Bài giảng

CÁC BÀI CHIA SẺ TM TUẦN I THƯỜNG NIÊN (Lm. Hiền Lâm)

“Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Cộng đoàn, Giáo xứ, Giáo hội là của Chúa chứ không phải của người được Chúa sai đến. Chúng ta dễ bị cám dỗ chạy theo danh vọng và địa vị mỗi khi làm được việc gì đó cho người khác. Chúng ta dành vị trí “làm chồng” của Chúa, làm cho Chúa nhỏ lại để mình được lớn lên.

 

CHÚA NHẬT I THƯỜNG NIÊN Hình ảnh có liên quan

CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

 

THỨ HAI TUẦN I THƯỜNG NIÊN

THỨ BA TUẦN I THƯỜNG NIÊN

THỨ TƯ TUẦN I THƯỜNG NIÊN

THỨ NĂM TUẦN I THƯỜNG NIÊN

THỨ SÁU TUẦN I THƯỜNG NIÊN

THỨ BẢY TUẦN I THƯỜNG NIÊN

 

Các bài chia sẻ: Lm. Hiền Lâm

 

 

Hình ảnh có liên quan

 

CHÚA NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA 

Năm C

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 3,15-16.21-22

 Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a! Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: "Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.

Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con.

 

II. SUY NIỆM.

“LỜI CHỨNG”

 

Nếu Lễ Giáng Sinh được coi là biến cố kỷ niệm Mầu Nhiệm Nhập Thể, thì Lễ Chúa Giê-su chịu Phép Rửa là biến cố kỷ niệm Mầu Nhiệm Nhập Thế. Biến cố Chúa Giê-su chịu Phép Rửa là bắt đầu sứ vụ công khai rao giảng Tin Mừng Nước Trời.

Con Thiên Chúa đi vào trần gian cũng như bắt đầu công trình nhập thế vẫn trong hình hài giản dị khó nghèo để đồng hành với con người, nên khó có ai nhận ra được bản tính và sự nghiệp của Người, nên cần đến những lời chứng thực của Thiên Chúa Cha và lời giới thiệu từ sứ giả của Người là Gioan Tiền Hô.

Phụng vụ Lời Chúa trong Tin Mừng ngày hôm nay cho chúng ta hai lời chứng đó. 

 

1. Lời chứng của Chúa Cha.

“Này là Con Ta Yêu Dấu, rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”

Lời chứng này có hai vế:

Vế thứ nhất là Lời Mặc Khải đến từ chính Thiên Chúa Cha, chứng thực Chúa Giê-su Con Thiên Chúa Cha tự đời đời nay đến trần gian hầu cứu độ nhân loại. Thật vậy, Chúa Giê-su là mặc khải tròn đầy của Thiên Chúa Cha. Vì thế, sau Người, không nhất thiết phải có những mặc khải nào nữa. Nên Giáo hội đã rất dè dặt với “những mặc khải tư”. Bởi “mặc khải tư” chỉ như là một sự giải thích mầu nhiệm Thiên Chúa, chứ không phải đi ngược hoặc thay thế những Lời Thiên Chúa mà Chúa Giê-su “đã tỏ cho các Tông đồ”. Thế nhưng, vấn đề này đã trở nên lạm dụng khá nhiều khi không thiếu những người tự xưng là “thị nhân” này, “con gái yêu” nọ, “tông đồ…” kia… Vì vậy, để tránh những sai lạc, chúng ta áp dụng theo vế thứ hai từ Lời chứng sau đây:

Vế thứ hai là một lệnh truyền của chính Thiên Chúa Cha: “Các ngươi hãy nghe lời Người”. Lời phán trực tiếp phán từ trời xuống thì mấy ai có được diễm phúc nghe thấy, nhưng Lời đến trong xác phàm là Chúa Giê-su thì bất cứ ai cũng đón nhận được qua Lời Chúa hằng ngày, qua Thánh Kinh và qua Giáo Hội. Tin vào những “thị nhân” hoặc những kiểu “sứ điệp cửa sau” thì luôn có thể lầm lạc, nhưng tin vào Lời Chúa qua Thánh Kinh và Giáo Hội thì không bao giờ lầm được. Đó cũng là căn bản lời khẳng định của Thiên Chúa Cha qua sự soi sáng của Chúa Thánh Thần dành cho bất cứ ai biết lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa.

 

Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả là trong ngày khởi đầu sứ vụ hôm nay, Chúa Giêsu muốn cho nhiều người thấy sự chứng thực của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, một khẳng định về thiên tính trong Ba Ngôi của Người, và Gioan cũng vui mừng vì được chứng thực Đấng mình loan báo đã đến và sứ vụ của ông hoàn tất.

 

2. Lời chứng của Gioan.

Lời chứng của Gioan là là lời khiêm tốn khẳng định về chỗ đứng trong bổn phận của việc làm chứng cho Chúa Giê-su được lớn lên trong mọi người và mỗi người có một giai đoạn trong chương trình của Thiên Chúa.

