Bài giảng

Các bài chia sẻ TM TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN, 2018 (Hiền Lâm)

Đối với Chúa Giêsu, quan niệm về những đòi hỏi của Thiên Chúa được thể hiện lớn nhất bằng luật yêu thương. Ngài xem giữ luật là một cảm nghiệm sống ở trong lòng, một biểu hiện liên đới, nhân từ với tấm lòng trong sạch và đời sống yêu thương. Những điều đó vượt trên hình thức giữ luật khác.

 

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN, B Hình ảnh có liên quan

THỨ HAI TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN

THỨ BA TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN

THỨ TƯ TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN

THỨ NĂM TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN

THỨ SÁU TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN

 

THỨ BẢY TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN

Ngày 8/9: Sinh nhật Đức Mẹ. Lễ trọng

 

 Các bài chia sẻ: Lm. Hiền Lâm

 

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh xuân, gif

 

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊNNăm B

 

+ ĐỌC TIN MỪNG:  Mc 7,1-8.14-15.21-23

Có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến. Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su: "Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa? " Người trả lời họ: "Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng:

Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng,

còn lòng chúng thì lại xa Ta.

Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích,

vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.

Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm."Sau đó, Đức Giê-su lại gọi đám đông tới mà bảo: "Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.

Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế."

 

+ SUY NIỆM

"TẬP TỤC và GIỚI RĂN"

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta, không thể có một sự thỏa hiệp nào giữa hai quan niệm luật hình thức và luật yêu thương; không thể san bằng nghi thức bên ngoài với lệnh truyền của Chúa; không dùng tập tục con người để trốn tránh giới răn Thiên Chúa. Tuân giữ lề luật không phải câu nệ theo mặt chữ, mà với cả lòng yêu mến và bác ái với mọi người. Vì quá câu nệ luật nên người Pharisiêu lẫn lộn cái chính yếu với cái phụ tùy, quá chú trọng đến cái phụ tuỳ bên ngoài mà đánh mất cái chính yếu bên trong là đức công bằng. Lo rửa tay rửa chén đĩa cho sạch, mà tâm hồn thì nhơ uế đầy gian tà cướp bóc, an tâm với những việc giữ luật bề ngoài mà không màng tới tinh thần. Đó là lối sống đóng kịch và khoe khoang khi muốn tỏ ra cho những người xung quanh thấy những việc làm của họ để được ca tụng. 

 

* Vấn đề tập tục và giới răn

Việc rửa tay trước khi ăn là một thói quen tốt giúp an toàn vệ sinh, nó như là một nét văn hoá được các giáo viên mầm non tập cho trẻ từ thuở bé. Và ở nhiều nơi trên thế giới, việc rửa tay trước khi ăn đã trở thành một tập tục, thậm chí như là một điều buộc phải làm để giữ gìn vệ sinh. Tuy nhiên, đối với các Pharisiêu thì nó được giải thích như là một điều luật và là một nghi thức tôn giáo để đánh giá con người trong sạch hay dơ bẩn.

Người Biệt Phái thắc mắc vì một số môn đệ Chúa Giêsu không rửa tay trước khi ăn. Họ thắc mắc không vì việc Chúa Giêsu không giữ an toàn vệ sinh ăn uống, mà là cho rằng việc Chúa lỗi luật và vi phạm nghi thức tôn giáo truyền thống  về việc sạch dơ.

Chúa Giêsu không phải lên án việc rửa tay cũng như rửa chén đĩa hay những thứ đồ vật khác trước khi ăn, nhưng Người muốn nhân cơ hội để dạy cho các ông Pha-ri-sêu một bài học quan trọng hơn - một sự trong sạch đích thực là sự trong sạch cho tâm hồn, chứ không phải cái mã bề ngoài.

Đối với Chúa Giêsu, quan niệm về những đòi hỏi của Thiên Chúa được thể hiện lớn nhất bằng luật yêu thương. Ngài xem giữ luật là một cảm nghiệm sống ở trong lòng, một biểu hiện liên đới, nhân từ với tấm lòng trong sạch và đời sống yêu thương. Những điều đó vượt trên hình thứcgiữ luật khác.

 

* Sự trong sạch thể xác và tâm hồn.

 Có vẻ như lời lên án của Chúa Giêsu về chuyện sạch- dơ chẳng ăn khớp gì với nhau, bởi khi nói cái đi vào thân thể con người là thực phẩm ăn uống và cái xuất ra từ con người lại nói đến tư tưởng. Đó là hai phạm trù khác nhau giữa vật chất và tinh thần. Thật ra, Chúa Giêsu dùng chính cái lối quan niệm sai lầm về tập tục của Do-thái để tranh luận với họ. Họ coi những chuyện ăn uống đồ ăn vật chất lại làm cho tâm hồn thuộc tinh thần ra dơ uế hoặc thanh sạch.

