Bài giảng

CÁC BÀI SUY NIỆM TM TUẦN XXIX TN, 2018 (Hiền Lâm)

Chúng ta được vinh dự làm con Chúa trong lòng Giáo Hội, chúng ta cũng có bổn phận trong tình bác ái yêu thương mà đi tìm về cho Chúa những đứa con và là anh chị em của ta đang lạc bước.

 

CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN, NĂM B   

KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

  

THỨ HAI TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN

THỨ BA TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN

THỨ TƯ TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN

THỨ NĂM TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN

THỨ SÁU TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN

THỨ BẢY TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN

 

Các bài suy niệm: Lm. Hiền Lâm

 

 Kết quả hình ảnh cho hình ảnh xuân, gif

 

A. CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN. Năm B 

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 10,32-45

Hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói: "Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây." Người hỏi: "Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì? " Các ông thưa: "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang." Đức Giê-su bảo: "Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không? " Các ông đáp: "Thưa được." Đức Giê-su bảo: "Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được."

Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an. Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người."

 

II. SUY NIỆM

“MUỐN LÀM ĐẦU PHẢI HẦU THIÊN HẠ”

Bài Tin Mừng nằm trong bối cảnh lần thứ ba Chúa Giêsu tiên báo về cuộc thương khó và phục sinh của Người. Lời tiên báo được thốt ra khi thầy trò đang tiến lên Giê-ru-sa-lem và các môn đệ hí hửng mang trong mình mong muốn thầy xưng hùng lập quốc để các ông được chia sẻ quyền lực, nên Chúa Giêsu một lần nữa lặp lại cho các môn đệ biết con đường Người sẽ đi để hoàn tất chương trình cứu độ, con đường: “qua thập giá đến vinh quang”.

 

1. Con đường qua thập giá tới vinh quang.

Có thể nói, tội nguyên tổ như một quả bom nguyên tử được làm bằng thuốc nổ kiêu ngạo và bất tuân đã rơi xuống cắt đứt con đường nối con người với Thiên Chúa, con đường nối dương gian với quê trời, sức công phá của nó đã tạo nên một hố sâu lớn khiến cho không ai từ bên nhân loại có thể qua với Thiên Chúa được nữa. Bây giờ, Chúa Giêsu đến, Người bắc cây cầu qua cái hố sâu tội lỗi đó là thập giá, được làm bằng chất liệu gỗ khiêm nhường và vâng phục. Để từ đây, con người muốn qua gặp gỡ Thiên Chúa, muốn vào nước trời thì phải đi trên cây cầu thập giá này, bởi: “Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy”

Chúa Giêsu không những đã nói mà còn đi bước trước trong con đường thập giá đó. Chúa Giêsu tự vác lấy thánh giá mình để đi trọn con đường cứu độ, nên Chúa cũng muốn mọi người vác lấy thập giá mình chứ không buộc vác giùm ai. Vác thập giá của mình, chính là việc chu toàn bổn phận công dân, bổn phận đối với Chúa và Giáo Hội trong đấng bậc mình. Vui nhận những trái ý nghịch lòng làm của lễ dâng Chúa. Đường thập giá thực ra không có gì xa thực tế, nhưng đúng với cả nghĩa tôn giáo lẫn xã hội. Thật vậy, có ai đạt được vinh quang mà không khổ luyện, muốn thi đậu phải miệt mài đèn sách, muốn chiến thắng trong các cuộc thi phải đòi hỏi khổ luyện… và đặc biệt, muốn hưởng phúc Nước Trời phải biết hy sinh và chịu thử thách.

 

2. Muốn làm đầu phải hầu thiên hạ.

Tin Mừng kể câu chuyện chẳng mấy tốt đẹp của anh em con nhà ông Giê-bê-đê xúi mẹ “đi đêm” với Chúa Giêsu để được quyền cao chức trọng. Thật ra, không phải để nói xấu quý ngài mà là nói lên bản tính của con người vốn ham mê quyền lực, nhưng điều quan trọng là sự biến đổi thành thánh nhân bằng con đường phục vụ và hiến mạng sống mình vì Chúa và tha nhân như thánh Gia-cô-bê và Gio-an.

Đâu chỉ riêng gì hai vị Gia-cô-bê và Gio-an, mà cả nhóm các tông đồ cũng tỏ ra tức tối về chuyện xin xỏ quyền lực này (x. Mt 20,24). Thật vậy, từ ngày theo Chúa Giêsu, các môn đệ luôn mang trong mình tư tưởng quyền lực, mong đến ngày Thầy Giêsu lên ngôi để các ông được chia sẻ tước này chức nọ, các ông tranh luận ai sẽ được Thầy Giêsu cho làm quan to nhất trong Nước Trời. Các môn đệ thực sự chưa hiểu được mầu nhiệm Nước Trời mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập không phải chuyện chức này tước nọ như nước trần thế, mà là Vương Quốc của những tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn và hi sinh phục vụ.