Như sao mai báo hiệu cho Vầng Đông xuất hiện, khi Vầng Đông mọc lên thì sao mai tự động biến mất. Một người lính đến thông báo cho dân biết Vua sắp đi qua để họ chuẩn bị, khi vua đến thì Vua mới là đối tượng chính mà dân đón chứ không còn là anh lính kia nữa. Gioan chỉ là Đấng dọn đường cho Chúa Giêsu đến, và khi Chúa Giêsu đến thì vai trò của Tiền Hô đã hoàn tất.

Thật vậy, mọi người được Chúa trao cho những sứ vụ khác nhau, ơn gọi khác nhau tuỳ khả năng và bậc sống của mình, tuỳ theo thời gian và hoàn cảnh, mỗi người có một giai đoạn trong chương trình của Thiên Chúa. Thánh Gioan có lý do để nhận và giữ vị thế cho mình, vì dân chúng ai nấy lầm tưởng ngài là Đấng Cứu Thế, cúi đầu lắng nghe và chịu phép rửa của ngài, có các môn sinh theo ngài, và ngay Chúa Giêsu cũng chịu phép rửa dưới tay ngài, nhưng ngài ý thức vai trò và sứ vụ là đi trước chuẩn bị cho Chúa đến. Ngài ý thức giai đoạn của ngài là gì trong chương trình của Chúa.

Còn chúng ta (cả đời lẫn đạo), không ít người tự lầm tưởng như chỉ có mình mới làm được điều này điều kia mà không ai có thể thay thế, rồi lo tạo cánh kéo bè củng cố chỗ đứng của mình. Đặc biệt khó chấp nhận và tìm cách níu kéo khi phải bàn giao công việc cho người khác. 

“Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể". Cộng đoàn, Giáo xứ, Giáo hội là của Chúa chứ không phải của người được Chúa sai đến. Chúng ta dễ bị cám dỗ chạy theo danh vọng và địa vị mỗi khi làm được việc gì đó cho người khác. Có khi khoe khoang và kể về công trạng của mình cho người khác khen ngợi. Chúng ta dành vị trí “làm chồng” của Chúa, làm cho Chúa nhỏ lại để mình được lớn lên.

Hãy nhớ rằng, Chúa mới là “chồng”, Hội Thánh địa phương hay hoàn vũ và riêng từng người là hiền thê (vợ) của Chúa trong tình yêu Giêsu; còn những ai được Chúa sai đến chỉ là “phù rể”, mà phù rể thì lo chuẩn bị cho người ta đón chú rể đến, và vui mừng khi chú rể gặp được “cô dâu”, chứ không phải mình dành vị trí của chú rể.

“Người phải lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại”. Vâng, chúng ta cần khiêm tốn ý thức chỗ đứng của mình trong chương trình của Chúa, để Chúa được vinh danh trong công việc của chúng ta. Đặc biệt, cá tính và đam mê của chúng ta phải nhỏ lại, thì Chúa mới lớn lên được trong tâm hồn chúng ta; còn nếu trong tâm hồn chúng ta cao ngạo, ngổn ngang mọi thứ đam mê, ước vọng vật chất phình to lấp đầy, thì Chúa sẽ không còn chỗ để hiển ngự với chúng ta được.

Tóm lại, khi chúng ta chào đời là chúng ta được sinh ra lần thứ nhất vào thế giới này, nhưng khi lãnh bí tích Rửa Tội là chúng ta được sinh ra trong Giáo hội và trở thành con Thiên Chúa. Vì thế, cũng như Chúa Giê-su hôm nay bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, thì chúng ta cũng được mời gọi -nhớ lại ngày mình được rửa tội- hầu ý thức về vai trò ngôn sứ là làm chứng cho Chúa và giới thiệu Chúa cho mọi người. Làm chứng bằng chính việc lắng nghe và sống Lời Chúa, giới thiệu Chúa bằng cách khiêm tốn làm cho Chúa được lớn lên trong chính mình, trong tha nhân và trong thế giới hôm nay.

 

Lạy Chúa Giê-su, nhân ngày mừng Lễ Chúa Chịu Chịu Phép Rửa hôm nay, xin cho chúng con ý thức hơn về ơn gọi làm Kitô hữu của mình, để chúng sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa. Amen.

 

 

THỨ HAI TUẦN I THƯỜNG NIÊN 

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 1, 14-20

Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng."

Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá." Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.

Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.


II. SUY NIỆM

Bắt đầu Mùa Thường Niên, phụng vụ Giáo Hội cho ta nghe bài Tin Mừng tường thuật “Lời Rao Giảng Đầu Tiên” và việc Chúa Giêsu tuyển chọn bốn môn đệ đầu tiên để cộng tác với Người trong công cuộc rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa.

