Bài giảng

CÁC BÀI CHIA SẺ TIN MỪNG TUẦN V TN, 2019 (Lm. Hiền Lâm)

Trong một số huấn từ thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã mời gọi toàn thể Giáo Hội đừng ngần ngại “tiến ra chỗ nước sâu” để đối thoại với thế giới, để gặp gỡ con người thời đại và giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người.

 

CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN, NĂM C

THỨ HAI TUẦN V THƯỜNG NIÊN

THỨ BA TUẦN V THƯỜNG NIÊN

THỨ TƯ TUẦN V THƯỜNG NIÊN

THỨ NĂM TUẦN V THƯỜNG NIÊN

THỨ SÁU TUẦN V THƯỜNG NIÊN

THỨ BẢY TUẦN V THƯỜNG NIÊN

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh Chúa Gie6su nói: chèo ra chỗ sâu mà bắt cá

 


CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN, Năm C 

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 5, 1-11

Một hôm, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.

Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: "Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá." Ông Si-môn đáp: "Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới." Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.

Thấy vậy, ông Si-môn Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi! " Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta." Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.

 

II. SUY NIỆM

CHÈO RA CHỖ SÂU MÀ THẢ LƯỚI

Rao giảng Tin Mừng không phải là một kinh nghiệm cá nhân, nhưng do bởi sự hướng dẫn của Chúa, nghĩa là “vâng lời Thầy” chúng ta ra đi, và dám đi đến những chỗ nước sâu xa bờ, mới mong cứu vớt được nhiều linh hồn về cho Chúa. “Chèo ra chỗ sâu mà thả lưới bắt cá” là can đảm đối diện với cuộc đời và với những khó khăn phía trước để truyền bá Tin Mừng.

 

1. Chèo thuyền ra chỗ sâu mà thả lưới.

- “Chèo ra chỗ sâu mà thả lưới bắt cá”, nghĩa là ra khơi, tiến tới nơi nguy hiểm. Trong một số huấn từ Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã mời gọi toàn thể Giáo Hội đừng ngần ngại “tiến ra chỗ nước sâu” để đối thoại với thế giới, để gặp gỡ con người thời đại và giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người.

- “Chèo ra chỗ sâu mà thả lưới bắt cá”. Cá nhỏ ở thường ở theo bờ, cá lớn thì ở chỗ nước sâu, muốn thả lưới ở chỗ nước sâu phải ra khơi mà ra khơi thì nguy hiểm, vì thường gặp sóng to gió lớn. Nên ra khơi đòi người thả lưới bắt cá phải can đảm, phải dấn thân. Có “dấn thân” và “yêu nghề” thì người thả lưới mới luôn năng động, biết biến đổi hoàn cảnh và tận dụng mọi thời cơ, biết rút tỉa kinh nghiệm và luôn học hỏi để nâng cao tay nghề cho khả năng làm việc của mình hữu hiệu hơn, biết tận dụng mọi phương tiện cần thiết đúng nơi và đúng lúc, biết khai thác những thuận lợi và tìm cách tháo gỡ những khó khăn trong môi trường làm việc của mình.

- “Chèo ra chỗ sâu mà thả lưới bắt cá”, “muốn bắt cọp, phải vào hang”. Chúa khuyến khích chúng ta hãy can đảm đối diện với cuộc đời, với những khó khăn tưởng chừng như đã có lần đè ta quỵ ngã. Hãy đứng lên tiến về phía trước, vì Chúa đang mời gọi và đồng hành với chúng ta. Lịch sử truyền giáo từ xa xưa đã ghi lại những tâm gương hào hùng, đầy cảm động và thương tâm về những con người đã hy sinh khi “đến những chỗ sâu” để chài lưới bắt người, để chinh phục con người bằng Giáo Lý và đời sống bác ái yêu thương.

- Như vậy, Chúa Giêsu muốn nói với từng người trong chúng ta, dù mình ở trong vai trò nào, cũng dám dấn thân không ngại khó ngại khổ, để danh Chúa được nhiều người nhận biết. Chứ không né tránh, an thân hoặc sống phản chứng, không những không “bắt được cá” là đem các linh hồn về cho Chúa, mà còn làm lưới rách là các phương tiện thiêng liêng Chúa trao cho chúng ta cũng bị chúng ta làm cho hư hại…

- Tuy nhiên, các tông đồ ra khơi trên một con thuyền có Chúa, thì chúng ta cũng thế, không ai cho cái mình không có, chúng ta nói về Chúa thì chính mình phải có Chúa trước, chúng ta phải sống với Chúa rồi mới đem Chúa đến cho người khác được, chúng ta rao giảng Lời Chúa thì trước hết chúng ta phải học hỏi và suy niệm Lời Chúa rồi mới có khả năng truyền đạt cho tha nhân…

 

2. “Vâng lời Thầy, con thả lưới”.