 

Một trong những cám dỗ lớn nhất của con người, đó là đam mê quyền lực, ai cũng mong muốn được ăn trên ngồi trốc, được mọi người tung hô kính trọng… để rồi từ đó làm mọi cách (cho dù là đê tiện thấp hèn) để đạt được mục đích chức quyền… 

Các môn đệ Chúa Giêsu trước Phục Sinh cũng thế, các ngài mang trong mình tư tưởng quyền lực, các ngài từng hỏi khéoThầy Giêsu xem ai được làm quan to nhất trong Nước Ngài. Còn “hai vị kia” thì lo lót chạy trước hai cái ghế nhị tam ở bên tả và bên hữu Thầy.

Làm to ai cũng muốn, nhưng lại ngại phải hi sinh. Vì thế, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp, nhưng Người đưa ra điều kiện để vào Nước Trời trước đã: "Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”. Chén Thầy sắp uống chính là con đường thập giá và hi sinh để cứu độ. Kế đến Người mới đưa ra điều kiện để trở nên lớn trong Nước Trời chính là: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em”. Như vậy, chức quyền để phục vụ chứ không phải để cai trị.

Khi nói kẻ lớn nhất trong Nước Trời phải trở nên như bé nhỏ nơi nước trần thế, không có nghĩa là bây giờ làm Giáo Hoàng rồi sau này trở thành kẻ rốt hết, nhưng Chúa nhắm đến một tinh thần khiêm tốn và phục vụ, sự phục vụ đó tuỳ theo bậc sống của chúng ta nơi thế gian này.

Noi gương Chúa Giêsu đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng phục vụ và hi sinh vì con người, chúng ta cũng thế, hãy sống tinh thần khiêm tốn và phục vụ anh chị em trong phận vụ riêng Chúa ban cho từng người.

 

Lạy Chúa Giêsu, là những môn đệ được mời Chúa mời gọi bước theo Ngài, xin chúng con không ngại khó ngại khổ và can đảm bước trên con đường Chúa đã đi qua, là hi sinh vác thập giá với Chúa để cứu độ các linh hồn. Amen.

 

 

B. KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO 

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 28, 16-20

Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế."

 

II. SUY NIỆM

“HÃY ĐI LÀM CHO MUÔN DÂN TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ”

Trách nhiệm truyền giáo của chúng ta là Kitô hữu là phải truyền giáo. Cũng giống như trong một gia đình có người con đi lạc, thì cha mẹ già rất lo lắng, cần đến những đứa con trong gia đình phải đi tìm đứa con bị lạc trở về. Chúng ta được vinh dự làm con Chúa trong lòng Giáo Hội, chúng ta cũng có bổn phận trong tình bác ái yêu thương mà đi tìm về cho Chúa những đứa con và là anh chị em của ta đang lạc bước.

Có người có điều kiện để bôn ba đây đó rao giảng Tin Mừng, có khả năng kiến thức và lợi khẩu để truyền bá Lời Chúa… Nhưng cũng có người âm thầm bằng những hy sinh và những kinh nguyện trước mặt Chúa, hoặc ngày ngày với tràng chuỗi mân côi cầu xin cho người lạc bước trở về với Chúa…

Bài Tin Mừng Khánh Nhật truyền giáo hôm nay là trích đoạn của thánh Mát-thêu về lệnh truyền của Chúa Giêsu:

  • Anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ
  • Làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần
  • Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.
  • Lời hứa: Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.

 

1. Anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ.

Cũng như Chúa Giêsu đã quy tụ môn đệ, để cùng sống với nhau và với Người; coi nhau như bạn hữu, đồng bàn với nhau, hiểu biết và chia sẻ với nhau đời sống hằng ngày. Thì đây, Chúa Giêsu cũng muốn các môn đệ đồng hành trước cả việc rao giảng: Cần có việc chia sẻ giữa những con người với nhau trước, sau đó mới tính đến việc loan báo Tin Mừng. Rao giảng Tin Mừng cho ai là giúp người ấy đào sâu những kinh nghiệm bản thân đã trải qua trong quá khứ, cho đến ngày người ấy nhận ra nơi Chúa Kitô, trong cái chết và sự sống lại của Người, là chân lý làm cho cuộc đời họ rực sáng (x.GKPV).