 

1. “Lời Rao Giảng đầu tiên”.

Lời rao giảng: “hãy sám hối và Tin vào Tin Mừng”. Đây là sứ điệp chung mà người rao giảng Tin Mừng cần phải sống và loan báo. bắt đầu từ lời rao giảng của thánh Gioan Tiền Hô (dù không có nửa sau: “Tin vào Tin Mừng), qua Chúa Giêsu và đến các Tông Đồ… và trở thành tiên quyết cho việc thụ lãnh các Bí Tích sau này.

Đây cũng là một minh chứng rõ nét nhất và ý nghĩa của việc Chúa Giêsu chịu phép rửa, tiếp nối bài Tin Mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa (hôm qua) là Chúa Nhật kết thúc mùa Giáng Sinh và khời đầu Mùa Thường Niên.

Sứ điệp đầu tiên và điều kiện để đón nhận Tin Mừng chính là “Sám Hối”, mà Chúa Giêsu (dù vô tội) đã nêu gương cho chúng ta, khi để Gioan làm phép rửa, đã minh chứng cho lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu là: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

 

2. Việc tuyển chọn bốn Tông Đồ đầu tiên.

Bốn Tông Đồ này là hai cặp đôi anh em ruột và cùng làm nghề đánh cá. Phêrô – Anrê và Giacôbê – Gioan. 

Qua cách thức gọi của Chúa Giêsu và lời đáp trả của các Tông Đồ, chúng ta cùng suy tư một vài điểm sau đây:

- Chúa gọi các Tông Đồ ở đâu và trong hoàn cảnh nào?

Tại bờ biển hồ Galilê, là nơi diễn ra cuộc sống kinh tế của dân. Chúa đến cách cụ thể trong cuộc sống bình thường của con người. Chúa gọi trong hoàn cảnh cụ thể và trong bối cảnh xã hội đương thời. Chúa không phân biệt nghề nghiệp cao sang hay thấp kém, người trí thức hay bình thường. Điều này cho thấy, sứ vụ của người theo Chúa là rao giảng và sống chứng nhân cho Tin Mừng ngay trong hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống. Đồng thời, Tin Mừng được loan báo nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần chứ không phải ý riêng con người.

- Chúa gọi như thế nào và gọi để làm gì?

Chúa gọi cách trực tiếp, Chúa gọi từng cá nhân với một mệnh lệnh là: “Hãy theo Thầy”. “Theo” trong ngôn ngữ Do-thái là “ở với”, là “gắn bó” với Thầy. Chúa gọi theo tính cách là người trên truyền lệnh, ai tự do tin nhận Người là chủ đời mình thì bước theo. Như vậy, Theo Chúa là gắn bó nên một với Người và ở với Người; giữ các huấn lệnh của Chúa, tin nhận và chọn Người làm chủ đời mình và sứ vụ được trao cho mình.

- Sứ vụ của người được gọi.

“Hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ chài lưới người” Nghĩa là, phải lãnh lấy một sứ vụ, một công việc mới, công việc của Thầy chứ không còn là công việc của mình nữa. Như vậy, theo Chúa không phải để trốn tránh việc đời, để an thân và lẩn tránh trách nhiệm, nhưng là phải ra đi đem Tin Mừng cho thế giới và đem về cho Chúa các linh hồn.

- Sự đáp trả và tinh thần từ bỏ?

Ngay lập tức, các ông bỏ chài lưới, bỏ thuyền, bỏ cha mình mà theo Chúa. Hành động ngay lập tức (chứ không phải để từ từ và so đo tính toán nữa) nói lên một sự tín thác tuyệt đối vào Chúa. Đi sau sự đáp trả là từ bỏ tất cả, vật dụng làm nghề, bỏ cơ nghiệp, bỏ nghề nghiệp và bỏ cả liên hệ gia đình để đi theo Chúa. Điều này đòi hỏi một sự dứt khoát, không vương vấn và không để điều gì vướng bận cho sứ vụ mới. theo Chúa là phải bỏ con người cũ để sống con người mới.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con khi rao truyền lời Chúa, không ỷ lại vào kinh nghiệm và khả năng riêng mình, nhưng biết luôn xin ơn soi dẫn, để vâng lời Ngài, chúng con dám can đảm đối diện và dấn thân đến những mảnh đất tâm hồn chai đá và nơi khó khăn nhất, để đem nhiều linh hồn về cho Chúa. Amen.

 

 

THỨ BA TUẦN I THƯỜNG NIÊN 

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 1,21-28

Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.

Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: "Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa! " Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này! " Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: "Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh! " Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.

 

II. SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay minh chứng sức thuyết phục của Lời Chúa, và sức mạnh của Lời có sức chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ ra khỏi con người.