- “Vâng lời Thầy, con thả lưới”. Với kinh nghiệm đầy mình về nghề chài lưới, nhưng tự sức mình Phêrô đã thất bại, nhưng khi Phêrô bỏ đi cái tôi của mình, để tin tưởng và vâng phục Chúa, ông đã thành công với “mẻ cá lạ lùng”.

- “Vâng lời Thầy, con thả lưới”. Phêrô khi đáp trả vâng lệnh Chúa, đã không sống ỷ lại căn cứ vào kinh nghiệm riêng cá nhân, không ỷ lại vào những an toàn phàm trần, không nương tựa vào những suy tư và hành động của riêng cá nhân mình.

- Mẻ cá của Phêrô năm xưa đã làm cho ông nhận ra sự yếu đuối của mình và cuối cùng ông đã bỏ lại mọi sự để theo Chúa. Thật vậy, điều quan trọng hơn cả là sau những chiến tích làm được, Phêrô không tự hào cho công trạng của mình, nhưng ông đã đến quỳ dưới chân Chúa để nhìn nhận sự yếu kém của mình. Đây là bài học lớn cho mỗi người chúng ta, đàng sau một thất bại, chúng ta không nản chí, nhưng tin tưởng vào Chúa và vâng lời Người chúng ta làm theo Chúa hướng dẫn thì thành công sẽ đến. Khi thành công, hãy quy hướng cho vinh quang Chúa, chứ đừng tự đắc là do mình.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con khi rao truyền lời Chúa, không ỷ lại vào kinh nghiệm và khả năng riêng mình, nhưng biết luôn xin ơn soi dẫn, để vâng lời Ngài, chúng con dám can đảm đối diện và dấn thân đến những mảnh đất tâm hồn chai đá và nơi khó khăn nhất, để đem nhiều linh hồn về cho Chúa. Amen.

 

 

THỨ HAI TUẦN V THƯỜNG NIÊN 

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 6,53-56

Khi qua biển rồi, Đức Giêsu và các môn đệ ghé vào đất liền tại Ghen-nê-xa-rét và lên bờ. Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giêsu. Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó. Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.

 

II. SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay tuy ngắn, nhưng phản ảnh được sự hiện diện yêu thương của Chúa Giêsu trong việc rao giảng và chữa lành, đồng thời nói lên thao thức của những người bệnh tật đau khổ ao ước được gặp và được đụng chạm đến Chúa Giêsu để được ơn chữa lành.

 

1. Sự hiện diện của Chúa Giêsu.

Chúng ta vẫn thường hát: “Đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời, đâu có lòng từ bi, ở đó có ân sủng Người…” Phải, Nơi nào có Chúa, nơi đó có niềm vui, bình an và ơn chữa lành. Cụ thể là như bài Tin Mừng hôm nay nói tới, Chúa Giêsu có mặt ở đâu, thì người ta chen nhau tới với Người để được ân sủng Người chữa lành. Sự hiện diện của Chúa Giêsu là sự hiện diện của tình yêu và lòng bác ái, Ngài gần gũi và quan tâm đến con người, đặc biệt những người đau khổ và yếu đuối.

Trong cuộc sống, có những người, sự xuất hiện của họ làm cho bầu khí trở nên vui tươi, sự hiện diện của họ làm cho tâm hồn ta cảm thấy bình an, nhẹ nhàng như có thêm một sự nâng đỡ, một nơi cậy dựa. Ngược lại, có những kẻ, họ ở đâu là ở đấy sắp xảy ra xáo trộn, bất an, mọi người không ai hoan hô sự góp mặt của họ, thậm chí còn tìm cách tránh xa họ như tránh xa một thứ bệnh dịch.

Thế nên, Chúa Giêsu mời gọi mọi người chúng ta sống chiều kích hiện diện đầy yêu thương, đem đến bình an và thực thi đức bác ái, hầu xoa dịu sự đau khổ của kiếp người. Chính sự hiện diện đó làm cho mọi người cảm kích mà chạy đến với Chúa, tựa như một bông hoa tỏa hương thu hút muôn loài đến với nó.