Cùng với các môn đệ Chúa Giêsu, mọi người cũng được mời gọi sống sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng đời sống thanh bần đơn sơ phó thác, xây dựng sự hợp nhất bình an và làm cho Nước Chúa được lớn mạnh ngay trên quê hương trần thế, cách riêng, niềm tin, bác ái, hoan lạc và bình an thắm đầy trên giáo xứ và cộng đoàn.

 

2. Làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Nếu đem đối chiếu các trình thuật về làm phép rửa trong sách Tông Đồ Công Vụ (x. Cv 19,5…) và các thư thánh Phaolô, có thể chúng ta không dám chắc là đã có một công thức đầy đủ về việc làm phép rửa nhân danh Ba Ngôi như tường thuật Tin Mừng Mát-thêu, bởi ban đầu các tông đồ và môn đệ vẫn làm phép rửa nhân danh Chúa Giêsu, còn việc nhân danh Ba Ngôi là sự tiến triển của thần học do Chúa Thánh Thần linh hứng về sau. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là khi muốn làm môn đệ Chúa Giêsu (gia nhập đạo) thì phải lãnh phép rửa. Phép rửa trở thành một điều kiện bắt buộc để được hưởng ơn cứu độ, vì qua Phép Rửa, tín hữu được tái sinh trong Chúa Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh.

Sẽ khó trả lời khi nói điều này với người ngoài Kitô Giáo, nhưng hết những ai qua tôn giáo của họ hoặc qua tiếng lương tâm mà ăn ở tốt lành thánh thiện thì mặc nhiên ở trong Đức Kitô (được rửa tội “bằng lửa”). Cũng thế, những ai dám hy sinh tính mạng vì niềm tin hoặc vì Đức Ái, thì dù chưa được lãnh nhận bí tích rửa tội, thì cũng mặc nhiên ở trong Đức Kitô toàn thể (rửa tội “bằng máu”). Tóm lại, phải qua phép rửa mới được cứu độ dù là minh nhiên hay mặc nhiên.

 

3. Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.

Những huấn lệnh của Chúa Giêsu chiếm vị thế hàng đầu và trải dài trong Tin Mừng thánh Mát-thêu, được phân bố trong năm bài diễn từ.

Và giờ đây, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ phải dạy cho muôn dân tuân giữ mọi điều mà Chúa Giêsu đã nói cho các môn đệ biết.

Như thế, sau khi bước theo Chúa và chịu phép rửa rồi, Kitô hữu không phải nhận phép rửa gia nhập đạo rồi để đó, mà là phải tuân giữ lề luật của Chúa. Theo đạo thì phải giữ đạo và sống đạo, chứ không phải mang trên mình cái danh Kitô hữu vì đã chịu phép rửa tội, mà sống như kẻ xa lạ.

 

4. Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.

Chúng ta lại một lần nữa nghe xác quyết điều mà danh xưng Emmanuel diễn đạt (Mt 1,23). Nghĩa là khởi đầu Tin Mừng, thánh sử Mát-thêu trích dẫn lời ngôn sứ Isaia: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, thì nay, lời Chúa Giêsu hứa và cũng làm cho ứng nghiệm: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20b).

Thầy ở lại với anh em, nghĩa là sau khi Phục Sinh, trong một cách thế hiện diện mới, Chúa Giê-su không còn bị giới hạn trong không gian hay thời gian nữa, mà ở trong niềm tin, lòng mến và sự trông cậy của các Tông Đồ: Rao giảng một niềm tin duy nhất vào Chúa Giê-su Ki-tô, đặt tình yêu duy nhất vào Chúa Giê-su Ki-tô và đặt tất cả niềm hi vọng vào Chúa Giê-su Ki-tô; bởi, “chính nhờ Người, với Người và trong Người, và mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”.

Từ đây, mỗi khi làm dấu thánh giá, Ki-tô hữu tuyên xưng sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trong chính mình.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn hiệp nhất với nhau trong cùng một đức tin và một lòng mến, như Chúa luôn hiệp nhất trong Chúa Cha nhờ Thánh Thần Tình Yêu. Amen.

 

 

THỨ HAI TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN 

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 12,13-21

Có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi." Người đáp: "Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh? " Và Người nói với họ: "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu."

Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: "Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: "Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu! Rồi ông ta tự bảo: "Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã! Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: "Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó."

 

II. SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải có thái độ đúng đắn khi sử dụng của cải. Vì của cải có thể là nguyên nhân của sự tham lam ích kỷ và đổ vỡ. Đồng thời cũng là nguyên nhân dẫn ta đến sự sống hoặc hư đi đời đời.

