Bài giảng

Bài chia sẻ Tin Mừng Lễ Truyền Tin 25/3 (M. Bonifatio Cường)

Lời xin vâng trịnh trọng của Đức Maria cất lên không những làm cho cuộc đời Mẹ thay đổi, mà cả thế giới cũng được chuyển mình. Vì thế, Đức Maria xứng đáng được làm Mẹ Con Thiên Chúa và trở nên một Eva mới của trời mới, đất mới.

 

ƠN CỨU ĐỘ ĐƯỢC THỰC HIỆN QUA SỰ VÂNG PHỤC

(Is 6,10-14; Dt 10,4-10; Lc 1,26-38)

 

 M. Bonifatio Cường

Ngay từ giây phút đầu tiên tại Vườn Địa Đàng, bà Evà đã nghe lời cám dỗ xảo quyệt của Satan ăn trái cây “biết lành biết dữ”, chống lại lệnh cấm của Thiên Chúa, nên đã đánh mất ân nghĩa cùng Thiên Chúa và truyền nọc độc tội Tổ tông cho con cháu. Nhưng Thiên Chúa đã không bỏ rơi con người, trái lại Ngài hứa ban Đấng Cứu Độ cho toàn thể nhân loại (x. St 3,15). Trung thành với lời hứa ấy, suốt dòng lịch sử nhân loại, Thiên Chúa vẫn luôn âm thầm chuẩn bị, dọn đường và “tới thời kỳ viên mãn”, Ngài đã sai chính Con Một của mình nhập thể trong cung lòng một Trinh Nữ. Nhờ sự tuân phục, tự hạ của Ngôi Lời và sự khiêm hạ “xin vâng” đón nhận thánh ý Thiên Chúa của Đức Maria mà ơn cứu độ được thực hiện qua biến cố truyền tin. Vì thế, qua biến cố vĩ đại này, chúng ta cùng chiêm ngưỡng và noi gương đức tuân phục của Chúa Giêsu và của Mẹ Maria, để sống mầu nhiệm vâng phục trong đời sống đạo hôm nay.

1. Vâng phục để thực hiện ơn cứu độ của Đức Kitô

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban con một của Người (x. Ga 3,6), và Đức Giêsu chính là món quà của Thiên Chúa được ban tặng cho nhân loại. Ngài vốn là một vị Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã chấp nhật trút bỏ vinh quang, để mang lấy thân phận con người, trở nên giống phàm nhân để cứu chuộc nhân loại chúng ta (x. Pl 2,6-7).

Chúa Giêsu đã không đến trần gian bằng một cách thức nào khác, mà đã đến trong thân phận của con người, thụ thai trong cung lòng của một người trinh nữ. Là Đấng tạo dựng muôn loài, giờ đây, Đức Giêsu lại chấp nhận mang thân phận phàm nhân “làm con của một người đàn bà” (x. Gl 4,4) khiêm hạ.

Sự “tự hạ” của Đức Giêsu hoàn toàn được diễn ra trong tự do và tự nguyện. Vì thế, Ngài đã nói:“Lạy Chúa, này con xin đến để thi hành thánh ý Chúa” (Tv 39,8a-9a); hay: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34). Chính nhờ sự vâng phục tuyệt đối trong tự do này, mà Đức Giêsu trở thành nguồn ơn cứu độ đến muôn ngàn đời.

Với sự hạ mình thẳm sâu và vâng phục hoàn toàn như thế, Đức Giêsu đã trở thành một người con hiếu thảo của Chúa Cha. Ngài đã chấp nhận mang thân phận thụ tạo, và còn vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (x. Pl 2,8), làm giá chuộc muôn người.

2. Vâng phục đón nhận ơn cứu độ của Đức Maria

Khi nói đến ơn cứu chuộc của Đức Giêsu nhờ sự vâng phục mà có, thì Giáo hội cũng luôn đề cao sự cộng tác của Mẹ Maria trong công cuộc ấy cũng bằng chính sự vâng phục nơi Mẹ.

Trình thuật Truyền Tin trong Tin Mừng Luca 1,26-38 cho thấy, với sự tôn trọng sự tự do của con người, Thiên Chúa đã cho sứ thần Gabriel đến để hỏi ý kiến Đức Maria. Thiên thần vào nhà Đức Maria và chào rằng: “Kính chào bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng bà”. Lời chào hết sức trân trọng và lạ lùng khiến cho Đức Maria bối rối vì không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng thiên thần đã trấn an và giải thích: Maria đừng sợ, này đây nàng sẽ mang thai và sinh hạ một con trai… và Con Trẻ sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao (x. Lc 1,30). Một món quà hết sức bất ngờ và hết sức lớn lao, Maria cảm thấy mình nhỏ bé thấp kém trước quyền năng của Thiên Chúa. Mặc dù không thể hình dung điều gì sắp xảy ra cho mình, nhưng với lòng khiêm tốn và biết ơn, Maria đã thưa: Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền (Lc 1,38).

