Bài giảng

Bài chia sẻ TM Chúa Nhật V Mùa Chay, Năm C (Minh An)

Chúa Giêsu đã dùng trái tim nhân hậu của Thiên Chúa để cứu người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình khỏi án tử. Ngài là Đấng giàu lòng thương xót, Ngài đến thế gian để tìm kiếm và chữa lành những tâm hồn tội lỗi biết ăn năn sám hối.

 

CẦN LẮM MỘT TRÁI TIM BIẾT YÊU THƯƠNG

(Ga 8,1- 11)

 

Minh An

Chúa Nhật thứ V, Mùa Chay hôm nay, Giáo hội chọn đọc bài Tin mừng trích từ Ga 8,1-11, trình thuật về người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Theo Luật Môsê thì người phụ nữ này bị ném đá cho đến chết. Nhưng, kết thúc câu truyện lại là một chuyển biến có lợi cho người phụ nữ, chị được tha bổng, chị không những bị kết án theo luật mà còn được Chúa Giêsu an ủi nữa: “Tôi không lên án chị đâu, chị hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. Qua Tin Mừng này, chúng ta suy niệm ba điểm sau đây:

1. Chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng thẩm phán tối cao

Theo Mt 7,1-2, Chúa Giêsu khẳng định rằng: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán”, hoặc “anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án” (Lc 6,37b). Điều này muốn nói lên rằng: Là con người, là anh chị em với nhau, không ai có quyền lên án hay kết án tội lỗi của anh chị em mình. Chỉ có Thiên Chúa mới là thẩm phán tối cao, chỉ có Người mới có quyền kết án tội lỗi của con người mà thôi.

Thế nhưng, nhiều khi con người đã tự ban cho mình quyền thẩm phán để kết tội anh chị em của mình. Trong bài Tin mừng hôm nay, người ta đưa đến trước mặt Chúa Giêsu một người phụ nữ đã bị bắt gặp phạm tội ngoại tình và muốn Ngài cho chị ta một bản án khác với luật Môsê: “Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”. Nếu Chúa Giêsu áp dụng hình phạt theo luật Môsê, Ngài đã đi ngược lại với lời dạy bác ái, yêu thương, tha thứ...của Ngài. Còn, nếu Ngài tha thứ thì Ngài đã phạm luật Môsê. Bởi vậy, Ngài đã chọn phương pháp im lặng và viết lên đất... Chúa im lặng, không có nghĩa là Chúa đồng ý với tội lỗi của người phụ nữ, nhưng Chúa im lặng là để tìm những phương cách đưa người tội lỗi ăn năn sám hối.

Đối diện với lời kết tội của các kinh sư và Pharisêu, Đức Giêsu hỏi họ: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá ném trước đi”. Nghe lời chất vấn của Đức Giêsu, kẻ trước, người sau, từ già xuống trẻ... lần lượt rút lui, chỉ còn lại một mình Đức Giêsu và người phụ nữ, Ngài nói: “Tôi cũng không kết án chị đâu”. Đó là cách xét xử của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu ghét tội, nhưng Người yêu thương kẻ có tội. Người không dung túng cho tội lỗi của người phụ nữ, nhưng Người cho chị một cơ hội làm lại cuộc đời: “Chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa”. Có nhiều khi chúng ta cũng chẳng khác gì những kinh sư, những Pharisêu kia... chỉ biết nhìn thấy tội của anh chị em, trong khi mình tội lỗi ngập đầu thì không để ý đến. Chúng ta chỉ thích kết án kẻ khác và không bao giờ muốn nghe ai nói về tội lỗi của mình.

2. Tội lỗi là dấu chứng cho thấy con người bất toàn

Trong thư của mình, thánh Gioan đã khẳng định: Ai nói mình không có tội thì đó là kẻ lừa dối. Còn thánh Phaolô thì khuyên bảo: “Anh em đừng phạm tội, chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4,26). Và nơi đền thánh, người thu thuế đã cầu nguyện thảm thiết và cúi mặt khóc than rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Như thế, qua lời nói của thánh Gioan và thánh Phaolô, hay người thu thuế, chúng ta nhìn nhận được rằng, là con người, ai cũng có thể có tội và chính tội lỗi đã làm cho con người ta bất toàn.