 

2. Khao khát được chạm đến Chúa.

Mọi người chu1ng ta đều là phàm nhân đầy những giới hạn và tật nguyền nơi thân xác và trong linh hồn, nhưng có Chúa Giêsu luôn đang đi qua cuộc đời chúng ta, vì thế chúng ta cần phải biết gặp Chúa. Chúng ta hãy luôn ý thức mình đang mang trọng bệnh, để chạy đến với Chúa, như người con hoang đàng chạy về với cha già, nói lời ăn năn, để được ơn chữa lành.

Tin Mừng kể rằng: Mọi người đã đem đến cho Chúa Giêsu đủ loại bệnh nhân và Người đã đặt tay chữa lành họ. Chúa sẽ không thể chữa lành chúng ta nếu chúng ta không chạy đến với Người, Chúa cũng không thể tha thứ tội lỗi và chữa lành thương tích trong linh hồn chúng ta nếu chúng ta không chịu đem hết mọi tội lỗi đi xưng thú qua bí tích Hoà Giải. Hãy để cho Chúa đặt tay trên chúng ta, nghĩa là để cho Chúa đụng chạm thật sự vào linh hồn chúng ta, để chúng ta được thánh hoá.

Hãy can đảm đứng lên, mau chạy đến bí tích hoà giải để được Chúa chữa lành thương tích linh hồn, để hoà nhập với cộng đồng. Hãy chạy đến bí tích Thánh Thể để tâm hồn được chạm đến Chúa Giêsu và sinh lực từ Thánh Thể sẽ phát ra làm cho chúng ta nên mạnh mẽ.

 

Lạy Chúa Giêsu, cũng như mọi người bệnh hoạn tật nguyền xưa đã đến cùng Chúa và đã được chữa lành. Nay chúng con cũng chạy đến với Chúa mang theo mọi tật nguyền của đời chúng con. Xin Chúa thương cho chúng con được đụng chạm tới Chúa và được Chúa chữa lành cả tinh thần lẫn thể xác chúng con. Amen

 

 

THỨ BA TUẦN V THƯỜNG NIÊN

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 7,1-13

Có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến. Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su: "Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa? " Người trả lời họ: "Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng:

Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng,

còn lòng chúng thì lại xa Ta.

Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích,

vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.

Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm." Người còn nói: "Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông. Quả thế, ông Mô-sê đã dạy rằng: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử! Còn các ông, các ông lại bảo: "Người nào nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là "co-ban" nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa" rồi, và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa. Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa! "

 

II. SUY NIỆM

Việc rửa tay trước khi ăn là một thói quen tốt giúp an toàn vệ sinh, nó như là một nét văn hoá được các giáo viên mầm non tập cho trẻ từ thuở bé. Và ở nhiều nơi trên thế giới, việc rửa tay trước khi ăn đã trở thành một tập tục, thậm chí như là một điều buộc phải làm để giữ gìn vệ sinh. Tuy nhiên, đối với các Pharisiêu thì nó được giải thích như là một điều luật và là một nghi thức tôn giáo để đánh giá con người trong sạch hay dơ bẩn.

 

Bài Tin Mừng hôm nay kể về việc người Biệt Phái thắc mắc vì một số môn đệ Chúa Giêsu không rửa tay trước khi ăn.  Người Biệt Phái thắc mắc không vì việc Chúa Giêsu không giữ an toàn vệ sinh ăn uống, mà là cho rằng việc Chúa lỗi luật và vi phạm nghi thức tôn giáo truyền thống  về việc sạch dơ. Chính vì thế mà Chúa Giêsu không phải lên án việc rửa tay cũng như rửa chén đĩa hay những thứ đồ vật khác trước khi ăn, nhưng Người muốn nhân cơ hội để dạy cho các ông Pha-ri-sêu một bài học quan trọng hơn – một sự trong sạch đích thực là sự trong sạch cho tâm hồn, chứ không phải cái mã bề ngoài.

 

Vì quá câu nệ luật nên biệt phái Pharisiêu lẫn lộn cái chính yếu với cái phụ tùy, quá chú trọng đến cái phụ tuỳ bên ngoài mà đánh mất cái chính yếu bên trong là đức công bằng. Họ quan niệm giữ luật Chúa là tuân thủ những luật lệ, những nguyên tắc và những lễ nghi bề ngoài, nghiêm ngặt phần hình thức như "rửa tay trước khi ăn", "dâng lễ phẩm cho Chúa thay thế sự hiếu kính cha mẹ". Họ dùng nghi lễ bề ngoài, để thoái thác một bổn phận căn bản về phụng dưỡng cha mẹ, lấy quy ước của các tập tục phàm nhân do họ đặt ra để xóa bỏ đi điều răn của Thiên Chúa.


