Bài giảng

Bài chia sẻ Tin Mừng CN XXII TN, C: «CÁI GHẾ»

Con người vẫn bị ám ảnh bởi những chiếc ghế. Chiếc ghế ngày xưa là chiếu trên, chiếu dưới. Chiếc ghế ngày nay là xe mẹ, xe con. Thế mới hay, ở bất kỳ xã hội hay bất kỳ tổ chức nào cũng thế, người ta vẫn tranh nhau những chức vụ cao, tìm kiếm những bằng cấp danh dự.

 

«CÁI GHẾ»

(Hc 3,17-18.20.28-29; Dt 12,18-19.22-24; Lc 14,1.7-14)

 

 

Quốc Vũ

 

Một giáo sư triết học lập dị ra một bài thi cho các sinh viên. Cả lớp đã sẵn sàng chuẩn bị, giáo sư nhấc ghế của mình lên, đặt trên bàn và viết lên bảng: “Sử dụng tất cả những gì chúng ta đã học, bạn hãy chứng minh cái ghế này không tồn tại.

 

Các sinh viên cắm đầu cắm cổ viết. Có những sinh viên viết hơn 10 trang trong một giờ để cố gắng chối bỏ sự tồn tại của cái ghế. Chỉ có một sinh viên của lớp đã đứng lên và kết thúc bài thi trong chưa đầy một phút.

 

Mấy tuần sau, điểm được công bố. Đa số sinh viên thất vọng vì không ai đạt điểm A, ngoại trừ anh chàng ra khỏi phòng thi sớm.

 

Mọi người kéo đến hỏi anh đã viết gì trong bài thi. Anh này trả lời: “Tôi chỉ viết vỏn vẹn hai từ: Ghế nào?”.

 

Ghế nào? Ghế ở đâu? Ghế có từ khi nào? Ghế bằng chất liệu gì?...

 

Từ thuở ban sơ, loài người chưa hề có khái niệm về cái ghế. Họ ăn lông ở lỗ, nằm bụi ngủ bờ, sống quây quần thành bầy thành đàn, đùm bọc bảo vệ nhau trước sự tấn công của kẻ thù. Rồi xã hội phát triển, hình thành những bộ lạc có trật tự lớp lang. Những cái ghế bắt đầu hiện hữu. Từ những cái ghế được cột đẽo bằng cây hay đan bằng mây cói, đến những cái ghế sơn son thếp vàng trong cung điện của những ông hoàng, bà chúa.

 

Xã hội càng phát triển thì hình ảnh về cái ghế càng thiên biến, vạn biến với nhiều hình dạng và công năng khác nhau: Ghế là để ngồi, nhưng còn để dựa và thậm chí để nằm. Ghế cao-ghế thấp, ghế tròn-ghế vuông, ghế lớn-ghế bé, ghế dài-ghế ngắn. Ghế trong trường học giúp các em học sinh trau dồi thêm kiến thức, ghế trong nhà thờ phục vụ cho giờ nguyện ngắm cầu kinh, ghế trong công sở họp bàn những kế hoạch kinh doanh hay phát triển kinh tế nhân sinh. Ghế trong gia đình sum họp hàn huyên, ghế trong quán xá ăn uống tiệc tùng, và còn có cả ghế của những tệ nạn xã hội.

 

Rồi những cuộc tranh chấp ở đời lại xoay quanh những chiếc ghế. Lúc đầu, ghế tượng trưng cho chức vụ, chức năng. Dần dần, nó tượng trưng cho chức quyền, chức tước.

 

Ai cũng thích ghế cao và bảo vệ ghế của mình. Người Pharisêu thích ngồi ghế danh dự trong hội đường. Giacôbê và Gioan thích ngồi hai bên tả hữu Thầy Giêsu. Còn Philatô thì đã mặc cho dân Do thái đóng đinh Đức Giêsu vô tội, vì ông sợ mất ghế.

 

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy các khách dự tiệc cứ chọn ghế nhất mà ngồi.

 

Con người vẫn bị ám ảnh bởi những chiếc ghế. Chiếc ghế ngày xưa là chiếu trên, chiếu dưới. Chiếc ghế ngày nay là xe mẹ, xe con. Thế mới hay, ở bất kỳ xã hội hay bất kỳ tổ chức nào cũng thế, người ta vẫn tranh nhau những chức vụ cao, tìm kiếm những bằng cấp danh dự. Về khía cạnh tích cực, đó là mặt tốt để mọi người nỗ lực học hỏi, trau dồi kiết thức và góp phần làm thăng tiến đời sống con người về mọi mặt. Nhưng về khía cạnh tiêu cực, không thiếu những người bằng mọi cách và mọi phương tiện chiếm cho mình địa vị tốt nhất để hưởng thụ.  Nếu không phải là lợi lộc, thì ít ra cũng là danh thơm trọng vọng hay mâm cao cỗ đầy. Chức càng lớn thì bổng lộc càng nhiều, đi tới đâu cũng được trọng vọng. Ngày xưa thì áo mão cân đai, võng cáng, lọng che. Còn ngày nay thì mô tô hộ tống, còi hụ dẹp đường, lính tráng dàn chào. Cái thói tham danh hám vọng này cũng len lỏi vào cả mộ số vị lãnh đạo các tôn giáo. Vì thế, các chức sắc đạo Do thái ngày xưa thích mặc áo thụng, may dài thẻ kinh, tới đâu thì cũng chiếm hàng ghế đầu, còn ngồi ở bàn tiệc thì chọn chỗ nhất.