Khi những kinh sư và Pharisêu đưa đến trước Chúa Giêsu người phụ nữ phạm tội ngoài tình là dấu chứng cho thấy chính họ cũng là những con người tội lỗi, vì tất cả những người trong số họ không ai đủ can đảm cầm hòn đá để ném người phụ nữ phạm tội: “Ai trong các ông sạch tội thì hãy ném đá người phụ nữ này trước đi...nhưng họ đã rút lui hết”. Những người trực tiếp tố cáo người phụ nữ phạm tội, nhưng lại không dám cầm đá để ném cô ta, có lẽ là vì họ cũng thấy mình là tội nhân, nên đã tìm cách rút êm.

Khi ai đó cảm nhận được tội lỗi của bản thân, sẽ dễ cảm thông trước lỗi lầm của người khác. Do vậy, chúng ta cũng không nên xem thường hay khinh miệt anh chị em của chúng ta khi họ lỗi phạm. Chúng ta nên nhìn họ với cái nhìn của Chúa Giêsu để cùng hoán cải, cùng mong được Chúa thứ tha.

3. Cần lắm một tấm lòng biết tha thứ và cảm thông

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong ca khúc “Để gió cuốn đi” đã mong ước rằng: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì, em biết không em?”. Chắc chắn, ông muốn có một tấm lòng để đem lại ích lợi, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân. Còn với Chúa Giêsu, hơn 2.000 năm trước, Ngài cũng ao ước con người cần có một tấm lòng, nhưng là lòng nhân từ: “Ta muốn lòng nhân từ, chứ đâu cần lễ tế” (Mt 12,7). Hay “anh em hãy có lòng thương xót như cha anh em là Đấng xót thương” (Lc 6,36). Với thánh Phaolô, ngài mong ước tín hữu Rôma có lòng bác ái, nhưng là lòng bác ái chân thật: “Lòng bác ái không được giả hình, giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình” (Rm 12,9).

Những người kinh sư và Pharisêu dẫn đến cho Chúa Giêsu người phụ nữ phạm tội ngoại tình để nhằm mục đích kết án cả Chúa Giêsu và người phạm tội, nhưng Chúa đã chỉ cho họ bài học về lòng xót thương, và biết quảng đại như Ngài: Này chị, họ đâu cả rồi? không ai lên án chị sao? Không có ai cả! Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu.

Chúa Giêsu đã dùng trái tim nhân hậu của Thiên Chúa để cứu người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình khỏi án tử. Ngài là Đấng giàu lòng thương xót, Ngài đến thế gian để tìm kiếm và chữa lành những tâm hồn tội lỗi biết ăn năn sám hối. Nhìn vào Chúa Giêsu, ta thấy sự tha thứ của Ngài không có biên giới. Tình yêu của Ngài vượt xa lầm lỗi của con người. Ngài muốn con người đến với Ngài để được đổi mới. Ngài không chấp tội của con người không phải Ngài đồng lõa với tội lỗi của con người, nhưng Ngài dùng lòng thương xót của Thiên Chúa để hoán cải con người, đưa họ trở về từ những lầm lạc. Ngài nhìn con người không phải ở chỗ họ đã sống ra sao mà là họ có thể trở nên thế nào: “Tôi không lên án chị đâu, hãy đi về và từ nay đừng phạm tội nữa”.

Như thế, chúng ta nhận ra rằng, tấm lòng của Thiên Chúa là tấm lòng thương xót, tấm lòng đầy bao dung, và Ngài cũng muốn chúng ta cần có một tấm lòng biết xót thương, tha thứ và thông cảm với những yếu đuối, những lỗi phạm của anh chị em mình. Nhưng, thử hỏi chúng ta đã có được tấm lòng như mong ước của Thiên Chúa chưa?

Vậy, chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mình ý thức được chỉ có Thiên Chúa là Đấng thẩm phán tối cao, có quyền xét xử tội lỗi của con người. Và cũng xin Chúa cho chúng ta ý thức được mình là tội nhân, cần phải hoán cải để nhận được ơn tha thứ của Chúa. Cuối cùng, xin Chúa ban cho chúng ta một tấm lòng biết xót thương, biết tha thứ như Chúa đã dùng lòng xót thương mà tha thứ cho người phụ nữ đã lỗi phạm. Amen.

Thiết kế Web : Châu Á