Bài giảng

Bài chia sẻ Tin Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi: «Nhân danh CHA, và CON, và THÁNH THẦN»

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm tình yêu: không thể tách rời, không thể phân ly – Ba Ngôi trong một Chúa, Thiên Chúa Duy nhất có Ba Ngôi.

 

«Nhân danh CHA, và CON, và THÁNH THẦN»

(Cn 8,22-31; Rm 5,1-5; Ga 16,12-15)

 

Quốc Vũ

 

Nhân danh Cha, và Con và Chúa Thánh Thần. Amen!

 

Là kitô hữu, ta làm dấu hằng ngày. Mỗi ngày không biết bao nhiêu lần. Có người làm nhiều, có người làm ít, và có cả người quên làm, ngại làm hoặc không dám làm.

 

Tôi nhớ có lần đọc được câu truyện ở đâu đó, bây giờ trong đầu chỉ còn lại chút nhớ mơ hồ về một gia đình công giáo bé nhỏ với hai vợ chồng và đứa con thơ 5 tuổi. Hằng ngày, trước mỗi bữa ăn, bà mẹ trẻ dạy con làm dấu Thánh giá. Đứa con thắc mắc: «Tại sao phải làm dấu hả mẹ?», mẹ giải thích: «Để ta cám ơn Chúa đã ban cho ta có cơm bánh hằng ngày, và cầu xin Người ban thêm ơn phước». Đứa bé không hiểu bao nhiêu, nhưng mỗi lần đến bữa ăn là nó luôn nhớ làm dấu Thánh giá và đọc lớn tiếng: «Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen», như mẹ nó đã dạy.

 

Rồi một chiều cuối tuần, để bồi dưỡng sức khỏe sau một tuần làm việc mệt mỏi, đôi vợ chồng trẻ đưa con đi nhà hàng dùng bữa. Khi cô tiếp viên bày các món ăn lên bàn, họ múc cho nhau và bắt đầu cùng thưởng thức hương vị thơm lừng của các món ăn còn nghi ngút khói. Bất chợt, thằng bé nói lớn: «Mẹ ơi, sao mình không làm dấu Thánh giá?». Cả hai vợ chồng trẻ mặt biến sắc, ngượng ngùng, vì hầu như thực khách những bàn xung quanh đều đang nhìn về phía họ.

 

«Mẹ ơi, sao mình không làm dấu Thánh giá?». Cuộc sống, có những điều ta tưởng đơn giản, nhưng hóa ra nó cũng có chỗ khó. Làm dấu Thánh rất nhanh và rất gọn, ta có thể làm dễ dàng trong nhà thờ, trong gia đình, hay những nơi hành hương, nhóm họp của cộng đoàn tín hữu..., nhưng lại rất ngại làm tại những nơi hỗn độn, nhất là trong một xã hội mà người vô thần chiếm đại đa số như tại Việt Nam.

 

Từ chuyện nhỏ, ta suy ra chuyện lớn. Từ chuyện làm dấu Thánh giá, ta nghĩ đến chuyện sống đạo và truyền giáo. Về điểm này, có lẽ (tôi chỉ dám nói có lẽ) người Việt mình thua người Tây. Người Việt rất mạnh trong việc sống đạo gia đình, đạo giáo xứ, nhưng lại kém về chuyện truyền giáo vượt ra ngoài gia đình và giáo xứ mình. Người Việt rất cầu kỳ trong việc sống đạo hình thức cộng đồng: ông sao tui zậy, nhưng lại kém bén rễ sâu để sống tự lập và xác tín cá nhân.

 

Làm dấu Thánh Giá là một hình thức tuyên xưng đức tin của người Kitô hữu, nhưng sâu thẳm đó là một sự xác tín về một sự lựa chọn cung cách sống giữa một xã hội với biết bao con đường mời gọi và lôi kéo ta bước vào. Trong thời Giáo Hội sơ khai, dấu Thánh giá là dấu chỉ các Kitô hữu nhận biết nhau, và đó cũng là dấu chỉ dẫn họ tới những cái chết bởi những cuộc bách hại. Lịch sử cho thấy đã có biết bao vị thánh được tôn phong khi chối từ bước qua Thánh Giá, có biết bao người đã hy sinh cả cuộc đời trong sứ mạng truyền giáo, trong sứ vụ phục vụ những người nghèo đói, bệnh tật, trong sứ vụ thăng tiến xã hội hay đấu tranh cho công lý hòa bình…, đó là những người không chỉ biết làm dấu Thánh Giá cách đơn thuần, mà họ đã sống chính mầu nhiệm Thánh Giá theo gương Thầy Giêsu.