Chuyện đồ ăn thức uống hằng ngày chỉ là nhu cầu nuôi sống thể xác, nhưng đã bị các kinh sư đẩy lên thành một thứ luật lệ và thậm chí đặt nó thành định chế tôn giáo. Họ phân định ra những thức ăn nào là dơ và thức ăn nào là sạch, thức ăn nào bị cấm và thức ăn nào được ăn, thức ăn nào thành tội và thức ăn nào là thánh…

Chúa Giêsu không đồng tình với cách phân biệt này, Người khẳng địnhmọi thức ăn đều sạch, chỉ có lòng người mới là nguồn gốc của sự ô uế.

Đành rằng có thể có những đồ ăn thức uống có thể làm ảnh hưởng đến sức khoẻ vì có độc hoặc không đảm bảo vệ sinh, nhưng chắc chắn không có thứ thực phẩm nào làm cho tâm hồn ra ô uế được. Sự ô uế của tâm hồn chỉ xảy đến từ những tư tưởng xấu và những hành động xấu mà Chúa Giêsu đã liệt kê ra hôm nay: “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế." (Mc 7,21-23). 

     

Lời Chúa Giêsu nói với người Pha-ri-sêu cũng là lời cảnh tỉnh cho con người thuộc mọi thời đại. Bên ngoài người ta có thể là những người rất đạo mạo, lịch sự, danh giá, chức quyền, sang trọng, nhưng bên trong lại chất chứa đầy sự tham lam độc ác “đầy những chuyện cướp bóc, gian tà”. Bên ngoài đẹp như hàng Nhật, nhưng bên trong thì là linh kiện rởm của Trung Quốc. Nhiều người chúng ta ưa tô điểm cho vẻ bề ngoài của mình để được nổi trội, kể cả việc làm phúc bố thí, nhưng bên trong đầy những mưu mô ngầm ý về danh tiếng và danh vọng. 

Vì thế, Chúa mời gọi chúng ta trong khi lo trang điểm cho mình vẻ đẹp bề ngoài, thì cũng lo trang sức cho tâm hồn những nhân đức thánh thiện, lo cải hoá đời sống để được đổi mới trong mọi sự. Sống đạo với nghi lễ, làm đủ việc đủ giờ mà thôi thì chưa đủ, nhưng phải có tâm tình bên trong, và trong đời sống thường ngày, phải tỏ hiện lòng yêu mến Thiên Chúa và bác ái với mọi người.

 

Lạy Chúa, xin cho chúng con trong khi biết lo làm đẹp bề ngoài, thì cũng lo cho linh hồn mình nên trong sạch trước mặt Thiên Chúa. Amen

 

 

THỨ HAI TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Lc 4, 16-30

Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.

 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe." Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.

Người nói với họ: "Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào! " Người nói tiếp: "Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.

"Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en;26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi."

 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

 

+ SUY NIỆM

Bài Tin Mừng này được coi là bản văn Khai Mạc Năm Thánh đầu tiên của Chúa Giêsu, khai mở một NĂM HỒNG ÂN, mà trong năm hồng ân này, Chúa Giêsu mở ra một kỷ nguyên mới của ơn cứu độ là:

-Tin Mừng được loan báo cho kẻ nghèo hèn,

-Giải thoát cho kẻ giam cầm,

-Chữa lành mắt cho người mù,

-Trả tự do cho người bị áp bức.

Và đặc biệt là “người tôi tớ” được xức dầu Thánh Thần và sai đi loan báo Tin Mừng. Rao giảng Tin Mừng không phải là một đặc quyền dành cho riêng ai, nhưng là tất cả mọi người khi đã được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức (chức tư tế cộng đồng), cùng với những mục tử qua Bí Tích Truyền Chức (chức tư tế thừa tác). Tất cả đều được Thần Khí Chúa sai đi loan báo Tin Mừng trong phận  vụ riêng của mình, mà Tin Mừng đó là đem Chúa đến cho hết mọi người, nâng đỡ kẻ nghèo hèn, giải thoát cho người đang bị trói buộc trong tội lỗi, xoá tan hận thù chia rẽ chiến tranh… Tất cả những điều đó được thành tựu tiên vàn nhờ đến sức mạnh của Lời Chúa.

 

* Sự cao cả của Lời Chúa

“Mọi người tán thành lời hay ý đẹp Chúa Giêsu đã nói”. Khác với lời hay ý đẹp trong các danh ngôn, vì các danh ngôn chỉ là những lời phàm trần, chỉ dừng lại ở mức kinh nghiệm sống và giúp người ta tập tành theo một mức độ nhất định. Trong khi lời phát ra từ miệng Chúa Giêsu, là Lời Thiên Chúa, là Tin Mừng, lời này có sức biến đổi, thánh hoá và cứu độ con người.

Lời Chúa vừa hiện sinh nhưng cũng rất mầu nhiệm, vừa đơn giản nhưng cũng rất phong phú. Có thể nói, trong Lời Chúa mọi điều căn bản nhất cho đời người đếu có, đều đúng cho mọi trường hợp và thích hợp cho mọi cảm nhận riêng tư nhất của từng người.