 

Thói quen mỗi khi nghe bài Tin Mừng này nhiều người liên tưởng ngay đến các nhà lãnh đạo hay chức sắc đạo-đời, để rồi nghĩ rằng Chúa đang nói với họ mà không có gì liên can đến mình. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ, ta sẽ thấy bài Tin Mừng này có hai phần liên kết nhau.

 

+ Phần đầu, Đức Giêsu nhắm đến thái độ chọn ghế của các thực khách là luôn chọn chỗ nhất mà ngồi.

 

+ Phầu thứ hai, Ngài nhắm đến người chủ tiệc, bởi vì ông này mở tiệc đãi khách, thực ra không phải vì khách mà vì mình. Cái thói mời người có chức quyền, mời người giàu sang để khoe rằng mình quen biết lớn, giao thiệp rộng, rằng bè bạn của mình toàn là những ông to bà lớn.

 

Ông chủ nhà mà Tin Mừng hôm nay nói đến, cũng có thể là một ai trong chúng ta, là một trong những kẻ thích khoe khoang. Ông ta mời Chúa Giêsu có lẽ chẳng phải vì mến phục, nhưng chỉ để khoe với bè bạn về tài giao thiệp của mình, bởi vì lúc bấy giờ Chúa Giêsu đã là một nhân vật nổi tiếng. Cái thói này ở mọi nơi, mọi thời đều rất thịnh hành. Như thế, phần nào đó các vị khách được mời đã bị lợi dụng, một mặt trở thành công cụ giúp cho chủ nhà khoe mẽ với đời, mặt khác trở thành nạn nhân cho những điều tiếng trên bia miệng người đời dèm pha. Điều này cũng thức tỉnh mỗi người khi đi dự tiệc, đừng quá dễ dãi bất cứ tiệc gì sa vào, nhưng hãy biết từ chối những lời mời hay những buổi tiệc tùng không thích hợp với mình.

 

Nhất là người Việt Nam mình rất thích khoe mẽ, tiệc tùng luôn muốn rình rang, hoành tráng. Đám sinh nhật, đám thôi nôi, đám hỏi, đám treo, đám cưới và thậm chí cả đám tang cũng phải tổ chức làm sao cho khỏi mất mặt với lối xóm họ hàng. Phải mời bằng được ông xã, ông huyện, bà sơ này, ông cha nọ, và cả những ca sĩ hay nghệ sĩ nổi tiếng, càng nhiều càng oai, càng thể hiện đẳng cấp, cho dù sau đó phải đi dưới bóng tối nợ nần hay đổ vỡ gia đình.

 

Bài học của Lời Chúa hôm nay là bài học về sự khiêm hạ.

 

«Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn, thì con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng. Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa» (cc. 17&18 – Bài đọc I).

 

Trong kiếp sống nhân sinh, có thể nói sự khiêm hạ vốn là một nhân đức luôn được trân quí.  Từ cổ chí kim, lịch sử ghi lại vô số những gương lành về đời sống khiêm hạ nơi các thánh, nơi các nhà hiền triết, nơi một số những danh nhân và thậm chí cả nơi một số người thất học. Tuy nhiên, thực tế sự khiêm hạ lại là một điều gì đó quá xa xỉ khi đề cập đến, vì nói thì dễ nhưng thực hành thì không hề dễ chút nào. Bởi lẽ,

 

Khiêm hạ không phải là giả vờ tự hạ để được nâng lên.

 

Khiêm hạ không phải là tự ti không dám nhận trách nhiệm.

 

Nhưng, khiêm hạ là biết mình đã nhận tất cả từ Chúa, và cần đến tha nhân.

 

Người khiêm hạ không sợ chức vụ cao hay ghế nhất, bởi chiếc ghế không phải là mục đích, nhưng là phương tiện để phục vụ mọi người.

 

Sau hết, người khiêm hạ là người sống phó thác và tin tưởng vào sự trợ giúp của Thiên Chúa.

 

Một ẩn sĩ có tiếng là thánh thiện, dân làng tin rằng lời cầu xin của ông cùng Thiên Chúa sẽ được nhận lời. Họ nhờ ông xin cho trời mưa, thì trời lại nắng; lúc xin cho nắng thì trời lại đổ mưa. Họ nhờ xin cho con khỏi bệnh, thì con họ lại chết; lúc xin cho đá hóa thành bánh thì cũng chẳng có tác dụng gì. Vì thế, dân chúng đuổi ông ra khỏi làng.

 

Trong khi trú tại một hang đá, ông than thở rằng tại sao Chúa đối xử tệ với con như thế. Cứ xin điều này thì lại cho điều ngược lại. Chúa trả lời: Con yêu ạ, Ta làm như điều con xin đó thôi, chẳng phải trước kia con xin cho được sống khiêm hạ mà.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á