Bài giảng

Bài chia sẻ Tin Mừng CN XVII TN, C: «CẦU NGUYỆN»

Khi cầu nguyện, người Kitô hữu tự đặt mình vào trong mối tương quan xem Thiên Chúa như là Cha hoặc Mẹ, để thưa chuyện với Ngài với nỗi lòng con cái.

 

«CẦU NGUYỆN»

(St 18,20-32; Cl 2,12-14; Lc 11,1-13)

 

Quốc Vũ

 

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay hướng cái nhìn của chúng ta đến hình ảnh một Đức Giêsu đang cầu nguyện. Lời Chúa trong hai tuần trước như chúng ta đã biết, Đức Giêsu sau khi trải qua con đường của người Samari nhân hậu, rồi dừng chân tại nhà Maria để làm nổi bật lên vai trò của sự lắng nghe, thì hôm nay Ngài lại hướng các môn đệ đến nền tảng của sự lắng nghe đó chính là Cầu nguyện.

 

Một giai thoại được kể lại như sau: Một thương gia kia cần một triệu Dollar để giải quyết một việc hệ trọng, ông tới nhà thờ cầu nguyện xin cho có được số tiền đó. Tình cờ ông quì ngay cạnh một người đàn ông, người đàn ông này cùng cầu nguyện có được 100 Dollar để trả một món nợ gấp. Vị thương gia liền rút từ ví của mình 100 Dollar và đặt vào tay người kia. Quá đỗi vui mừng, người đàn ông đứng lên và ra khỏi nhà thờ ngay tức thì. Vị thương gia giờ đây nhắm mắt lại và bắt đầu cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa, giờ đây hẳn Ngài không còn phải bị phân tâm nữa, xin hãy lắng nghe con cầu xin". (Trích từ ‘Hãy ra khơi’).

 

Câu chuyện của hai người đàn ông trên đây, cho chúng ta thấy điều tích cực là dù ở trong hoàn cảnh hay địa vị nào của xã hội, họ vẫn cần cầu nguyện.

 

Quả nhiên, cầu nguyện, dù với bất cứ hình thức nào cũng đều diễn tả nhu cầu cốt thiết của con người, vì con người không thể sống mà không cầu nguyện, đến nỗi cho dẫu bạn là ai, bạn muốn cầu nguyện hay không, thì bạn cũng không thể làm mất đi chiều kích sâu thẳm của lời cầu nguyện: cầu nguyện diễn tả sự nghèo nàn của thọ tạo với khát vọng về chân lý, về tình yêu, về hòa bình và về sự thiện hảo. Trong bài chú giải thánh vịnh 37 của thánh Augustino, chúng ta tìm thấy sự diễn tả rất hay khi ngài viết: «Sự ao ước của bạn cũng chính là lời cầu nguyện của bạn». Mỗi hữu thể là một lời cầu nguyện sống động, đôi khi nó mạnh đến nỗi trở thành một lời kêu than, một tiếng gào thét, nhưng thường là một lời khẩn nguyện thiết tha xin một ơn trợ giúp đến từ trên cao. Do đó, lời các môn đệ thưa với Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: «Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện» (c. 1 – bài Tin Mừng), có thể được hiểu như là một khát vọng chính đáng của con người nói chung, và cách riêng của những người Kitô hữu về cách cầu nguyện.

 

Cầu nguyện là gì? Phải chăng đồng nghĩa với việc cầu xin?

 

Một chuyện ngụ ngôn kể rằng: Có hai thiên thần được sai xuống trần gian, mỗi vị mang theo một chiếc giỏ. Họ chia tay nhau để đi khắp hang cùng ngõ hẻm, đến nhà các người giàu có cũng như nhà những người nghèo khổ, thăm tất cả nam phụ lão ấu cầu nguyện tại tư gia cũng như tại các nhà thờ. Sau một thời gian, hai thiên thần gặp nhau đúng thời điểm đã hẹn để trở về trời. Đến cửa trời, Thiên Thần gác cửa nhìn Thiên Thần vác nặng hỏi: "Ngài mang gì mà nặng nề thế?". Thiên Thần mang giỏ nặng trả lời: “Tôi được sai đến để thu nhận tất cả những lời cầu xin của nhân loại”. Quay sang Thiên Thần mang giỏ nhẹ, Thiên Thần gác cửa hỏi: “Còn ngài, sao cái giỏ của ngài có vẻ nhẹ thế?". Thiên thần ấy nói: "Tôi được sai đến trần gian, để gom những lời tạ ơn của nhân loại dâng lên Thiên Chúa vì những ơn lành Ngài ban cho họ". (Trích trong ‘Niềm vui chia sẻ’).