Giống như một lễ Ngũ Tuần nối dài trong cuộc đời Kitô hữu, vì ngày xưa các Tông Đồ nói một thứ tiếng mà nhiều người tuy ngôn ngữ bất đồng cũng đều hiểu cả, thì ngày nay cũng một đoạn Tin Mừng được công bố, mà mọi tín hữu bá nhân bá tánh, khác biệt cả về tri thức và nhận thức, khác biệt nhau về hoàn cảnh sống và tình trạng tâm hồn, nhưng ai cũng thấy Lời Chúa nói riêng với mình và đúng với hoàn cảnh của mình ngày hôm ấy. Chỉ tiếc là có nhiều bạn trẻ Công Giáo hôm nay, khi nói đến các minh tinh màn bạc hay ca sĩ “topten” thì trả lời “răm rắp”, nhưng hỏi đến các nhân vật Thánh Kinh thì trả lời “lắp bắp”. Những người như thế chắc chắn chưa dành cho Lời Chúa ưu tiên trong khoa học thánh mà Kitô hữu phải học và sống. Khi đánh mất sự mộ mến Lời Chúa thì Lời Chúa không còn là “bí tích” giúp ta sống cùng Chúa và tha nhân nữa.

Sự cao cả của Lời Chúa làm cho mọi người thán phục và có sức biến đổi, nhưng đôi khi chính sự kiêu ngạo và thành kiến đã làm cản trở Lời Chúa không thể sinh hoa kết quả được, như trường hợp của những người thuộc quê hương Đức Giêsu:

 

* Ngôn sứ thường bị rẻ rúng tại quê hương.

Những người ở quê hương Chúa Giêsu trong cái nhìn đầy thành kiến, vì họ biết quá rõ nguồn gốc nhân loại của Người, là con một bác thợ mộc Giuse nghèo nàn ở Nazareth, học hành chỉ ở trường làng, nhất là trong thâm tâm họ, Đấng “Kitô” phải là con cái trong hoàng tộc, sống nơi thành phố hoa lệ và được học hành nơi các bậc thầy danh giá… Chính vì thế, khi thấy Chúa Giêsu nổi tiếng giảng dạy thì bắt đầu họ gièm pha chê bai.

Đây cũng là một thực trạng nơi mỗi quê hương chúng ta, chúng ta thường khinh miệt, yên trí và gièm pha những người con nơi quê hương chúng ta thành công trở về, vì trong chúng ta luôn bị cái tính thành kiến cha này, thầy nọ, soeur kia con ông này bà nọ không ra gì… Ngược lại, một vị nào đó từ nơi khác đến, dù xét về tài năng, về đạo đức, về giảng dạy đôi khi còn thua kém xa một người trong quê hương, thì chúng ta lại rất hồ hởi tung hô vì chúng ta không yên trí – thành kiến gì về họ.

Nhưng đó là một thực trạng mà Chúa Giêsu từng trải qua, thì những người môn đệ của Người cũng thế, hãy biết vui vẻ chấp nhận. Là cha, là thầy, là dì, là Giáo Lý Viên hay các cử nhân đại học... chúng ta hãy vui vẻ chấp nhận và luyện tập đức khiêm tốn…

Lại nữa, “gần chùa kêu bụt bằng anh”, khi người Nazareth quá gần gũi nên đã sinh ra lơ là và coi thường. Chúng ta cũng thế, thích đi hành hương nơi này, cầu xin nơi nọ, nhưng ngay nơi giáo xứ mình, chúng ta lại bê trễ việc đến gặp Chúa trong các Thánh Lễ và Giờ Kinh…

 

Lạy Chúa Giêsu, trò không thể hơn thầy, nhưng nếu được bằng thầy thì đã là có phúc. Xin cho chúng con, nếu có phải nếm trải những sự thành kiến, kỳ thị và ghen ghét mà Chúa đã từng trải qua, thì cũng biết vui vẻ khiêm tốn đón nhận, để trong tất cả mọi sự Chúa được vinh danh. Amen.

 

 

THỨ BA TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN

 

+  ĐỌC TIN MỪNG: Lc 4,31-37

Chúa Giêsu xuống Ca-phác-na-um, một thành miền Ga-li-lê, và ngày sa-bát, Người giảng dạy dân chúng. Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền.

Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng:"Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa! "Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này! " Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: "Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất! " Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng.

 

+  SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay minh chứng sức thuyết phục của Lời Chúa, và sức mạnh của Lời có sức chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ ra khỏi con người.

Có hai ý chính để suy niệm:

 

 * Tin, biết và yêu.

Tôi biết anh A chị B, nhưng chắc gì tôi đã yêu mến họ, tôi tin có ông này bà nọ hiện hữu, nhưng chắc gì tôi yêu thích họ và tìm đến gặp họ?

Cũng vậy, người Do Thái biết rất rõ về nguồn gốc Chúa Giêsu và họ rất thông thạo Thánh Kinh nói về Người, nhưng họ không tin và không yêu mến… Ma quỷ cũng biết khi kêu lên: “Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa! "

Ma quỷ tin có Chúa Giêsu hiện diện, nó biết rất đúng về Chúa Giêsu, thậm chí còn tuyên xưng Ngài giữa đám đông, nhưng liệu nó có yêu Ngài không? Thưa không.