 

1. Tham lam của cải là nguyên nhân của sự đổ vỡ.

Mở đầu bài Tin Mừng là việc có một người đến xin Chúa Giêsu xử kiện phân chia gia tài. Điều này có nghĩa là do tham lam của cải, vì ích kỷ muốn phần hơn mà anh em ruột đã kiện cáo nhau.

Thế nhưng, dù được người ta xem như là một Rabbi có uy tín đến nhờ phân xử (x. Xh 2,14), nhưng Chúa Giêsu khẳng định sứ vụ của Người không phải là một vị vua hay quan toà kiểu trần thế.  Người đến để rao giảng Tin Mừng Nước Trời và đưa họ vào vương quốc của tình yêu thương, chứ không phải chuyện tranh dành của cải vật chất. Người là vua tình yêu và xét xử lương tâm mọi người. Đặc biệt sẽ là Thẩm Phán xét xử nhân loại trong ngày họ đến toà phán xét để được sống hay hư đi đời đời, tuỳ thuộc vào việc họ biết chia sẻ trao ban hay là tham lam giữ lại của cải vật chất khi còn sống.

Chúa Giêsu đã nhân cơ hội người kia xin xử kiện để căn dặn mọi người: “ Hãy coi chừng và giữ mình khỏi mọi thứ tham lam”. Vì khi tham lam người ta dễ đánh mất lương tri; đồng tiền làm mờ đôi mắt và che khuất lương tâm; giàu rồi thì muốn giàu thêm, lòng tham vô đáy… để rồi dẫn đến loại trừ nhau.

Sự việc anh em và thậm chí cha mẹ con cái kiện cáo nhau, đôi khi còn giết nhau xảy ra rất nhiều nơi trên thế giới và cả trên đất nước chúng ta, âu cũng vì tranh chấp một miếng đất thửa vườn, hay vài gian nhà, hoặc chút của hồi môn mà người ta không ngại chà đạp lên cả những truyền thống và tình thân thiêng liêng nhất của con người.

Lời Chúa Giêsu hôm nay đang cảnh tỉnh chúng ta: “ Hãy coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải được dư giả, thì mạng sống nhờ của cải mà được bảo đảm đâu.”

 

2. Giàu của cải không đảm bảo cho sự sống đời đời.

Dụ ngôn Chúa Giêsu kể về một người giàu có an thân thoả mãn trên đống của cải lẫm này kho nọ, rồi tự cho phép linh hồn mình được “nghỉ ngơi”, nhưng nếu Chúa gọi bất thình lình, thì ‘tay trắng hư không’ ra đi vào cõi diệt vong.

Thật vậy:

Khi chúng ta đi về nơi an nghỉ

Những gì thu góp chẳng còn chi

Sẽ mất hết những gì ta xài phí

Chỉ còn lại những gì đã cho đi.

Ham mê của cải như ông phú hộ trong dụ ngôn là chỉ lo làm giàu trước mặt người đời, lo tích trữ của cải đời này mà không lo cho phần rỗi đời sau. Của cải vật chất tự nó không xấu, siêng năng làm việc để có của cải luôn là điều tốt.  Thế nhưng, chúng ta không được phép dừng lại ở đó để hưởng thụ và an thân bám víu vào nó, mà phải biết chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình.

Những gì ta xài phí, những gì ta lo tích trữ và bo bo giữ không chia sẻ rồi sẽ dừng lại khi ta xuống mồ, chỉ còn lại những gì ta đã cho đi theo chúng ta đến trước mặt Đấng Thẩm Phán Chí Công, như lời Chúa Giêsu kết luận: “Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”.

 

Lạy Chúa Giê-su,

Xin cho chúng con đang khi hưởng dùng những của cải đời này do Chúa ban, thì cũng biết sử dụng sao cho hợp ý Chúa và sinh lợi của cải thiêng liêng đời sau trong kho lẫm nước Chúa. Amen.

 

 

THỨ BA TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN 

 

I. BÀI TIN MỪNG : Lc 12,35-38

"Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến."

 

II. SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến việc Chúa sẽ đến bất thình lình, mời gọi mọi người biết sống tỉnh thức và sẵn sàng, để khi cái chết ập đến, mọi người sẵn sàng nghênh đón Chúa.

Thiên Chúa ví như ông chủ đi dự tiệc cưới sẽ trở về bất cứ lúc nào, vì thế các đầy tớ không được lơ là việc bổn phận, luôn tỉnh thức sẵn sàng đợi chờ để mở cửa cho ông chủ.