Đối với Chúa Giêsu, quan niệm về những đòi hỏi của Thiên Chúa được thể hiện lớn nhất bằng luật yêu thương. Ngài xem giữ luật là một cảm nghiệm sống ở trong lòng, một biểu hiện liên đới, nhân từ, vượt trên hình thức, là tấm lòng trong sạch và đời sống yêu thương.
Chúa Giêsu lấy một ví dụ về việc thực hành tập tục phàm nhân bịa ra để cho họ thấy, chẳng những đây không phải là luật Chúa mà còn có thể đi ngược lại Luật Chúa. Luật Thiên Chúa trong điều răn thứ tư là phải "hiếu thảo với cha mẹ của mình”.

Người Pharisêu giới hạn bổn phận con cái dựa trên hoàn toàn vật chất, một nghĩa vụ vật chất được họ gán cho nghĩa vụ đạo đức. Đối với Đức Giêsu, Ngài nhắc nhở cho các Pharisêu,và mọi thế hệ rằng:" Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử" (Mt 15,4). Thảo hiếu với mẹ cha không chỉ dừng ở của cải vật chất nhưng phải hiếu thảo bằng cả tấm lòng yêu thương và tôn kính. 

Ngày nay, thật đáng lo ngại là cho sự khủng hoảng đạo lý nơi nhiều gia đình. Có những người con chỉ dừng trên nghĩa vụ, bổn phận lo lắng cho cha mẹ của cải vật chất, mà quên đi cha mẹ còn phải được kính trọng và yêu mến. Vật chất chỉ là giá trị bề ngoài nhưng chính giá trị tinh thần, giá trị đạo đức mới quan trọng cho đời sống cha mẹ. Giá trị đạo đức bị đảo lộn bởi có những đứa con coi vật chất là trên hết, đặt tiền tài trên nghĩa vụ làm con, sẵn sàng gửi cha mẹ vào các nhà dưỡng lão mà quên rằng bổn phận của con cái là nuôi dưỡng, thăm hỏi khi cha mẹ còn sống, và cầu nguyện xin lễ cho các ngài khi đã qua đời.

 

Như vậy, Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta, không thể có một sự thỏa hiệp nào giữa hai quan niệm luật hình thức và luật yêu thương; không thể san bằng nghi thức bên ngoài với lệnh truyền của Chúa; không dùng tập tục con người để trốn tránh giới răn Thiên Chúa dạy phải sống trọn đạo hiếu.

 

Lạy Chúa Giêsu, khi còn sống ở trần gian nơi gia đình Thánh Gia Nazareth, Chúa đã nêu gương về lòng đạo đức và vâng phục thánh Giuse và mẹ Maria. Xin cho chúng con cũng luôn biết tôn kính vâng lời và phụng dưỡng các bậc cha mẹ, xứng với công ơn sinh thành và dưỡng dục của các ngài đã dành cho chúng con. Amen

 

 

THỨ TƯ TUẦN V THƯỜNG NIÊN 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 7,14-23

Đức Giê-su gọi đám đông tới mà bảo: "Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. Ai có tai nghe thì nghe! "

Khi Đức Giê-su đã rời đám đông mà vào nhà, các môn đệ hỏi Người về dụ ngôn ấy. Người nói với các ông: "Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao? Anh em không hiểu sao? Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài? " Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch. Người nói: "Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế."

 

II. SUY NIỆM

Tiếp nối Tin Mừng ngày hôm qua, Chúa Giêsu tiếp tục tranh luận về những quan niệm sạch – dơ của người Do-thái.

Lời dạy của Chúa Giêsu hôm nay lên án chuyện sạch – dơ, xem ra chẳng ăn khớp gì với nhau, bởi khi nói cái đi vào thân thể con người là thực phẩm ăn uống và cái xuất ra từ con người lại nói đến tư tưởng. Đó là hai phạm trù khác nhau giữa vật chất và tinh thần. Thật ra, Chúa Giêsu dung chính cái lối quan niệm sai lầm về tục tục của Do-thái để tranh luận với họ. Họ coi những chuyện ăn uống đồ ăn vật chất lại làm cho tâm hồn thuộc tinh thần ra dơ uế hoặc thanh sạch.

Chuyện đồ ăn thức uống hằng ngày chỉ là nhu cầu nuôi sống thể xác, nhưng đã bị các kinh sư đẩy lên thành một thứ luật lệ và thậm chí đặt nó thành định chế tôn giáo. Họ phân định ra những thức ăn nào là dơ và thức ăn nào là sạch, thức ăn nào bị cấm và thức ăn nào được ăn, thức ăn nào thành tội và thức ăn nào là thánh…

Chúa Giêsu không đồng tình với cách phân biệt này, Người khẳng địnhmọi thức ăn đều sạch, chỉ có lòng người mới là nguồn gốc của sự ô uế (x. Mc 7,19).