Chúng ta cũng cần tự vấn về mình, chúng ta vẫn cho rằng mình tin có Chúa, chúng ta tin Chúa Giêsu ngự trong Bí Tích Thánh Thể… nhưng liệu chúng ta có yêu mến Ngài thật không? Tin là một chuyện, nhưng có yêu mến hay không lại là một chuyện khác.

Chúng ta tự hào là biết Thiên Chúa, qua học hỏi, qua nghiên cứu, qua những khảo luận thần học, chúng ta thậm chí tự hào về kiến thức đầy mình về Thiên Chúa, nhưng có bao giờ chúng ta cầu nguyện tâm sự với Ngài không? Có đến viếng Thánh Thể không?

 

* Uy quyền của LỜI.

Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: "Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!"

Lời Chúa có một uy quyền đặc biệt là xua trừ được ma quỷ ra khỏi con người, chữa lành bệnh tật linh hồn và biến đổi nên con người mới trong Chúa Kitô.

Chính Chúa Giêsu trong khi vào sa mạc chịu cám dỗ, Người cùng dùng Thánh Kinh để chống trả ma quỷ và Người đã chiến thắng.

Tự vấn lại chính mình, chúng ta có yêu mến Lời Chúa, và dùng Lời Chúa để chống lại những cám dỗ và thói quen, đam mê và ước muốn xấu không?

Lời Chúa có quyền năng xua trừ thế lực ma quỷ đang ngày đêm rình rập xui khiến chúng ta phạm tội, vì thế mong mọi người biết năng đọc và suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày.

Lời Chúa con có sức thánh hoá và tăng sức mạnh cho đời sống thiêng liêng của chúng ta, vì thế, nếu chúng ta biết yêu mến, đọc, suy niệm và cầu nguyện bằng Lời Chúa mỗi ngày, thì Lời Chúa sẽ biến đổi chúng ta ngày một nên hoàn thiện.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con không chỉ biết Chúa bằng lý thuyết, mà còn biết kết hiệp với Ngài bằng cả con tim yêu mến, và sự yêu mến Chúa trước hết được thể hiện bằng việc chuyên chăm lắng nghe và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày. Amen.

 

 

THỨ TƯ TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Lc 4, 38-44

 Đức Giê-su rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Si-môn. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Si-môn đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà. Đức Giê-su cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài.

 Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ. Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: "Ông là Con Thiên Chúa! " Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Đấng Ki-tô.

Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Đám đông tìm Người, đến tận nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi. Nhưng Người nói với họ: "Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó." Và Người rao giảng trong các hội đường miền Giu-đê.

 

+ SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục kể về một ngày cuối tuần, lịch sống và làm việc Chúa Giêsu: Sau khi đã giảng một bài làm cho dân chúng nức lòng ca ngợi trong hội đường Caphanaum, trưa Chúa Giêsu ghé nhà học trò chữa lành bà nhạc của trò Phêrô, chiều tối làm bác sĩ đa khoa, mờ sáng ngày tới đi cầu nguyện.

Chúng ta cùng dừng lại suy niệm ba điểm sau đây:

 

* Chữa lành.

Khác với những tường thuật khác, Chúa Giêsu thường đòi hỏi một sự van xin khẩn thiết hoặc một lời tuyên xưng đức tin thì Người mới ra tay chữa bệnh, nhưng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu chỉ cầm lấy tay bệnh nhân, hoặc đặt tay lên họ để chữa bệnh mà không nói gì cả. Có lẽ đây là lần duy nhất thánh Phêrô về tham bà mẹ vợ được Tin Mừng nói đến, thiết nghĩ có lẽ Phêrô đã mời Chúa Giêsu ghé nhà bà nhạc nghỉ chân sau những ngày vất vả. Chúa đã cúi xuống, cầm tay và chữa lành bệnh cảm sốt cho bà mẹ vợ Phêrô.

Hành động này nói lên ý nghĩa, chúng ta chỉ thực sự được lành sạch bệnh linh hồn, khi mời Chúa đến ghé thăm tâm hồn ta, Chúa đã không ngại cúi xuống thì ta cũng hãy đưa tay cho Người nắm lấy và nâng chúng ta đứng dậy khỏi sự khốn cùng mà tội lỗi đang đè nặng trên chúng ta.

Mọi người đã đem đến cho Chúa Giêsu đủ loại bệnh nhân và Người đã đặt tay chữa lành họ. Cũng vậy, Chúa sẽ không thể chữa lành chúng ta nếu chúng ta không chạy đến với Người, Chúa cũng không thể tha thứ tội lỗi và chữa lành thương tích trong linh hồn chúng ta nếu chúng ta không chịu đem hết mọi tội lỗi đi xưng thú qua bí tích Hoà Giải. Hãy để cho Chúa đặt tay trên chúng ta, nghĩa là để cho Chúa đụng chạm thật sự vào linh hồn chúng ta, để chúng ta được thánh hoá.