 

 Điều không chắc chắn là: Chuyện Chúa đến không phải kiểu sự cố Y2K năm 2000, hay ngày 12/12/2012 lo đi chuẩn bị đồ ăn dự trữ, rốt cuộc chẳg xảy ra. Chúa đến bất kỳ lúc nào, bất ngờ như vậy để con người bày tỏ lòng trung tín qua việc tỉnh thức đợi chờ thời khắc vô cùng quan trọng để được hưởng hạnh phúc hay bị luận phạt đời đời. Vì nếu biết, thì con người sẽ phóng túng, chờ sắp đến ngày chết mới lo liệu, và như vậy thì không còn gì là yêu mến và trung thành.

 

Điều chắc chắn là: Chắc chắn Chúa sẽ đến. Chúa không cho biết lúc nào Người đến, nhưng chắc chắn Người sẽ đến và Người dạy chúng ta lúc chờ đợi cần làm hai việc là: Hãy thắt lưng cho gọn (luôn sãn sàng nhận lệnh và thi hành ý chủ), thắp đèn cho sáng (luôn hướng về, yêu mến và tin tưởng chủ).

 

Không thiếu những người cứ như mình không bao giờ chết, hoặc nghĩ có già mới chết… Rồi cứ sống thoải mái và nghĩ rằng, sắp đến ngày chết thì xưng tội, sẽ ăn năn, sẽ trở về với Chúa… nhưng có ngờ đâu rằng: Đứa bé nặn đất chơi bên vệ đường - bất ngờ chết, chàng sinh viên tương lai ngời ngợi chuẩn bị tốt nghiệp - chết, cô dâu trên đường về nhà chồng -  xe lật chết… nhưng cụ già 90 tuổi ngày ngày mong chết lại không chết.

 

Tại sao chúng ta nghĩ rằng mai làm việc đó, mà ngay hôm nay làm được mà không làm, rồi có sống đến ngày mai không. Cái chết đến có báo trước cho chúng ta không?

Bộ mặt thế gian này sẽ qua đi nhanh như một giấc mộng, sẽ tan biến như làn khói, mọi thứ sẽ trở về cát bụi hư vô. Lúc đó mỗi chúng ta sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa về những việc làm của mình.

Phúc cho ai tỉnh thức, sẵn sàng và nhanh nhạy mới gặp được Chúa và được Chúa ân cần đón vào cuộc sống vĩnh hằng.

 

Lạy Chúa Giê-su,

xin cho chúng con ý thức rằng: tỉnh thức là thể hiện niềm tin Chúa sẽ đến, là biểu lộ lòng yêu mến chờ đợi Chúa, là trung tín với những gì Chúa giao phó và khôn ngoan làm sinh lợi cho sự nghiệp của Chúa…. để khi Chúa đến chúng con sẵn sàng cùng với Chúa bước vào quê trời vinh hiển. Amen.

 

 

THỨ TƯ TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN 

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 12,39-48

Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến."

Bấy giờ ông Phê-rô hỏi: "Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người? " Chúa đáp: "Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình.Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: "Chủ ta còn lâu mới về", và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.

"Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.

 

II. SUY NIỆM

Tin mừng hôm nay nhắc nhở mọi người muốn được hưởng ơn cứu độ của Đức Giê-su thì cần có thái độ TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG:

 - Như người chủ nhà có trách nhiệm : Một người chủ nhà có tinh thần trách nhiệm sẽ luôn canh thức để tránh cho trộm khỏi đến đào ngạch khoét vách nhà mình. Một người làm việc có tinh thần trách nhiệm cao sẽ được hưởng hoa trái là hạnh phúc và sự bình an trong tâm hồn như người ta thường nói: “Cẩn tắc vô ưu”.

Như người quản gia trung tín: Sự trung tín khôn ngoan được biểu lộ qua việc anh quản gia luôn chu toàn công việc bổn phận là cứ đúng giờ cấp phát lương thực cho gia nhân.

-   Như người đầy tớ khôn ngoan: Tỉnh thức không phải là không ngủ, nhưng là ngủ trong tình trạng tỉnh thức, giống như người đầy tớ trung tín đợi chủ đi ăn cưới về vào bất cứ giờ nào trong đêm để khi chủ về gõ cửa là mở ngay.

- Như một sự biểu lộ niềm tin: Nghĩa là tin chắc chủ sẽ về và thao thức chờ đợi, tin chủ sẽ ân thưởng cho tôi tớ trung thành.

- Như một tâm tình yêu mến: Người đầy tớ trung tín, quán xuyến việc nhà khi chủ đi vắng, tận tâm chu đáo trong bổn phận hằng ngày. Anh ta làm việc tích cực y như có chủ ở nhà vậy, ta thấy hành vi này xuất phát từ Tình yêu đối với chủ. Anh ta xem việc của chủ như là việc của anh và đã cố gắng chu toàn.