Đành rằng có thể có những đồ ăn thức uống có thể làm ảnh hưởng đến sức khoẻ vì có độc hoặc không đảm bảo vệ sinh, nhưng chắc chắn không có thứ thực phẩm nào làm cho tâm hồn ra ô uế được. Sự ô uế của tâm hồn chỉ xảy đến từ những tư tưởng xấu và những hành động xấu mà Chúa Giêsu đã liệt kê ra hôm nay: “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế." (Mc 7,21-23).

Tuân giữ lề luật không phải câu nệ theo mặt chữ, mà với cả lòng yêu mến và bác ái với mọi người. Vì quá câu nệ luật nên người Pharisiêu lẫn lộn cái chính yếu với cái phụ tùy, quá chú trọng đến cái phụ tuỳ bên ngoài mà đánh mất cái chính yếu bên trong là đức công bằng. Lo rửa tay rửa chén đĩa cho sạch, mà tâm hồn thì nhơ uế đầy gian tà cướp bóc, an tâm với những việc giữ luật bề ngoài mà không màng tới tinh thần. Đó là lối sống đóng kịch và khoe khoang khi muốn tỏ ra cho những người xung quanh thấy những việc làm của họ để được ca tụng. 

 

Lời Chúa Giêsu nói với người Pha-ri-sêu cũng là lời cảnh tỉnh cho con người thuộc mọi thời đại. Bên ngoài người ta có thể là những người rất đạo mạo, lịch sự, danh giá, chức quyền, sang trọng, nhưng bên trong lại chất chứa đầy sự tham lam độc ác “đầy những chuyện cướp bóc, gian tà”. Bên ngoài đẹp như hàng Nhật, nhưng bên trong thì là linh kiện rởm của Trung Quốc. Nhiều người chúng ta ưa tô điểm cho vẻ bề ngoài của mình để được nổi trội, kể cả việc làm phúc bố thí, nhưng bên trong đầy những mưu mô ngầm ý về danh tiếng và danh vọng. 

Lời Chúa mời gọi chúng ta trong khi lo trang điểm cho mình vẻ đẹp bề ngoài, thì cũng lo trang sức cho tâm hồn những nhân đức thánh thiện, lo cải hoá đời sống để được đổi mới trong mọi sự. Sống đạo với nghi lễ, làm đủ việc đủ giờ mà thôi thì chưa đủ, nhưng phải có tâm tình bên trong, và trong đời sống thường ngày, phải tỏ hiện lòng yêu mến Thiên Chúa và bác ái với mọi người.

 

Lạy Chúa, xin cho chúng con trong khi biết lo làm đẹp bề ngoài, thì cũng lo cho linh hồn mình nên trong sạch trước mặt Thiên Chúa. Amen.

 

 

THỨ NĂM TUẦN V THƯỜNG NIÊN 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 7,24-30

Đức Giê-su đứng dậy, rời nơi đó, đến địa hạt Tia. Người vào một nhà nọ mà không muốn cho ai biết, nhưng không thể giấu được. Thật vậy, một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào sấp mình dưới chân Người. Bà là người Hy-lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà. Người nói với bà: "Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con." Bà ấy đáp: "Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con." Người nói với bà: "Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi." Về đến nhà, bà thấy đứa trẻ nằm trên giường và quỷ đã xuất.

 

II. SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay kể việc Chúa Giêsu mở rộng việc truyền giáo xuống miền duyên hải - địa hạt Tyrô và Siđôn. Tại đây, Người gặp một người đàn bà ngoại giáo đến xin người trừ quỷ cho con gái của bà. Cuộc đối thoại và việc chữa lành trong câu chuyện làm nổi bật lên hai đặc tính: Niềm tin và ơn cứu độ phổ quát:

 

1.  Sự thử thách niềm tin

Trước sự cầu xin của người đàn bà ngoại giáo (không thuộc Do-thái giáo), lời trả lời đầu tiên của Chúa Giêsu nghe có vẻ nặng nề và miệt thị, nhưng cũng qua đó cho thấy niềm tin của người đàn bà rất mạnh vượt lên trên mọi ngăn cách tôn giáo, sự kỳ thị và có thể cả sự khinh khi. 

“Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con." Câu nói này có vẻ mang dáng dấp của một sự khinh miệt và xúc phạm danh dự (điều này chúng ta sẽ bàn sau), nhưng thật không ngờ người đàn bà không nao núng theo tính tự ái mà còn thân thưa: "Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con." Trước đức tin cao độ như thế, Chúa Giêsu đành chào thua mà ban cho bà điều bà xin. Bà tin lòng thương xót của Chúa bao la, chắc chắn cũng vượt ra bên ngoài dân Do-thái, nên bà có thể hưởng được những mảnh vụn của lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa thương yêu mọi người, muốn cứu rỗi mọi người. Lòng tin khiêm tốn bền vững của con người càng chiếm được tình yêu và ơn cứu rỗi của Chúa.

Chúng ta cũng thế, trong cầu nguyện, nhiều lần chúng ta cũng cảm nhận như Chúa từ chối, nên rất cần sự kiên trì tin tưởng và tu luyện đức tin mình được vững chắc. Càng gặp khó khăn đức tin của chúng ta càng lớn lên, càng sâu sắc và giàu kinh nghiệm. Càng gặp khó khăn trong đời sống, đức tin của chúng ta càng có giá trị khi ta một mực trung thành với Chúa, đức tin của chúng ta sẽ rạng rỡ trước mặt mọi người, và trước mặt Thiên Chúa.

 

2. Ơn cứu độ phổ quát.

Trở lại với vấn đề ở trên: Liệu câu nói của Chúa Giêsu có mang tính miệt thị không?

Sứ mạng của Chúa Giêsu được khẳng định từ đầu là ưu tiên tìm kiếm con chiên lạc nhà Israel trước: “Thầy chỉ được sai đến cứu những con chiên lạc nhà Israel mà thôi”. Cũng như Chúa đã chỉ thị khi sai nhóm mười hai “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samaria. Tốt hơn, là hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel” (Mt 10, 5-6). Mãi cho đến thời các Tông Đồ, chính thánh Phêrô vẫn không dám đến với dân ngoại sau khi nhận được thị kiến về cái khăn buộc túm bốn góc chứa đầy những rắn rết bọ cạp mà Chúa bảo thánh nhân làm thịt mà ăn (x.Tđcv 10,9-16). Thánh Phaolô và Barnaba cũng từng khẳng định sứ mạng này (x.Tđcv 13,46-47). Đây là chương trình của Thiên Chúa qui tụ dân Israel trước rồi mới đến muôn dân thiên hạ. Vì thế, câu nói của Chúa Giêsu: "Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con" không thể giải thích đó là dấu biểu thi sự khinh miệt của Người đối với người khác đạo; đúng hơn, Chúa muốn mọi người đừng quên ưu thế của người Do-thái trong việc thừa hưởng ơn cứu độ, bởi vì Thiên Chúa đã chọn cha ông họ và muốn tỏ lòng trung thành với cha ông họ. Người Do-thái được ưu tiên, chứ không phải là những người duy nhất được hưởng ơn cứu độ; vì thế, dù quan tâm săn sóc người Do-thái nhiều đến đâu, Chúa Giêsu cũng không để trở thành vật sở hữu độc quyền của họ, Người vẫn có tự do bày tỏ tình thương đối với người khác.

Tuy vậy tấm lòng của Chúa Giêsu vẫn hằng rộng mở trước lời cầu xin của người dân ngoại như viên đại đội trưởng thành Caphanaum và người đàn bà ngoại giáo miền Tyrô. Họ là hoa quả đầu mùa sứ điệp của Người, sau đó các môn đệ Người sẽ tiếp nối để mở rộng cửa tiếp đón muôn dân nước vào Nước Trời. Có thể nói, khi người đàn bà ngoại giáo với niềm tin mãnh liệt vượt qua cả sự ngăn cách tôn giáo và sự kỳ thị dân tộc để đến với Chúa, thì Chúa Giêsu cũng sẵn sàng vượt qua sứ mạng ban đầu để đến với bà và chữa lành cho con gái bà.

Lạy Chúa,  xin ban cho mọi người chúng con có một đức tin vững chắc, luôn trung thành với Chúa, luôn tin tưởng cậy trông vào Chúa là Đấng duy nhất có quyền năng làm được mọi sự, cho dù bất cứ hoàn cảnh nào xảy đến cho chúng con. Amen.

 

 

THỨ SÁU TUẦN V THƯỜNG NIÊN

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 7,31-37

Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: "Ép-pha-tha", nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. Đức Giê-su truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc, và nói: "Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được."