Có hai ý chính để suy niệm:

 

 1. Tin, biết và yêu.

Tôi biết anh A chị B, nhưng chắc gì tôi đã yêu mến họ, tôi tin có ông này bà nọ hiện hữu, nhưng chắc gì tôi yêu thích họ và tìm đến gặp họ?

Cũng vậy, người Do Thái biết rất rõ về nguồn gốc Chúa Giêsu và họ rất thông thạo Thánh Kinh nói về Người, nhưng họ không tin và không yêu mến… Ma quỷ cũng biết khi kêu lên: “Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa! "

Ma quỷ tin có Chúa Giêsu hiện diện, nó biết rất đúng về Chúa Giêsu, thậm chí còn tuyên xưng Ngài giữa đám đông, nhưng liệu nó có yêu Ngài không? Thưa không.

Chúng ta cũng cần tự vấn về mình, chúng ta vẫn cho rằng mình tin có Chúa, chúng ta tin Chúa Giêsu ngự trong Bí Tích Thánh Thể… nhưng liệu chúng ta có yêu mến Ngài thật không? Tin là một chuyện, nhưng có yêu mến hay không lại là một chuyện khác.

Chúng ta tự hào là biết Thiên Chúa, qua học hỏi, qua nghiên cứu, qua những khảo luận thần học, chúng ta thậm chí tự hào về kiến thức đầy mình về Thiên Chúa, nhưng có bao giờ chúng ta cầu nguyện tâm sự với Ngài không? Có đến viếng Thánh Thể không?

 

2. Uy quyền của LỜI.

Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: "Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!"

Lời Chúa có một uy quyền đặc biệt là xua trừ được ma quỷ ra khỏi con người, chữa lành bệnh tật linh hồn và biến đổi nên con người mới trong Chúa Kitô.

Chính Chúa Giêsu trong khi vào sa mạc chịu cám dỗ, Người cùng dùng Thánh Kinh để chống trả ma quỷ và Người đã chiến thắng.

Tự vấn lại chính mình, chúng ta có yêu mến Lời Chúa, và dùng Lời Chúa để chống lại những cám dỗ và thói quen, đam mê và ước muốn xấu không?

Lời Chúa có quyền năng xua trừ thế lực ma quỷ đang ngày đêm rình rập xui khiến chúng ta phạm tội, vì thế mong mọi người biết năng đọc và suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày.

Lời Chúa con có sức thánh hoá và tăng sức mạnh cho đời sống thiêng liêng của chúng ta, vì thế, nếu chúng ta biết yêu mến, đọc, suy niệm và cầu nguyện bằng Lời Chúa mỗi ngày, thì Lời Chúa sẽ biến đổi chúng ta ngày một nên hoàn thiện.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con không chỉ biết Chúa bằng lý thuyết, mà còn biết kết hiệp với Ngài bằng cả con tim yêu mến, và sự yêu mến Chúa trước hết được thể hiện bằng việc chuyên chăm lắng nghe và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày. Amen.

 

 

THỨ TƯ TUẦN I THƯỜNG NIÊN 

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 1,29-39

Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.

Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.

Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: "Mọi người đang tìm Thầy đấy! " Người bảo các ông: "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó." Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

 

II. SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục kể về một ngày cuối tuần, lịch sống và làm việc Chúa Giêsu: Sau khi đã giảng một bài làm cho dân chúng nức lòng ca ngợi trong hội đường Caphanaum, trưa Chúa Giêsu ghé nhà học trò chữa lành bà nhạc của trò Phêrô, chiều tối làm bác sĩ đa khoa, mờ sáng ngày tới đi cầu nguyện.

Chúng ta cùng dừng lại suy niệm ba điểm sau đây:

 

1. Chữa lành.

Khác với những tường thuật khác, Chúa Giêsu thường đòi hỏi một sự van xin khẩn thiết hoặc một lời tuyên xưng đức tin thì Người mới ra tay chữa bệnh, nhưng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu chỉ cầm lấy tay bệnh nhân, hoặc đặt tay lên họ để chữa bệnh mà không nói gì cả. Có lẽ đây là lần duy nhất thánh Phêrô về tham bà mẹ vợ được Tin Mừng nói đến, thiết nghĩ có lẽ Phêrô đã mời Chúa Giêsu ghé nhà bà nhạc nghỉ chân sau những ngày vất vả. Chúa đã cúi xuống, cầm tay và chữa lành bệnh cảm sốt cho bà mẹ vợ Phêrô.

Hành động này nói lên ý nghĩa, chúng ta chỉ thực sự được lành sạch bệnh linh hồn, khi mời Chúa đến ghé thăm tâm hồn ta, Chúa đã không ngại cúi xuống thì ta cũng hãy đưa tay cho Người nắm lấy và nâng chúng ta đứng dậy khỏi sự khốn cùng mà tội lỗi đang đè nặng trên chúng ta.