Ngược lại với sự kiêu ngạo của Evà ngày xưa, và khác với sự cứng lòng của vợ chồng vua Akhát trong bài đọc I, Đức Maria đã trở thành người phụ nữ đại diện cho cả nhân loại ngoan ngoãn, khiêm tốn cúi đầu, để đón nhận món quà tình yêu của Thiên Chúa, Mẹ thưa tiếng xin vâng để trao phó trọn cuộc đời mình cho chương trình lớn lao của Thiên Chúa, đó là chương trình cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa và đã chuẩn bị từ ngàn xưa.

Với lời thưa vâng này, Đức Maria đã mở rộng tâm hồn để cho Ngôi Hai Con Thiên Chúa đi vào cuộc đời của mình. Qua Mẹ, Ngài bước vào thế giới này và Mẹ trở thành một cộng tác viên nhiệt thành, trung tín của Người trong chương trình mà Thiên Chúa Cha đã thực hiện.

Lời xin vâng trịnh trọng của Đức Maria cất lên không những làm cho cuộc đời Mẹ thay đổi, mà cả thế giới cũng được chuyển mình. Vì thế, Đức Maria xứng đáng được làm Mẹ Con Thiên Chúa và trở nên một Eva mới của trời mới, đất mới. Mẹ đã từ bỏ quyền kiểm soát tương lai và để mặc cho Thiên Chúa quyết định cuộc đời của mình, hành động đó của Mẹ cũng chỉ vì Tình Yêu cho nhân thế mà bất chấp mạng sống. Do đó, chúng ta có thể nói Đức Maria đã không chỉ đơn giản thưa tiếng xin vâng một lần trong ngày Sứ Thần truyền tin hôm nay, mà Mẹ còn tiếp tục thưa tiếng xin vâng mọi ngày trong suốt cuộc hành trình với Chúa Giêsu và suốt cả cuộc đời Mẹ. Lời thưa xin vâng đã chứng tỏ Đức Maria thực sự là một người khiêm hạ, nhận mình nghèo hèn và đặt mình tùy thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa. Nhờ đó, chương trình cứu độ của Thiên Chúa mới được thực hiện.

3. Người Kitô hữu sống tinh thần vâng phục

Sứ điệp Lời Chúa và ý nghĩa phụng vụ ngày lễ Truyền Tin hôm nay mời gọi chúng ta hướng về Đức Giêsu và Mẹ Maria như là mẫu gương tuyệt hảo cho chúng ta về đức vâng phục trong đời sống đức tin hằng ngày của mình.

Mỗi người chúng ta hôm nay cũng đều được Thiên Chúa viếng thăm và truyền tin từng ngày, từng biến cố của cuộc sống. Điều quan trọng là hãy có trái tim mở rộng như Mẹ Maria, và có lòng vâng phục trong đức tin như người Trinh Nữ Nazareth, để luôn biết “xin vâng” trước những lời mời gọi của Thiên Chúa.

Thánh Augustinô có lần đã viết: “Ðức Mẹ cưu mang Chúa Giêsu trong cung lòng Mẹ. Xin cho chúng ta cũng mang Ngài trong tâm hồn ta. Ðức Mẹ đã cưu mang Chúa Giêsu nhờ mầu nhiệm nhập thể. Xin cho chúng ta cũng mang Ngài trong tâm hồn ta nhờ đức tin. Ðức Mẹ mang đến cho thế gian Ðấng Cứu Ðộ. Xin cho chúng ta cũng mang ơn cứu độ và lời tán tụng đến cho anh chị em mình”.

Sống mầu nhiệm “Truyền Tin” là chúng ta biết can đảm đáp tiếng “xin vâng” trước lời mời gọi của Tin Mừng; “xin vâng” trước mọi nghịch cảnh của cuộc đời; “xin vâng” trước bệnh tật đói nghèo mà vẫn bình an thanh thản; “xin vâng” trước những đòi hỏi phải hy sinh; “xin vâng” trước những bổn phận và trách nhiệm đòi hỏi phải đầu tắt mặt tối, tất bật vất vả với nước mắt mồ hôi trong gia đình riêng mỗi người chúng ta; “xin vâng” khi phải cúi xuống để rửa chân cho anh chị em, hay phải đứng lên để can đảm bênh vực cho công bằng và chân lý, cho hòa bình và bác ái. Nhờ biết xin vâng theo gương Chúa Giêsu và Mẹ Maria như thế, mà chúng ta cũng được cộng tác vào trong chương trình cứu độ nhân loại của Ba Ngôi Thiên Chúa. Amen.

Thiết kế Web : Châu Á