 

II. SUY NIỆM

Bệnh câm và điếc thường đi đôi với nhau, vì khi không nghe được gì thì cũng chẳng biết gì để nói. Bệnh câm hay ngọng và điếc tuy không bị tách lìa khỏi đời sống xã hội, nhưng lại bị ngăn cách khỏi sự giao tiếp đối thoại với nhau. Người điếc hoàn toàn thiệt thòi về mọi âm thanh diễn ra xung quanh mình và đặc biệt không hiểu được người khác nói gì dù lời nói của họ có liên hệ đến mình. Còn người câm hay ngọng thì lại rất thiệt thòi về những tâm tư tình cảm ước muốn mình muốn diễn tả, đôi khi còn bị chê trách, hiểu lầm và chế nhạo. Chính sự câm điếc tuy không lấy đi hoàn toàn sự liên đới với tha nhân, nhưng vì bị hạn chế hai giác quan cần thiết này đã dần dần đẩy họ ra khỏi mọi sinh hoạt cộng đồng, phần chỉ vì không nghe không hiểu và không diễn tả được, phần vì mặc cảm và sự khinh khi… cuối cùng dẫn đến tình trạng bơ vơ bất hạnh ngay giữa người than và cộng đồng.

Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu chữa lành cho một người vừa bị ngọng vừa bị điếc bằng cách kéo riêng anh ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh, rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: "Ép-pha-tha", nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại và anh ta nói được rõ ràng.

Hành động chữa lành của Chúa Giêsu hôm nay xem ra phức tạp hơn nhiều so với những lần trước đó: Thay vì một lời ra lệnh hoặc một cử chỉ đặt tay như cách Người thường làm, thì với người điếc - ngọng này, Chúa Giêsu phải dung ngón tay xỏ vào tai, dung nước miếng của mình bôi lên lưỡi bệnh nhân, rồi thở dài không nhìn vào anh mà nhìn lên trời mà nói: Hãy mở ra… Phải chăng, cách thức chữa bệnh này mang một ý nghĩa đặc biệt nào đó?

Có lẽ cách thức chữa trị này mang tính biểu tượng vì tình trạng của con người lúc bấy giờ đã ra nặng nề làm ngơ giả điếc trước Tin Mừng và mọi miệng lưỡi không còn ca ngợi Thiên Chúa nữa. Tâm trạng Chúa Giêsu “rên” - “thở dài” và hô lên: Ép-pha-tha! Điều này vừa diễn tả sự rên siết của Người vừa như là một tiếng hét thấu trời xanh để mở đôi tai còn đóng lại của nhân loại: HÃY MỞ RA.

Đó cũng là thực trạng của nhân loại hôm nay, cách riêng với nhiều người trong chúng ta, khi làm ngơ trước Lời Chúa và điều hay lẽ phải, bịt tai trước những lời góp ý xây dựng; miệng lưỡi không còn dùng để đọc kinh, ca ngợi và rao truyền chân lý của Chúa, cũng như im lặng trước những bất công và không dám nói lên sự thật.

 

ÉP-PHA-THA – HÃY MỞ RA, lạy Chúa Giêsu xin hãy đến mở tai lòng chúng con để chúng con nghe lời Chúa dạy và mở miệng chúng con để chúng con ca ngợi danh và rao truyền danh Chúa. Amen.

 

 

THỨ BẢY TUẦN V THƯỜNG NIÊN 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 8,1-10

Trong những ngày ấy, lại có một đám rất đông, và họ không có gì ăn, nên Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói: "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn! Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến." Các môn đệ thưa Người: "Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no? " Người hỏi các ông: "Anh em có mấy chiếc bánh? " Các ông đáp: "Thưa có bảy chiếc." Người truyền cho họ ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra. Và các ông đã dọn ra cho đám đông. Các ông cũng có mấy con cá nhỏ. Người đọc lời chúc tụng, rồi bảo các ông dọn cả cá ra. Đám đông đã ăn và được no nê. Người ta nhặt lấy những mẩu bánh còn thừa: bảy giỏ! Mà đám đông có khoảng bốn ngàn người. Người giải tán họ. Lập tức, Đức Giê-su xuống thuyền với các môn đệ và đến miền Đan-ma-nu-tha.

 

II. SUY NIỆM

Hôm nay, khi đến với dân chúng, Chúa Giêsu thực hiện hai công việc của Đấng Cứu Thế, đó là chữa lành và nuôi dưỡng dân Người. Cả hai đều nói lên lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa đối với con người, nhất là những người đau khổ, vì họ vừa mang lấy bệnh tật thể lý vừa mang nặng bệnh tật tâm linh, vừa đói khát của ăn vật chất vừa đói khát của nuôi linh hồn. Hành động yêu thương của Chúa được cụ thể qua việc ra tay chữa lành các bệnh tật cho dân, và đặc biệt chạnh lòng thương hoá bánh ra nhiều để nuôi dưỡng họ.
Và đây là lần thứ hai Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều để nuôi dân chúng vì lòng cảm thông và mời gọi chúng ta cũng noi gương Người san sẻ cho nhau.