 

Khi lãnh nhận Bí Tích rửa tội, chúng ta được Chúa trao ban quản lý ân huệ của Chúa trên cuộc đời chúng ta. Chúa cũng trao ban cho chúng ta những ân huệ đặc biệt kèm theo khi chúng ta nắm giữ một chức vụ phục vụ nào. Chúa còn ban cho chúng ta sức khoẻ, thời giờ, cơ hội, hoàn cảnh để phục vụ và làm sinh lợi cho Chúa. Khi chúng ta chu toàn việc bổn phận với hết khả năng Chúa ban thì chúng ta đang là người quản lý tốt.

Tỉnh thức là thể hiện niềm tin Chúa sẽ đến, là biểu lộ lòng yêu mến chờ đợi Chúa, là trung tín với những gì Chúa giao phó và khôn ngoan làm sinh lợi cho sự nghiệp của Chúa.

Sự tỉnh thức đích thực là chu toàn bổn phận của mình. Với một tinh thần trách nhiệm và với một tinh thần phục vụ quên mình…

 

Lạy Chúa Giêsu,

Xin cho mọi Kitô hữu chúng con luôn dấn thân vào mọi ngõ ngách cuộc đời và làm chứng cho Tin Mừng khi sống chu toàn bổn phận, sống hết trách nhiệm với tha nhân và trong tinh thần phục vụ quên mình. Amen.

 

 

THỨ NĂM TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN 

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 12, 49-53

"Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!

"Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng."

 

II. SUY NIỆM

Sự xuất hiện của Chúa Giêsu đã làm lộ ra những vết đen trong đời sống con người bằng ánh sáng Lời Chúa. Ánh sáng ấy làm chói mắt những kẻ quen bóng tối và chỉ muốn an thân, nhưng ánh sáng ấy lại cần thiết để khởi sự việc thăng tiến con người. Nhờ đó,con người thấy chỗ sai của mình. Mà có biết sai thì mới biết sửa sai cho đúng.

Đó chính nội dung sứ điệp bài Tin Mừng hôm nay nhắm tới, khi Chúa Giê-su khẳng định sứ mạng của Người là đem lửa đến thế gian và tạo nên một sự đối kháng giữa những người chọn Chúa và những người theo thế tục.

 

1. Sứ mạng của Chúa Giêsu

- Đem lửa xuống trần gian và mong lửa cháy bùng lên.

Theo Thánh Kinh, lửa ở đây có thể hiểu là: 

* Sự phán xét, 

* Thần Khí, 

* Đức Tin, 

* Lòng Mến.

 

- Sự phán xét: Sự xuất hiện của Đức Giêsu tự bản chất nói lên một sự phán xét thế giới giữa công và tội, giữa thiện và ác. Điều này cũng nói lên việc thanh luyện những kẻ hiếu trung với Chúa (x. Lv 10,2 và Lc 3,9). 

- Thần Khí: Thánh hoá và ban sức mạnh cho môn đệ cũng như mọi tín hữu, để họ mạnh dạn rao giảng Tin Mừng (x. Cv 2,3-19). 

- Đức Tin: Ngọn lửa Đức Tin cần được thắp lên trong mọi người và chiếu sáng trước mặt thiên hạ.

- Lòng Mến: Ngọn lửa yêu mến hay lửa tình yêu, đó là Tình Yêu nơi Thánh Tâm Chúa được trào tràn trên chúng ta và từ đó chúng ta cũng biết sống yêu thương bác ái với mọi người
Tóm lại: Chúa mong cho ngọn lửa Thần Khí, Đức Tin và lòng yêu mến được lan toả trên trần gian.

 

-  Phép rửa Chúa Giêsu chịu.

Phép Rửa mà Chúa phải chịu và những mong hoàn tất, chính là Cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu, vì đây là đỉnh cao của sứ mạng cứu độ. Mọi người tín hữu chúng ta khi chịu Phép Rửa Tội là được dìm mình trong sự chết của Đức Kitô, có nghĩa là phải chết đi cho tội lỗi, để cùng với Đức Kitô mặc lấy con người mới – con người Phục Sinh. Nghĩa là bỏ đi mọi hành vi tội lỗi và sống cuộc đời công chính.

