỉnh thức, không những chỉ phải đề phòng cảnh giác, nhưng còn phải gắn bó nghĩa thiết với Thiên Chúa qua việc cầu nguyện liên lỉ. Đây cũng được xem là một lời khuyên nhủ và là một lệnh truyền của Chúa Giêsu, để mọi người biết tỉnh thức:“ anh em hay tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (c. 36). Chính việc cầu nguyện trong mọi nơi, mọi lúc, mọi hòan cảnh sẽ làm cho các kitô hữu tỉnh thức và sẵn sàng đón nhận ngày Con Người đến trong vinh quang cùng với các thần thánh của Người.

Hay, nói khác đi, tỉnh thức là biết chuẩn bị cho đời sau bằng cách vươn tâm hồn lên tới Chúa bằng những lời cầu nguyện, kết hiệp với Chúa, để Chúa luôn ở trong ta, ta ở trong Chúa. Người tỉnh thức chính là người tuy sống ở đời này, nhưng tâm hồn luôn hướng về những giá trị vĩnh cửu ở đời sau.

Có tỉnh thức cầu nguyện chúng ta mới có lòng khao khát mong chờ ngày Chúa đến. Có tỉnh thức cầu nguyện thì khi Chúa đến, chúng ta mới đứng dậy, ngẩng cao đầu lên, để gặp được Chúa và bước vào thế giới mới với Người.

 

*Đón nhận Chúa trong hân hoan

Tác giả Thánh Vịnh như cảm nghiệm được ngày Chúa đến mang nhiều ân huệ, nên đã cầu xin thảm thiết rằng:Lạy Chúa, xin đổ tình thương xuống trên chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài” (Tv 33, 22).

Trông cậy và đón nhận ngày ân phúc của Chúa đến đó là thái độ tuyện hảo của những con người thành tâm thiện chí, vì họ đã luôn trong sự tỉnh thức và sẵn sàng. Hay, nói theo ngôn ngữ của tác giả Tin Mừng Luca là người đã tỉnh thức, người đã sẵn sàng rồi thì:“ anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” ( Lc 21, 28b).

Đứng thẳng và ngẩng cao đầu lên để đón nhận ngày Chúa đến trong vinh quang trong khung cảnh được báo trước đầy rùng rợn, gây hoang mang, lo lắng cho loài người, nhưng đã tỉnh thức và sẵn sàng thì dễ dàng nhận ra Con Người quang lâm trong sự hỗn mang rùng rợn đó, nên không còn phải lo lắng và sợ hãi nữa: sẽ có những điềm lạ từ mặt trời, mặt trăng và các vì tinh tú. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn siêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến”(Lc 21, 25-27).

Cho dù trong khung cảnh của những sự biến động rùng rợn  xảy ra đầy hoang mang lo lắng đó, lại xuất hiện Con Người, tức là Đức Giêsu Phục Sinh trong vinh quang và quyền năng vĩnh cửu của Ngài đã đến. Bởi vậy:“ anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, để đón nhận ơn cứu chuộc”.

Đứng thẳng và ngẩng đầu lên, đó còn là dấu chỉ của người đang trong tư thế sẵn sàng đón Chúa ngự đến mà không còn phải sợ hãi gì. Đón Chúa mà không còn sợ hãi vì:“ Chúa đã cho chúng ta được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Kitô quang lâm cùng với các thần thánh của Người” (1Tx 3,13).

Ước gì trong sự tỉnh thức và cầu nguyện liên lỉ không phải chỉ vì chúng ta mừng kỷ niệm biến cố Con Thiên Chúa nhập thể trong ngày Noel hằng năm. Nhưng, qua việc tỉnh thức và cầu nguyện liên lỉ đó, còn là cách làm cho đời sống kitô hữu của chúng ta trở nên thánh thiện và công chính trước mặt Thiên Chúa, để chúng ta đón nhận ngày Chúa đến trong vinh quang của đời mình một cách xứng đáng.

Thiết kế Web : Châu Á