 

* Cầu nguyện

Nhiều lần các Tin Mừng kể về việc Chúa Giêsu cầu nguyện, chẳng hạn như: "Sau khi giải tán đám đông, Người đi lên núi mà cầu nguyện, chiều đến Ngài vẫn ở đó một mình" (Mt 14,23). "Sáng sớm lúc trời còn tối mịt, Người đã thức dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó" (Mc 1,35). "Sau khi bảo các môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia về thành Betsaida trước, Người ở lại giải tán đám đông rồi một mình lên núi cầu nguyện" (Mc 6,45-46)…

Chúng ta để ý đến hai chi tiết: sáng sớm thức dậy Chúa Giêsu đi cầu nguyện và chiều đến sau khi giải tán đám đông, Chúa Giêsu đi cầu nguyện.

Cầu nguyện đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống Kitô hữu. Mọi người có thể cầu nguyện mọi lúc mọi nơi với nhiều phương cách. Tuy nhiên, nơi mỗi xứ đạo chúng ta từ xưa đến nay vẫn giữ được thói quen tốt là đến nhà thờ vào lúc khởi đầu và kết thúc mỗi ngày.

Tốt đẹp biết bao khi mọi Kitô hữu chúng ta luôn giống Chúa Giêsu, để rồi:

-      Vừa tảng sáng, chúng ta đã đến nhà thờ để cầu nguyện và tham dự Thánh Lễ để cầu xin Chúa hướng dẫn, bổ sức và đồng hành với chúng ta bắt đầu một ngày sống tốt lành.

-      Tối đến, lại đến nhà thờ để đọc kinh tạ ơn Chúa về một ngày đã qua, xin Chúa thứ tha những thiếu sót, xin Chúa chúc lành và gìn giữ cho một giấc ngủ bình an.

 

* Rao giảng.

 "Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó." 

Rao giảng Tin Mừng luôn là một việc cấp bách và liên tục, không dừng lại ở một nơi hay một nhóm ngươi nhất định, mà phải từ nơi này đến nơi khác, cho bất cứ ai chúng ta gặp gỡ và đi đến. Cần ý thức sứ vụ của tất cả Kitô hữu chúng ta là truyền giáo, truyền giáo trong cả lời nói và hành động thiết thực qua đời sống yêu thương, bác ái và xả thân phục vụ…

 

Lạy Chúa Giêsu, khi nhìn lại một ngày sống của Ngài là rao giảng, phục vụ và cầu nguyện. Xin cho mỗi một ngày sống của mỗi Kitô hữu chúng con cũng hoạ lại ngày sống của Chúa, để trong mọi sự chúng con sống dưới sự hiện diện của Ngài và làm chứng cho Ngài. Amen.

 

 

THỨ NĂM TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN

 

+  ĐỌC TIN MỪNG: Lc 5, 1-11

Một hôm, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.

Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: "Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá." Ông Si-môn đáp: "Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới." Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.

Thấy vậy, ông Si-môn Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi! " Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta." Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.

 

+ SUY NIỆM

Rao giảng Tin Mừng không phải là một kinh nghiệm cá nhân, nhưng do bởi sự hướng dẫn của Chúa, nghĩa là “vâng lời Thầy” chúng ta ra đi, và dám đi đến những chỗ nước sâu xa bờ, mới mong cứu vớt được nhiều linh hồn về cho Chúa. “Chèo ra chỗ sâu mà thả lưới bắt cá” là can đảm đối diện với cuộc đời và với những khó khăn phía trước để truyền bá Tin Mừng.

 

* Chèo thuyền ra chỗ sâu mà thả lưới.

-  “Chèo ra chỗ sâu mà thả lưới bắt cá”, nghĩa là ra khơi, tiến tới nơi nguy hiểm. Trong một số huấn từ Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã mời gọi toàn thể Giáo Hội đừng ngần ngại “tiến ra chỗ nước sâu” để đối thoại với thế giới, để gặp gỡ con người thời đại và giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người.

-  “Chèo ra chỗ sâu mà thả lưới bắt cá”. Cá nhỏ ở thường ở theo bờ, cá lớn thì ở chỗ nước sâu, muốn thả lưới ở chỗ nước sâu phải ra khơi mà ra khơi thì nguy hiểm, vì thường gặp sóng to gió lớn. Nên ra khơi đòi người thả lưới bắt cá phải can đảm, phải dấn thân. Có “dấn thân” và “yêu nghề” thì người thả lưới mới luôn năng động, biết biến đổi hoàn cảnh và tận dụng mọi thời cơ, biết rút tỉa kinh nghiệm và luôn học hỏi để nâng cao tay nghề cho khả năng làm việc của mình hữu hiệu hơn, biết tận dụng mọi phương tiện cần thiết đúng nơi và đúng lúc, biết khai thác những thuận lợi và tìm cách tháo gỡ những khó khăn trong môi trường làm việc của mình. 