1. Biết cảm thương như Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu chạnh lòng thương (cái đói vật chất cũng như tinh thần của con người).

Tuy nhiên, Chúa không dùng quyền năng để hô biến đem của ăn từ đâu tới, nhưng Ngài muốn con người cộng tác dâng lên của ăn từ bàn tay lao động của con người (nghề trồng trọt – bánh; nghề đánh lưới - cá). 

Từ đó, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta:

- Cần có tâm trạng “chạnh lòng thương” của Chúa Giêsu trước những người kém may mắn, những người đói khát cả tinh thần lẫn vật chất (nghèo tinh thần là đói khát Lời Chúa và Thánh Thể..., nghèo đói vật chất là thiếu những nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống).
Rồi đi đến hành động như Chúa Giêsu là dâng lời tạ ơn Thiên Chúa Cha rồi bẻ ra phân phát cho dân: Chúng ta dừng lại ở các động từ “tạ ơn”, “bẻ ra” và “trao”.:

- Chia sẻ: Giúp đỡ người khô khan trở về với Chúa, san sẻ phần mình cho kẻ đói nghèo trong mức độ có thể.

- Tạ ơn: mỗi người dâng cho Chúa phần của mình, dâng lời tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta lương thực hắng ngày.

- Bẻ ra: Mọi người đừng ăn một mình, nhưng hãy bẻ ra để chia cho những người khác thiếu may mắn hơn chúng ta.

- Trao cho: Nhạy bén trước nhu cầu của người đang đói mà đến trao cho họ, chứ không đợi họ phải xin rồi mới cho.


2. Chính anh em hãy cho họ ăn.

Chúa chỉ đích danh từng người chúng ta, CHÍNH ANH, CHÍNH CHỊ, CHÍNH CON chứ không phải ông này bà kia cho họ ăn.

Nghĩa là chính mỗi người chúng ta có liên đới trách nhiệm với mọi người xung quanh chúng ta (nơi giáo xứ, trường học, nơi làm việc) cả tinh thần và vật chất.

- Về tinh thần: Có trách nhiệm về đức tin và đạo đức với cận nhân. Đó không phải chỉ là chuyện chỉ dành cho cha xứ, dành cho các Giáo Lý Viên, mà là mọi người con Chúa đều mang trên mình sứ mạng phải truyền bá và làm chứng đời sống đức tin và đạo đức cho anh em.

- Về vật chất: Biết chia cơm sẻ áo cho người thiếu thốn hơn mình. Đó không phải chỉ là việc của những nhà từ thiện, những tổ chức cứu trợ, mà là trong khả năng chung tay đóng góp của mình.


Lưu ý, CHO chứ không bảo họ phải mua của mình, không phải đưa ra lời khuyên bảo họ ra quán mà mua (như giải pháp của các môn đệ đưa ra, đuổi khéo họ về cho họ vào làng mạc xung quanh để kiếm ăn).

Mọi người có tương quan liên đới và chịu trách nhiệm với nhau trong một giáo xứ, trong một trường học, trong nơi mình sống và làm việc, liên đới với đồng loại.

Khi một thành viên trong giáo xứ làm điều xấu, thì thiên hạ đàm tiếu rằng nó là người của xứ đó, người của lớp đó, người của trường đó, người thuộc sự dạy dỗ của cha xứ đó, GLV đó…

Và ngược lại, một người làm điều tốt, thì cũng liên đới như vậy…

Chúng ta có trách nhiệm giúp đỡ nhau sống đạo, giúp đỡ nhau sống đời. Chúng ta có bổn phận đưa tiễn và cầu nguyện cho người đã qua đời…


Tóm lại: 

Qua bài TM hôm nay, Chúa không những muốn ta có lòng cảm thương, mà còn cộng tác thiết thực với Chúa trong khả năng mình có thể, để xoá dần sự đói nghèo vật chất cũng như tinh thần của những người cần đến chúng ta, cách riêng nơi chúng ta đang sống.

 

Cúi lạy Chúa, xin mở rộng tay con

Đang nắm lại giữ khư tất cả

Trước nhà con bao người nghèo đói lả

Xin dạy con biết san sẻ vui lòng (CGKPV).

Amen

 

Lm. Hiền Lâm

Thiết kế Web : Châu Á