Mọi người đã đem đến cho Chúa Giêsu đủ loại bệnh nhân và Người đã đặt tay chữa lành họ. Cũng vậy, Chúa sẽ không thể chữa lành chúng ta nếu chúng ta không chạy đến với Người, Chúa cũng không thể tha thứ tội lỗi và chữa lành thương tích trong linh hồn chúng ta nếu chúng ta không chịu đem hết mọi tội lỗi đi xưng thú qua bí tích Hoà Giải. Hãy để cho Chúa đặt tay trên chúng ta, nghĩa là để cho Chúa đụng chạm thật sự vào linh hồn chúng ta, để chúng ta được thánh hoá.

 

2. Cầu nguyện

Nhiều lần các Tin Mừng kể về việc Chúa Giêsu cầu nguyện, chẳng hạn như: "Sau khi giải tán đám đông, Người đi lên núi mà cầu nguyện, chiều đến Ngài vẫn ở đó một mình" (Mt 14,23). "Sáng sớm lúc trời còn tối mịt, Người đã thức dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó" (Mc 1,35). "Sau khi bảo các môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia về thành Betsaida trước, Người ở lại giải tán đám đông rồi một mình lên núi cầu nguyện" (Mc 6,45-46)…

Chúng ta để ý đến hai chi tiết: sáng sớm thức dậy Chúa Giêsu đi cầu nguyện và chiều đến sau khi giải tán đám đông, Chúa Giêsu đi cầu nguyện.

Cầu nguyện đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống Kitô hữu. Mọi người có thể cầu nguyện mọi lúc mọi nơi với nhiều phương cách. Tuy nhiên, nơi mỗi xứ đạo chúng ta từ xưa đến nay vẫn giữ được thói quen tốt là đến nhà thờ vào lúc khởi đầu và kết thúc mỗi ngày.

Tốt đẹp biết bao khi mọi Kitô hữu chúng ta luôn giống Chúa Giêsu, để rồi:

-      Vừa tảng sáng, chúng ta đã đến nhà thờ để cầu nguyện và tham dự Thánh Lễ để cầu xin Chúa hướng dẫn, bổ sức và đồng hành với chúng ta bắt đầu một ngày sống tốt lành.

-      Tối đến, lại đến nhà thờ để đọc kinh tạ ơn Chúa về một ngày đã qua, xin Chúa thứ tha những thiếu sót, xin Chúa chúc lành và gìn giữ cho một giấc ngủ bình an.

 

3. Rao giảng.

"Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó."

Rao giảng Tin Mừng luôn là một việc cấp bách và liên tục, không dừng lại ở một nơi hay một nhóm ngươi nhất định, mà phải từ nơi này đến nơi khác, cho bất cứ ai chúng ta gặp gỡ và đi đến. Cần ý thức sứ vụ của tất cả Kitô hữu chúng ta là truyền giáo, truyền giáo trong cả lời nói và hành động thiết thực qua đời sống yêu thương, bác ái và xả thân phục vụ…

 

Lạy Chúa Giêsu, khi nhìn lại một ngày sống của Ngài là rao giảng, phục vụ và cầu nguyện. Xin cho mỗi một ngày sống của mỗi Kitô hữu chúng con cũng hoạ lại ngày sống của Chúa, để trong mọi sự chúng con sống dưới sự hiện diện của Ngài và làm chứng cho Ngài. Amen.

 

 

THỨ NĂM TUẦN I THƯỜNG NIÊN 

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 1,40-45

Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi! "Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh: "Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết." Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.

 

II. SUY NIỆM

Sách Lêvi đặt ra quy định hết sức khắt khe thậm chí nhẫn tâm cho người phong hủi. Họ bị coi là thứ ô uế và phải tách hẳn khỏi cộng đồng, sống những nơi ít bóng người qua lại, lỡ thấy ai đi qua thì phải la lên cho người ta biết mình bị hủi mà tránh xa, không cắt tóc cạo râu và luôn mang đồ rách (x.Lv13,45-46). Khi may mắn khỏi bệnh thì phải đến trình diện tư tế (tư tế kiêm luôn quyền bác sĩ) để họ thử nghiệm hai lần trong khoảng cách bảy ngày rồi mới được tuyên bố là sạch và phải dâng lễ để được gia nhập cộng đồng. nói cách vắn tắt là bị phong hủi thì coi như mất quyền làm người, và sau khi lành sạch, phải làm lễ tạ ơn để được quyền làm người. Ngay cả khi được sạch rồi, còn phải kiếm cho được con chiên để đem đến cho ‘tư tế” để được công nhận (x.Lv 13,1-18.45-46 và cả chương 14).

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện một người phong hủi, liều mình “mang án chết” (vì bị bệnh mà chạy vào đám đông sẽ bị ném đá) chạy đến giữa đám đông cầu xin Chúa Giêsu để được chữa lành.