-  “Chèo ra chỗ sâu mà thả lưới bắt cá”, “muốn bắt cọp, phải vào hang”. Chúa khuyến khích chúng ta hãy can đảm đối diện với cuộc đời, với những khó khăn tưởng chừng như đã có lần đè ta quỵ ngã. Hãy đứng lên tiến về phía trước, vì Chúa đang mời gọi và đồng hành với chúng ta. Lịch sử truyền giáo từ xa xưa đã ghi lại những tâm gương hào hùng, đầy cảm động và thương tâm về những con người đã hy sinh khi “đến những chỗ sâu” để chài lưới bắt người, để chinh phục con người bằng Giáo Lý và đời sống bác ái yêu thương.

-  Như vậy, Chúa Giêsu muốn nói với từng người trong chúng ta, dù mình ở trong vai trò nào, cũng dám dấn thân không ngại khó ngại khổ, để danh Chúa được nhiều người nhận biết. Chứ không né tránh, an thân hoặc sống phản chứng, không những không “bắt được cá” là đem các linh hồn về cho Chúa, mà còn làm lưới rách là các phương tiện thiêng liêng Chúa trao cho chúng ta cũng bị chúng ta làm cho hư hại…

-  Tuy nhiên, các tông đồ ra khơi trên một con thuyền có Chúa, thì chúng ta cũng thế, không ai cho cái mình không có, chúng ta nói về Chúa thì chính mình phải có Chúa trước, chúng ta phải sống với Chúa rồi mới đem Chúa đến cho người khác được, chúng ta rao giảng Lời Chúa thì trước hết chúng ta phải học hỏi và suy niệm Lời Chúa rồi mới có khả năng truyền đạt cho tha nhân…

 

* “Vâng lời Thầy, con thả lưới”.

-  “Vâng lời Thầy, con thả lưới”. Với kinh nghiệm đầy mình về nghề chài lưới, nhưng tự sức mình Phêrô đã thất bại, nhưng khi Phêrô bỏ đi cái tôi của mình, để tin tưởng và vâng phục Chúa, ông đã thành công với “mẻ cá lạ lùng”.

-  “Vâng lời Thầy, con thả lưới”.  Phêrô khi đáp trả vâng lệnh Chúa, đã không sống ỷ lại căn cứ vào kinh nghiệm riêng cá nhân, không ỷ lại vào những an toàn phàm trần, không nương tựa vào những suy tư và hành động của riêng cá nhân mình.

-  Mẻ cá của Phêrô năm xưa đã làm cho ông nhận ra sự yếu đuối của mình và cuối cùng ông đã bỏ lại mọi sự để theo Chúa. Thật vậy, điều quan trọng hơn cả là sau những chiến tích làm được, Phêrô không tự hào cho công trạng của mình, nhưng ông đã đến quỳ dưới chân Chúa để nhìn nhận sự yếu kém của mình. Đây là bài học lớn cho mỗi người chúng ta, đàng sau một thất bại, chúng ta không nản chí, nhưng tin tưởng vào Chúa và vâng lời Người chúng ta làm theo Chúa hướng dẫn thì thành công sẽ đến. Khi thành công, hãy quy hướng cho vinh quang Chúa, chứ đừng tự đắc là do mình.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con khi rao truyền lời Chúa, không ỷ lại vào kinh nghiệm và khả năng riêng mình, nhưng biết luôn xin ơn soi dẫn, để vâng lời Ngài, chúng con dám can đảm đối diện và dấn thân đến những mảnh đất tâm hồn chai đá và nơi khó khăn nhất, để đem nhiều linh hồn về cho Chúa. Amen.

 

 

THỨ SÁU TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Lc 5, 33-39

 Các người Pha-ri-siêu và kinh sư nói với Chúa Giêsu: "Môn đệ ông Gio-an năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pha-ri-sêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống! "Đức Giê-su trả lời: "Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay."

Đức Giê-su còn kể cho họ nghe dụ ngôn này: "Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ.

"Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư.Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới. Cũng không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới. Vì người ta nói: "Rượu cũ ngon hơn."

 

+ SUY NIỆM

Ăn chay, cầu nguyện và làm phúc bố thí là ba sinh hoạt chính trong đời sống đạo đức của Do Thái Giáo. Họ có một cuộc“đại chay” bắt buộc nhân ngày lễ xá tội. Đồng thời họ cũng có những cuộc chay tịnh khác mang tính cách tập thể, chẳng hạn vào các ngày tổ quốc gặp hoạn nạn. Ngoài ra, những người đạo đức còn ăn chay vì lòng sốt sắng, như các môn đệ của Gioan Tẩy giả và những người Biệt Phái, họ thường ăn chay mỗi tuần hai lần. Chung quy lại, ăn chay đối với Do Thái Giáo bao gồm ba ý nghĩa chính:

-  Để tỏ lòng sám hối và xin ơn.

-  Đợi chờ Đấng Cứu Thế đến giải phóng dân khỏi ách đô hộ ngoại bang.

-  Lòng đạo đức.