 

Nhân danh Cha, và Con và Chúa Thánh Thần. Amen!

 

Nhớ hồi còn trong học viện thần học, cũng như đa số các sinh viên, môn Thần học Chúa Ba Ngôi đối với tôi quả là một điều gì đó thật khó nuốt, khô khan lạ kỳ. Nhưng được một điều là cha giáo rất tâm lý và dễ thương, ngài thường cho dừng lớp bất cứ khi nào thấy các sinh viên gần như đi vào mê hồn trận, và ngài cũng thường xuyên dùng chiêu dụ sinh viên học bằng những viên kẹo ngoại ngon tuyệt. Sau mấy chục tiết học, điều còn lại cho đến bây giờ tôi còn nhớ đó là:

 

1) Về mặt lịch sử, trong thời Giáo hội cổ xưa không hề cử hành lễ Chúa Ba Ngôi, nhưng chỉ bắt đầu vào thế kỷ 14 (năm 1334), thời Đức Giáo Hoàng Gioan XXII, thì lịch phụng vụ công giáo Roma mới bắt đầu có lễ Chúa Ba Ngôi, được cử hành vào ngày Chúa Nhật sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống như chúng ta thấy cho đến ngày nay.

 

2) Về mặt thần học, tôi nhớ mãi những sánh ví mà cha giáo đã dùng để giải thích cho sinh viên hiểu đại khái về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, như hình ảnh “nước” ở 3 thể khác nhau: lỏng, rắn và khí; hay hình ảnh một tam giác đều với 3 cạnh và 3 góc khác bằng nhau diễn tả mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi: “Tuy 3 mà 1, tuy 1 mà 3”.

 

Một Chúa Ba Ngôi. Đó là một mầu nhiệm, nên không thể hiểu theo kiểu các đài truyền hình tại Việt Nam vẫn quảng cáo cho một loại dầu gội đầu Sunsik “3 in 1”: trị gầu, chống rụng tóc và mượt tóc. Nhưng có thể hiểu theo câu tục ngữ Việt Nam khi nói về tình yêu lứa đôi, vợ chồng: «Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai», bởi đó cũng là hình ảnh mà chính Thánh Phaolô sánh ví như là tình yêu của Đức Kitô và Hội Thánh (x. Eph 5,25-33). Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm tình yêu: không thể tách rời, không thể phân ly – Ba Ngôi trong một Chúa, Thiên Chúa Duy nhất có Ba Ngôi. Nhưng để dễ thông truyền và dễ thụ lãnh, Mầu nhiệm ấy được diễn tả theo ngôn ngữ và nhãn quan của con người:

 

- Ngôi thứ nhất là Cha: Đấng tạo dựng con người và muôn vật muôn loài trong tình yêu bao la và nhân hậu (Bài đọc I).

 

- Ngôi thứ hai là Con: Đấng đã nhập thể làm người như ta, đã chịu chết vì ta, được Thiên Chúa tôn vinh và chính Người sẽ mở lối cho ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa (Bài đọc II).

 

- Ngôi thứ ba là Thánh Thần: Đấng là tình yêu mà Thiên Chúa đổ vào lòng ta, và chính Người sẽ dẫn ta đến chân lý vẹn toàn (Bài Tin Mừng).

 

Như thế, khi làm dấu Thánh giá là ta sống cả một mầu nhiệm tình yêu trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, từ khi tạo dựng tới ngày quang lâm chung thẩm, từ thuở khai nguyên tới ngày tận thế. Ước gì mỗi lần ta làm dấu Thánh giá là một lần ta ý thức dâng công việc và đời sống mình cho «Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen!».

 

 

Thiết kế Web : Châu Á