Chúng ta để ý đến hai chi tiết của tường thuật:

 

1. Lòng yêu thương của Chúa Giêsu.

Trong khi luật của người Do Thái quy định chỉ cần chạm đến người phung hủi thì chính mình cũng nhiễm uế và phải đi dâng lễ đền tội, lại nữa mọi người sợ sệt xa lánh vì sợ bị lây bệnh. Nhưng Chúa Giêsu thì không những không xa lánh, không sợ lây, không lo bị nhiễm… nhưng tình thương Người cao hơn tất cả, ngài đã cúi xuống chạm đến người phong hủi và chữa lành.

Trong Mùa Giáng Sinh, chúng ta mừng Chúa Giêsu Nhập Thể - từ cõi trời cao xuống nơi cơ hàn. Thì đây, tiếp theo Mầu Nhiệm Nhập Thể là Mầu Nhiệm Nhập Thế của Người – cúi xuống để chạm đến tận cùng nỗi thống khổ của con người và ra tay chữa lành họ.

Chúa Giêsu không những chữa lành bệnh hủi thân xác, mà còn muốn người được chữa lành phục hồi quyền làm người khi bảo họ đi trình diện tư tế để được hoà nhập cộng đồng.

Tình yêu thương có sức vượt qua mọi luật lệ, mọi ngăn cách, mọi sợ hãi để đến với tha nhân. Chúa Giêsu đã đi bước trước nêu gương cho chúng ta về sự cao cả của tình yêu thương này.

Đến lượt Kitô hữu chúng ta hôm nay, “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, chúng ta là con Chúa liệu chúng ta có học được sự yêu thương này để đến với những người đau khổ không, nhất là đến với những người bị bệnh nan y và những ai bị xã hội ruồng bỏ ?

 

2. Thái độ cầu xin của người bị phong hủi.

Người phong hủi mang trên mình cả căn bệnh thân xác cả nỗi đau tinh thần. Thân xác bị sự tàn phá kinh khủng của căn bệnh quái ác là da thịt và các chi thể bị rơi rụng dần trong đau đớn. Tinh thần bị mất quyền làm người do “xã hội phi nhân đạo” tạo nên. Người phong hủi nếm trải tận cùng của nỗi đau và tuyệt vọng. Tuy nhiên, qua thái độ của người này, chúng ta thấy toát lên một niềm tin phó thác mà ít ai có được.

Người phong hủi đã thân thưa với Chúa: “Lạy Thầy, NẾU THẦY MUỐN, Thầy có thể chữa con được sạch”

Người phong hủi không than trách tại sao Chúa quyền năng lại để cho phải đau khổ như thế, không cầu xin theo kiểu buộc Chúa theo ý mình, không ra điều kiện, nhưng phó thác hoàn toàn cho Chúa quyết định, xin vâng theo ý CHÚA MUỐN. Chúa muốn thì được sạch, Chúa không muốn cũng xin vâng.

Đây là thái độ của chúng ta cần học lấy tinh thần này, bởi không ít người trong chúng ta mỗi lần gặp thử thách là kêu trách Chúa, cầu nguyện với điều kiện, muốn Chúa theo ý mình hơn là mình sống theo ý Chúa.

 

Bài học mà bài Tin Mừng hôm nay muốn chúng ta là, là thân phận con người yếu đuối, ai trong chúng ta ít nhiều cũng mang căn bệnh phong hủi của tâm hồn là tội lỗi, thậm chí từ tách mình ra khỏi Chúa và cộng đoàn Giáo Hội, cách này hay cách khác tự tách mình khỏi cộng đoàn và giáo xứ. Chúng ta hãy phó thác vào tình yêu thương của Chúa Giêsu, nhất là trong Bí Tích Thánh Thể, hãy để cho Chúa Giêsu chạm vào mình để được thanh sạch. Hãy đến với bí tích Hoà Giải để cho Chúa chạm vào tâm hồn và Người sẽ chữa lành.

 

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh chứ không phải bắt Chúa phải theo ý mình… Xin cũng giúp chúng con học lấy sự yêu thương của Chúa để đến với những người đau khổ, nhất là đến với những người bị bệnh nan y và những ai bị xã hội ruồng bỏ. Amen.

 

 

THỨ SÁU TUẦN I THƯỜNG NIÊN 

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 2,1-12

Vài ngày sau, Đức Giê-su trở lại thành Ca-phác-na-um. Hay tin Người ở nhà, dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết. Người giảng lời cho họ. Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giê-su một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: "Này con, con đã được tha tội rồi." Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng: "Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa? " Tâm trí Đức Giê-su thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: "Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy? Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: "Con đã được tha tội rồi", hai là bảo: "Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi", điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, -Đức Giê-su bảo người bại liệt,- Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà! " Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: "Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ! "

 

II. SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu chữa bệnh cho một người bất toại, chữa lành vì lòng tin của các thân nhân và không những chữa lành phần xác mà còn tha thứ tội lỗi cho bệnh nhân.