 

Thì ra, chiếc giỏ thu nhận lời cầu xin luôn nặng hơn chiếc giỏ thu nhận lời tạ ơn.

 

Phải, thường thì chúng ta chỉ biết cầu xin hơn là cầu nguyện. Chúng ta thường chỉ đồng hóa lời cầu nguyện với việc xin ơn. Tuy nhiên, cầu nguyện luôn bao gồm cả lời chúc tụng tôn vinh, cảm tạ tri ân Thiên Chúa và lời xin ơn, như “Kinh Lạy Cha” mà Đức Giêsu dạy chúng ta hôm nay là lời kinh nguyện gồm hai phần: Khởi đầu là lời nguyện tôn vinh Thiên Chúa, tiếp theo là lời xin ơn cho chính mình kèm theo lời nguyện cho tha nhân. Như thế, cầu nguyện là một cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, kết hiệp thân tình với Thiên Chúa, đồng thời cũng là sự nhận biết chính mình và mở ra với tha nhân.

 

Mặt khác, lời cầu nguyện của người Kitô hữu là tự đặt mình vào trong mối tương quan xem Thiên Chúa như là Cha hoặc Mẹ, để thưa chuyện với Ngài với nỗi lòng con cái. Ví như khi con trẻ thưa chuyện với cha mẹ, việc quan trọng không phải là đúng cách hay sai cách, chúng chỉ đơn thuần tập trung vào một điều là dùng tất cả lời nói, cử chỉ để diễn tả ước muốn của mình. Ở đây ta gặp thấy cách cầu nguyện của tổ phụ Abraham như là một cuộc trò chuyện, nếu không muốn nói là một cuộc mặc cả với Thiên Chúa để từ con số 50 đã giảm xuống chỉ cần có 10 người lành thì Thiên Chúa sẽ không nổi giận mà phá hủy thành Xô-đôm và thành Gômôra (x. Bài đọc I). Như thế, cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và Tổ phụ Abraham như là lời nhắc nhở và mẫu gương của đời sống cầu nguyện: Kiên tâm bền chí, khiêm nhường cậy trông và mở lòng ra với tha nhân. Lời cầu nguyện của Abraham là cho người tội lỗi. Nhưng để cứu người tội lỗi, cần có người lành. Như Thiên Chúa đã phán trong sách Edêkien và sách Giêrêmia: «Nếu chỉ tìm được ở Giêrusalem một người biết giữ công lý, biết tìm sự thật, thì Người cũng sẽ tha tội cho thành» (Ed 22,30; Gr 5,1). Lời khẳng định này thúc giục chúng ta cố gắng sống đời tốt lành, để cầu xin và mang lại lợi ích thiêng liêng cho gia đình, cho quê hương, cho những người sống quanh mình.

 

Giáo Lý Công Giáo dạy rằng mỗi khi cầu nguyện, chúng ta được ở trong mối tương quan sống động và thân tình với Thiên Chúa. Quả thật, cầu nguyện là sống đức tin, và tin là mở lòng ta để đón nhận một sự thật vô cùng cao quí. Thiên Chúa là Cha chúng ta và chúng ta được gọi là con Thiên Chúa. Chúng ta cũng gặp thấy giáo lý này nơi Bài đọc II, ở đó thánh Phaolô giúp chúng ta nắm bắt lý do tại sao chúng ta có thể tin tưởng một cách tuyệt đối vào Thiên Chúa. Đó là những ân ban mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta: Ơn được cùng chết và cùng sống lại với Chúa Kitô, ơn được thứ tha mọi thiếu sót và tội lỗi.

 

Điều cuối cùng ta tự hỏi: Ta có thể cầu nguyện được không? Ta có giờ để cầu nguyện không? Một ngày với 24 giờ, trong đó có giờ ăn, giờ ngủ, giờ làm việc, giờ giải trí,… nhưng tìm mãi cũng không thấy giờ để cầu nguyện? Có lẽ chỉ khi nào ta cảm thấy “cầu nguyện là hơi thở của linh hồn”, thì đời sống ta mới có thể kết hợp mật thiết trong một cuộc đối thoại liên lỷ với Thiên Chúa như là một lời cầu nguyện không bị lệ thuộc bởi thời gian và không gian.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á