 

Từ đó, chúng ta có thể hiểu, những người thắc mắc về việc ăn chay trong bài Tin Mừng hôm nay là ăn chay bởi sự nhiệt thành đạo đức. Bởi vì, ngay trong lời thắc mắc của họ: “Tại sao môn đệ của Gioan và Biệt Phái ăn chay, còn môn đệ thầy thì không?”

Theo trình tự của Tin Mừng, đây không phải là dịp xá tội để giữ chay theo mùa, đây cũng không phải việc cố ý thắc mắc vì không tin Đấng Cứu Độ đã đến, vì chính Gioan Tiền Hô (bao gồm các môn đệ của ngài) đã tin Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế.

Lại nữa, trong câu trả lời của Chúa Giêsu: "Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng?” Nghĩa là trong THỜI GIAN CỦA SỰ VUI MỪNG – thời gian của Đấng Cứu Độ đã đến và đang ở giữa họ, chứ không phải thời gian Cựu Ước đợi chờ nữa.  Chúa Giêsu còn lấy ví dụ về “miếng vải mới không thể vá vào áo cũ”, nghĩa là Ngài lên án về việc người Do Thái muốn dùng cái đạo đức của mình để áp đặt cho người khác, họ muốn dùng cái bình luật cũ để đổ rượu giao ước mới vào.

 

Như vậy, qua việc chất vấn của người Do Thái, Chúa Giêsu đã nhân cơ hội này, dạy chúng ta những bài học sau:

-  Đừng học đòi những người bắt bẻ môn đệ Chúa Giêsu về việc ăn chay bởi vì họ xét đoán người khác, bắt người khác làm theo ý của mình, bắt người khác phải giống như họ, tạo ra một khuôn mẫu để bắt người khác phải chiều theo ý mình.

-  Trở thành môn đệ Chúa Giêsu, ta phải thay đổi cách sống cũ, từ suy nghĩ đến hành động, để mặc lấy cách suy nghĩ, cách hành động, cách sống mới cho phù hợp với Tin Mừng.

-  Vải vá áo, rượu trong bình là hình ảnh diễn tả đời sống của tôi. Chúa muốn tôi buớc theo Chúa thì cần phải thay đổi cách sống cho phù hợp với Tin mừng. Thay đổi tư tưởng, lời nói và hành động Thay đổi để trở nên giống như Chúa Giêsu, hiền lành, khiêm nhượng, yêu thương phục vụ, khoan dung tha thứ…

 

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết “ôn cố tri tân”, là trong khi vẫn giữ những lề luật của Chúa, nhưng biết áp dụng linh động vào cuộc sống hiện tại, sao cho phù hợp với giáo huấn Tin Mừng, theo như ý Chúa dạy chúng con hôm nay. Amen.

 

 

THỨ BẢY TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN

Ngày 8/9: SINH NHẬT ĐỨC MARIA. Lễ trọng

 

+ BÀI TIN MỪNG: Mt 1,1-16.18-23

Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham: Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này; Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram; A-ram sinh Am-mi-na-đáp; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xan-môn; Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê; ông Gie-sê sinh Đa-vít. Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa; A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia; Út-di-gia sinh Gio-tham; Gio-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia; Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia; Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon. Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven; Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do; A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khin; A-khin sinh Ê-li-hút; Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.

Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ." Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta."


+ SUY NIỆM

Bài Tin Mừng về lễ sinh nhật của Mẹ Maria hôm nay, thánh ký Mátthêu kể cho chúng ta nghe về gia phả của Chúa Giêsu xuyên suốt lịch sử cứu độ. Lịch sử đó bắt đầu từ Thiên Chúa sáng tạo con người đầu tiên cho đến Thiên Chúa nhập thể làm người và cứu độ con người. Trong đó, A-đam và E-va trong cuộc Sáng Tạo đã sa ngã, thì đây cần một A-đam mới cùng với sự cộng tác của E-va mới để phục hồi nhân loại trong cuộc Tân Sáng Tạo. Mẹ Maria chói sáng trong vai trò E-va mới, Mẹ có phúc hơn mọi người phụ nữ và đem lại vinh dự cho mọi phụ nữ trên đời.


* Người nữ trong công trình sáng tạo.

Bản gia phả và việc sinh hạ Chúa Cứu Thế đưa ra một cái nhìn mới về chỗ đứng của người nữ trong việc cộng tác sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa, trong đó, Mẹ Maria là người nữ tuyệt hảo được Thiên Chúa sủng ái và có thần thế trước mặt Người.

Giữa một xã hội Do Thái trọng nam khinh nữ, thậm chí người phụ nữ được xếp hàng thứ sáu, đứng sau cả vật nuôi. Người phụ nữ Do Thái hầu như không có tiếng nói, đến cả việc cưới xin và ly hôn cũng do quyết định của người nam.
Xuyên suốt Thánh Kinh Cựu Ước, hầu như lãng quên bóng dáng của người phụ nữ, rải rác một ít chỗ nhắc tới một số phụ nữ, nhưng phần lớn thường là những chuyện chẳng vẻ vang gì (trừ Giuđitha, Etthe và vài ngôn sứ), thậm chí còn coi họ như là cạm bẫy cho đàn ông. Kết quả hình ảnh cho hình ảnh sinh nhật Đức Mẹ Maria.