 

1.  Vai trò trung gian

Hình ảnh những người thân nhân của người bất toại phải trèo tường dỡ mái nhà, làm mọi cách để giúp người thân tiếp cận với Chúa, mong được Chúa chú ý đến sự khốn khổ của họ. Cho thấy niềm tin vào quyền năng của Chúa Giêsu và lòng yêu thương dành cho người anh em đang phải khốn khổ vì bệnh tật. Lòng tin của họ đã được Chúa Giêsu ghi nhận (x. Mc 2,5) và ra tay chữa lành.

Điều này cho thấy tính tương giao trong niềm tin và lời cầu nguyện. Thật vậy, không thiếu những người thân chúng ta, nhữnng người cần đến sự kêu cầu của chúng ta với Chúa. Họ bất lực vì nhiều lý do không thể đến với Chúa để được chữa lành, nhất là phần linh hồn. Chính vì thế, họ cần chúng ta là những Kitô hữu, là những người con của Chúa “khiêng” (nâng họ lên) đưa họ đến với Chúa, giúp họ vượt qua những bức tường và dỡ bỏ “mái nhà’ (rào cản mặc cảm tội lỗi), để họ được chữa lành.

Chúa Giêsu không chỉ thấy sự đau khổ của người bất toại, mà còn thấy lòng tin của những người khiêng anh ta đến. Tin Mừng nói rõ rằng, thấy lòng tin của ‘họ’ như vậy, Người đã chữa lành… Đó là một sự khích lệ lớn cho chúng ta khi chúng ta cầu xin cho một ai đó, khi chúng ta trở thành trung gian nối dài tính trung gian của Đức Kitô đem Chúa đến cho họ.

 

2. Quyền tha tội

Khác với mọi người đến nghe giảng và được chữa lành, mấy bác “sư kinh khủng” lại đến để bắt bẻ; mọi người chỉ thấy kính phục và ca ngợi quyền năng Thiên Chúa, còn mấy ông  “kinh” kia lại chỉ thấy đó là một sự phạm thượng. Theo quan niệm của họ, bệnh tật là do tội mà ra, có thể do chính đương sự phạm tội, cũng có thể do đời cha hay đời ông của đương sự phạm tội mà nay đương sự phải chịu phạt. Chúa Giêsu tuy không chấp nhận quan niệm này, nhưng có lẽ hôm nay, Người dùng chính cách nghĩ của họ để chữa bệnh, người tha tội cho người bất toại nghĩa là trị tận gốc căn cơ của bệnh.

Thật ra, theo như lời khẳng định: “…để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội”, Chúa Giêsu muốn mọi người chân nhận chủ quyền của Thiên Chúa, khẳng định Ngài là Đấng có quyền tha tội và hành động chữa lành cho người bất toại là một hành động của Thiên Chúa.

Quyền tha tội đó đã được Chúa Giêsu ban cho các Tông Đồ và lưu truyền từ đời này qua đời khác trong Giáo Hội; quyền được Chúa ban qua linh mục nơi toà giải tội khi linh mục đọc: “Vậy, cha tha tội cho con…”. Như vậy, nếu còn những ai nghi ngờ về năng quyền này, hãy đọc lại Lời Chúa (Ga 20,23).

 

Lạy Chúa Giê-su, cách này hay cách khác, chúng con cũng đang bị bệnh bại liệt tâm hồn, xin cho chúng con biết mau chạy đến toà cáo giải để được Chúa tha thứ tội lỗi và chữa lành bệnh tật thiêng liêng cho chúng con. Amen.

 

 

THỨ BẢY TUẦN I THƯỜNG NIÊN 


I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 2,13-17

Đức Giê-su lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ. Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi! " Ông đứng dậy đi theo Người.

Người đến dùng bữa tại nhà ông. Nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giê-su và các môn đệ: con số họ đông và họ đi theo Người. Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: "Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi! " Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói với họ: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."

 

II. SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay lại một lần nữa nhắc tới cách chọn gọi của Chúa Giêsu luôn xảy đến tại nơi người được gọi đang sinh sống và đồng bàn với những người tội lỗi để cứu độ họ. Chúa gọi các tông đồ nơi bờ biển, dưới cây vả… và hôm nay Người gọi ông Lêvi khi ông còn ngồi nơi bàn giấy thu thuế, rồi sau đó về nhà tiệc tùng với “tân môn đệ”:

 

1. Chúa gọi ta ngay nơi ta đang làm việc.

Một trong những tội bị ghét nhất từ cổ chí kim là “cõng rắn cắn gà nhà”, hay là “nối giáo cho giặc”, vì họ cộng tác với ngoại bang để làm khổ anh em đồng bào của mình. Là nhân viên thuế vụ, Lêvi làm việc cho Rôma đang cai trị dân tộc Dothái, sưu cao thuế nặng, ức hiếp dân lành và làm giàu trên mồ hôi, nước mắt của dân. Người Do Thái thời ấy coi kẻ thu thuế là vừa phản đạo vừa phản quốc và coi họ đứng hàng ngang với gái điếm, phải bị bị loại trừ bằng vạ tuyệt thông cách ly. Không ai thèm chơi với họ. Họ chỉ chơi với quân xâm lược La mã và những tín đồ cặn bã của các Hội đường. Lêvi biết tất cả những điều ấy nhưng ông vẫn bất chấp, vì đổi lại ông được chức vụ rất hấp dẫn, đem lại của cải giàu sang. 