 

2. Sự chọn lựa của người môn đệ theo Chúa

"Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ…” 

Nghe có vẻ ngược đời, vì từ ngày truyền tin, Thiên Thần Chúa ca hát: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, bình an ở đây là sự bình an nội tâm và những người thiện tâm thì luôn tìm được bình an nội tâm nơi Chúa. Còn sự chia rẽ ở đây nói lên một sự lựa chọn cho người môn đệ. Những ai dám sống và hành động theo con đường Chúa Giêsu, thì thường bị người đời coi là dại dột, là ngu xuẩn, là điên rồ, thậm chí còn bị ghen ghét hoặc bị bách hại đủ kiểu. 

Môn đệ phải sẵn sàng chia sẻ sự đau khổ mà Chúa Giêsu phải chịu. Vì thực tế sẽ có sự chia rẽ từ trong các gia đình: trong cùng một nhà mà có những người tin Chúa và có kẻ lại không tin. Nhưng ai bền đỗ đến cùng thì sẽ được ơn cứu độ

Sự giằng co chia rẽ xảy ra trong nội tâm từng người, đồng thời cũng trong cả tập thể xã hội. Có những người sẽ đứng lên chống báng một sự cứu rỗi mà họ cho là tiêu cực, là hạ đẳng, là ‘thuốc phiện của quần chúng’. Tin Mừng do đó không cho phép tồn tại một sự yên ổn bình thân.

Hoà bình theo đường lối Đức Giêsu là sự hiệp nhất có được do mọi người thuận theo thánh ý duy nhất của Chúa. Để có được thứ hoà bình này, con người phải can đảm cùng bước ra khỏi bóng tối sự dữ để đến với anh em, dám dứt khoát nói “không” với cám dỗ, dám lội ngược dòng với khuynh hướng thấp hèn. Đức Giêsu đến như ngọn lửa tạo ra vùng trời ánh sáng đó cho ta.

 

Lạy Chúa Giêsu,

Để theo Chúa, chúng con bị giằng co giữa tin hay không tin, chọn Chúa hay chọn thế gian, chọn hy sinh từ bỏ hay thoả hiệp tình cảm, thú vui, danh vọng và quyền lực. Xin giúp chúng con sẵn sàng vượt lên và thậm chí trên cả tình cảm gia đình ruột thịt để dứt khóat chọn Chúa và bước theo Người. Amen.

 

 

THỨ SÁU TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN
 
I. ĐỌC TIN MỪNG:  Lc 12,54-59

Đức Giê-su cũng nói với đám đông rằng: "Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay: "Mưa đến nơi rồi", và xảy ra đúng như vậy. Khi thấy gió nồm thổi, các người nói: "Trời sẽ oi bức", và xảy ra đúng như vậy. Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?

"Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải? Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục. Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng."

 

II.  SUY NIỆM

Khác với ngày nay với máy móc hiện đại về khí tượng thuỷ văn, có thể dự báo trước về thời tiết và phát hiện được những cơn bão từ xa mà phòng tránh; người xưa thì đúc rút những kinh nghiệm xảy ra, từ đó đoán biết những hiện tượng thiên nhiên sắp xảy đến, như:

“Ráng vàng thì nắng, ráng trắng thì mưa. 

Mỡ gà thì gió, mỡ chó thì mưa.

Trăng quầng trời hạn, trăng tán trời mưa.

Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa…”

 

Vùng Trung Cận Đông vốn nổi tiếng về Thiên Văn Học để biết về thời đại, hoặc mùa trăng thuận tiện cho việc di trú hay gieo hạt. Dân Do Thái thời Chúa Giêsu vốn từ du mục qua định cư, họ có nhiều kinh nghiệm về đoán biết thời tiết, như:

Mây kéo lên phía tây, mưa đến ngay tức khắc.

Khi gió nồm thổi tới, trời oi bức bắt đầu.

 

Chúa Giêsu trách những người Do Thái giỏi đoán biết về hiện tượng thiên nhiên, để phòng tránh hay đón mùa, nhưng lại không nhận ra những lời nói và việc Chúa Giêsu làm để đón nhận đó chính là dấu chỉ của Đấng Messia, và để canh tân đời sống.

Giáo Lý Công Giáo dạy rằng chúng ta có thể biết có Thiên Chúa hiện hữu khi nhìn ngắm trời đất muôn vật và trật tự lạ lùng trong vũ trụ. Thật vậy, thiên nhiên chính là lời mạc khải về sự hiện hữu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn đang nói với chúng ta qua các dấu chỉ thời đại, từ hiện tượng thiên nhiên đến các biến cố trong cuộc đời. Ngài vẫn hằng tha thiết kêu mời chúng ta hãy nhận ra sứ điệp của Chúa để canh tân đời sống và trở về hoà giải với Chúa và anh em.