Các kinh sư Do Thái tuyệt đối không nhận phụ nữ làm đồ đệ, họ phân biệt đối xử trong mọi sinh hoạt xã hội, kể cả việc phụng tự và các nghi lễ thanh tẩy.
Thế nhưng, trong thời đại Tân Ước, thánh Matthêu đã bắt đầu với việc kể tới bốn người phụ nữ trong gia phả của Chúa Giêsu (Tharma, Rakhap, Rút, Maria) xuyên suốt lịch sử cứu độ và đỉnh điểm của mẫu phụ nữ tuyệt vời là Mẹ Maria.
Dù Thánh Kinh không để lại cho chúng ta một dấu tích nào về ngày sinh nhật của Mẹ Maria, cũng không cho biết tên song thân của Mẹ, nhưng truyền thống cho biết song thân của Mẹ là thánh Gioakim và Anna, và việc mừng kính ngày sinh nhật của Mẹ đã có rất lâu trong Phụng Vụ Giáo Hội.


* Ý nghĩa việc sinh hạ Chúa Giêsu

Việc mừng sinh nhật của Mẹ Maria cũng là dịp để chúng ta chiêm ngắm chức năng Mẹ là Mẹ Nhân Loại – là mọi người chúng ta, đồng thời mừng chúng ta được Mẹ sinh ra cách huyền nhiệm dưới chân thập giá Chúa Giêsu và chúng ta được làm con của Mẹ.

Mẹ Maria được mời gọi và ưng thuận làm Mẹ Chúa Chúa Kitô, Đầu của nhân loại. Nếu làm Mẹ của Đầu thì cũng là Mẹ của toàn thể. Đó là nền tảng đầu tiên của mẫu tính thiêng liêng đối với loài người. Nhưng Chúa Kitô đã thực hiện viên mãn ơn gọi của nhân loại mới, còn đa số nhân loại thì đang trên đường thực hiện ơn gọi của mình. Mẹ Maria là Mẹ của nhân loại đã hoặc đang trên đường lãnh nhận ơn cứu độ .

Mẹ Maria là Mẹ của nhân loại vì đã chuyển đạt cho nhân loại sự sống thần linh, sự sống vĩnh cửu, khởi đi từ việc sinh Đấng Cứu Thế được trao ban cho nhân loại. Vì Mẹ Maria chỉ có ý nghĩa trong tương quan với Chúa Kitô, nên mẫu tính của Người cũng chỉ có nền tảng khi được nối kết với Chúa Kitô. Khi sinh ra Chúa Kitô, tác giả sự sống thần linh, cho thế gian, Mẹ Maria thực sự là Mẹ nhân loại, nhưng là một nhân loại mới. Là “Eva mới”, Mẹ Maria cũng là Mẹ các chúng sinh (x. St 3, 20).

Sứ mệnh làm mẹ của Mẹ Maria thiết yếu gắn liền với sự sống siêu nhiên. Mẹ Maria là mẹ của loài người bằng cách làm cho đời sống ân sủng, sự sống của Chúa Kitô được nảy sinh và triển nở nơi các tâm hồn. Đối với các tâm hồn sống trong ân sủng, Mẹ Maria dẫn đưa họ đến một đời sống ngày càng mật thiết hơn với Chúa Giêsu, còn đối với các tâm hồn tội lỗi, Mẹ là hiện thân của sự khoan dung nhân hậu. Có thể nói, việc sinh ra Chúa Giêsu cho nhân loại, cũng có nghĩa là Mẹ Maria đã cho nhân loại sự sống siêu nhiên, điều đó cũng thật như những người mẹ cho con cái mình sự sống tự nhiên vậy. Mẹ Maria nuôi nấng, phù hộ, làm lớn lên và phát triển sự sống siêu nhiên của nhân loại để đưa nó tới chỗ hoàn hảo .

Giáo huấn của thánh Phaolô hướng mọi người Kitô hữu về chức làm mẹ thiêng liêng của Mẹ Maria, khi thánh nhân thích diễn tả những điều kỳ diệu của mầu nhiệm, nhờ đó Kitô hữu chỉ trở thành một thân thể với Đức Kitô: là chi thể của Đức Kitô, nên phải tham dự vào những đoạn đời khác nhau của Đức Kitô (x. Rm 6). Nói cách khác, các Kitô hữu là con cái và thừa tự của cùng một Chúa Cha với Đức Kitô. Cũng theo dòng tư tưởng đó, có thể kết luận rằng: các Kitô hữu cũng được cưu mang và sinh ra bởi Mẹ Maria với Đức Kitô và có cùng một mẹ với Người.


Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết noi gương Mẹ Maria, tôn trọng phẩm giá người nữ, đồng thời biết cộng tác vào việc sinh ra nhiều con cái cho Chúa qua việc loan báo Tin Mừng đem nhiều người về cho Chúa. Amen

 

Lm. Hiền Lâm

 

Thiết kế Web : Châu Á