Thế rồi, một ngày đẹp trời hôm nay, Chúa Giêsu đi ngang qua, Ngài nhìn ông, ông đang lo đếm tiền, ngước mặt lên ông định nhắc Ngài là “vô gia cư và lang thang không nghề nghiệp thì miễn thuế”… Nhưng không, Chúa Giêsu nhìn thẳng vào ông và gọi cách dứt khoát: “Anh hãy theo tôi”. Bất ngờ quá, bỏ lại tất cả, không kịp bàn giao sổ sách, ông mời luôn cả nhóm về nhà “làm tiệc tạ ơn”.

Câu chuyện ơn gọi của Lêvi lại một lần nữa khẳng định, Chúa Giêsu gọi ai thì Ngài không quan trọng đến thời điểm nào, lý lịch ra sao mà trên hết tất cả là Ngài nhìn thấynơi ta có dám sẵn sàng bỏ hết tất cả để theo Chúa không?

Ngày hôm nay, nếu bạn đang ngồi nơi bàn giấy quyền cao lương hậu, đang vui thích với công việc đầy lợi nhuận… nếu Chúa gọi bạn bước theo ơn gọi tu trì, bạn có dám bỏ lại để theo Ngài không?

Khi phải lựa chọn giữa một bên là đức tin và lề luật Công Giáo và một bên là danh lợi vật chất, bạn có dám chọn Chúa không? Hay là đành “bỏ đạo” để không mất chức…?

Ngày hôm nay, Chúa cũng đang mời gọi bạn làm tông đồ cho Chúa. Thế nhưng, bạn có đáp lại lời mời gọi của Chúa cách thành tâm, thiện chí hay không, dám từ bỏ không, hay còn đang vướng víu bởi những của cải vật chất làm cho tâm hồn tôi trở nên nặng trĩu trước lời kêu gọi? 

Một số người được Chúa mời gọi khi còn niên thiếu, số khác được Chúa tỏ cho biết ơn gọi khi đã lớn khôn. Chúa dùng những đồng nghiệp, những liên hệ gia đình, hoặc các liên lạc xã hội để tỏ ra mục đích của Người. Chúa gọi thì không phân biệt quá khứ bạn là ai, nhưng chỉ thấy bạn từ lúc bạn bắt đầu bước theo. Cùng với ơn soi sáng cho bạn nhìn thấy ơn gọi, điều quan trọng là bạn không mặc cảm với quá khứ, mau mắn đáp trả, bỏ lại mọi sự và bước theo Chúa.

 

2. Kêu gọi người tội lỗi.

Một bệnh viện mà chỉ nhận săn sóc cho người mạnh khỏe thì quả thật là một bệnh viện không thể nào chấp nhận được; người khoẻ mạnh thì không cần đến bác sĩ… Cũng thế, Chúa Giêsu không còn là Ðấng Cứu Thế nữa, nếu Ngài chỉ muốn tiếp xúc với những con người tự phụ cho mình là công chính không cần đến Thiên Chúa.

Luật Do Thái coi ai tiếp xúc với kẻ thu thuế là đồng loã với tội lỗi và bị nhiễm uế, Chúa Giêsu vượt trên tất cả, Ngài đến đồng bàn trong bữa tiệc “tạ ơn”, “giải nghệ” và “chia tay đồng nghiệp” của Lêvi.

Người Do Thái coi người thu thuế, một hạng người được coi làm tay sai cho ngoại bang, làm tay sai cho Ðế Quốc La Mã thời đó, một hạng người mang tiếng ăn bẩn, tội lỗi và không tốt. Chúa lại nghĩ khác vì Chúa thấu suốt tâm can của con người. Biệt phái, Pharisiêu, tư tế, thông luật luôn nghĩ xấu cho người khác. Chúa nói với họ:" Ta đến không để gọi những người công chính mà là gọi những người tội lỗi và "Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần ". 

Đến với người thu thuế không có nghĩa là đồng loã với họ. Đến với họ, để mở cho họ con đường trở về. 

 

Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con biết học theo Chúa với cái nhìn bao dung và không thành kiến với mọi người, để chúng con không ngần ngại đến với những người tội lỗi và đem họ về với Chúa… Amen.

 

Lm. Hiền Lâm.

Thiết kế Web : Châu Á