 

Hãy giải quyết với nhau khi còn dọc đường, đừng để khi đến toà rồi thì đã muộn. Cùng trong một ý tưởng trên, Chúa Giêsu nhắn nhủ chúng ta, bao lâu chúng ta còn thời giờ (trong thời đại chúng ta đang sống), hãy lo giao hoà với Chúa, với anh em và lo canh tân đời sống, đừng để khi phải ra trước toà chung thẩm, chúng ta không còn cơ hội để sửa sai nữa, và chúng ta sẽ phải đền trả nơi luyện tội cho tới khi đủ số đủ ngày (đồng kẽm cuối cùng).

 

Lạy Chúa Giê-su,

Xin cho chúng con biết tỉnh thức trước những dấu chỉ của thời đại, nhận ra Chúa hiện diện trong mọi biến cố của cuộc sống và trong tha nhân ; xin cũng giúp chúng con biết giao hòa với Chúa và anh em, để trong ngày chung thẩm, chúng con được Chúa ân thưởng hạnh phúc muôn đời. Amen.

 

 

THỨ BẢY TUẦN TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN 

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 13,1-9

Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.Đức Giê-su đáp lại rằng: "Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy."

Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: "Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: "Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? Nhưng người làm vườn đáp: "Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi."

 

II. SUY NIỆM

Có người kể lại cho Chúa Giêsu nghe về việc mấy người bị Philatô tàn sát và chuyện mấy người bị thác Silôac đè chết, Chúa Giêsu dựa vào hai biến cố có tính cách thời sự này để hối thúc mọi người sám hối. Đồng thời kể cho họ dụ ngôn về cây vả để nói lên lòng nhân từ và kiên nhẫn củaThiên Chúa, chờ đợi đời sống chúng ta sinh hoa trái:

 

1. Bài học về các biến cố trong cuộc sống. 

Quan niệm của người Do Thái là những tai ương bệnh tật xảy đến cho ai là do đương sự hoặc cha ông người đó tội lỗi. 

Từ đó họ so sánh về ai công chính hơn ai. Chúa Giêsu biết rõ lòng dạ con người chứ không dừng lại ở một số các biểu hiện bên ngoài, nên đã cảnh tỉnh họ: “Các ông đừng có tưởng là những người đó có tội hơn các ông sao…? Nếu các ông không sám hối thì cũng sẽ chết hết như vậy”

Qua đó, Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta: Đứng trước một biến cố xảy đến, chúng ta hãy xem đó là một điều cảnh tỉnh chúng ta rằng ai cũng là tội nhân, nên cần ăn năn sám hối. Hãy coi đó như là những bài học cho phần rỗi của mình và tha nhân, chứ đừng vội vàng xét đoán khi người khác gặp những biến cố không may mắn là do họ đáng phạt. Đức bác ái dạy ta phải “vui với người vui, khóc với người khóc”, chứ không luận tội, kết án người anh em dù họ có những biểu hiện sai lỗi bên ngoài.

 

2. Thiên Chúa công bình, nhưng nhân từ và kiên nhẫn chờ đợi.

Để minh hoạ cho giáo huấn trên với người Do Thái, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn cây vả không sinh hoa trái. Thật vậy, sở dĩ chưa đến lượt họ, không phải vì họ công chính hơn những người bị chết kia, mà là Thiên Chúa đang kiên nhẫn chờ đợi họ sám hối.

Hình ảnh một Thiên Chúa như ông chủ vườn, đến tìm trái cây vả vô dụng (một người tội lỗi không sinh hoa trái), muốn chặt bỏ đi khỏi hoang phí đất. Chúa Giêsu như người làm vườn, cầu xin ông chủ là Thiên Chúa Cha gia hạn, để dùng ơn cứu độ của Người qua các bí tích, mà vun xới bón tưới cho cây vả (là người tội lỗi) sinh hoa trái. Điều này cho thấy, đời sống của chúng ta, không nhiều thì ít, mỗi người cũng có những lầm lỗi với Chúa và tha nhân. Tâm hồn chúng ta như cây vả không biết sinh hoa kết trái thiêng liêng. Thiên Chúa rất nhân từ, kiên nhẫn chờ đợi chúng ta sám hối trở về với Người, sinh hoa trái bằng những công phúc việc lành.

 

Lạy Chúa Giê-su,

Xin cho mỗi người chúng con thay vì lo đánh giá những rủi ro xảy đến cho người khác, mà biết luôn nhìn nhận chính con người đầy yếu đuối tội lỗi của mình và cần đến lòng thương xót Chúa, để rồi, dù điều gì xảy đến, chúng con luôn sẵn sàng thuận theo ý Chúa. Amen.

 

Lm. Hiền Lâm

 

Thiết kế Web : Châu Á