Bài giảng

Bài chia sẻ Tin Mừng CN VIII PS: THÁNH THẦN - NGỌN LỬA THIÊNG

Thánh Thần chính là Lửa Thiêng, lửa của tình mến. Ngọn Lửa yêu mến đó sẽ làm tan chảy tâm hồn các tín hữu để họ nhiệt huyết làm cho ơn thánh được biến đổi vững mạnh trong chính con người của họ.

 

THÁNH THẦN - NGỌN LỬA THIÊNG

 

Minh An

 

Theo truyền thống xa xưa của Giáo Hội, khi bắt đầu một cuộc hội họp mang tính hiệp thông, cắt đặt nhân sự hoặc làm những việc đem lại ơn ích thiêng liêng cho Giáo Hội, cho các hội đoàn, các Kitô hữu thường xin Chúa Thánh Thần ban ơn soi sáng cho những công việc sắp thực hiện được thành toàn.

 

Nhưng, Chúa Thánh Thần là ai vậy?

 

Theo ngôn sứ Isaia, Thánh Thần chính là: “Thần Khí Khôn Ngoan Minh Mẫn (thông minh), Thần Khí Mưu Lược (lo liệu) và Dũng Mãnh (sức mạnh), Thần Khí Hiểu BiếtKính Sợ Đức Chúa” (Is 11,2-3). Trong Kinh Tin Kính, chúng ta cũng tuyên xưng rằng: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống. Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra”.

 

 

Chúa Thánh Thần còn mang nhiều tước hiệu khác nữa như: Thánh Linh, Đấng Sáng Tạo, Đấng Canh Tân, Đấng Bảo Trợ, Đấng An Ủi, Thần Khí, Thần Chân Lý, Thần Công Lý… Chúa Thánh Thần cũng còn được gọi là Lửa Thiêng của Thiên Chúa. Hay nói khác đi, Thánh Thần chính là Ngọn Lửa của lòng mến.

 

Thật vậy, trong Phúc Âm của thánh Luca, Chúa Giêsu đã nói rõ cho các môn đệ của Người biết rằng: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49). Lửa Chúa Giêsu ném vào mặt đất ở đây, chính là ngọn lửa Thánh Thần tình yêu để thiêu đốt tâm hồn các môn đệ nói riêng và các tín hữu nói chung.

 

Theo Công vụ Tông đồ: Trong ngày lễ ngũ tuần, mọi người đang tụ họp đông đủ thì Thánh Thần xuất hiện dưới hình lưỡi lửa và tản ra đậu trên từng người một. Ai nấy đều nhận được ơn Thánh Thần và họ bắt đầu nói nhiều thứ tiếng khác nhau (x. Cv 2,1-11).

 

Còn Giáo Lý Công Giáo dạy rằng: “Trong khi nước là biểu tượng của việc sinh sản và sinh sôi nảy nở của sự sống được ban trong Chúa Thánh Thần, thì lửa là biểu tượng của sức mạnh có sức biến đổi của các hoạt động của Chúa Thánh Thần. Tiên tri Êlia, người “xuất hiện… chẳng khác nào ngọn lửa, lời của ông tựa đuốc cháy bừng bừng” (Hc 48,1), bằng lời cầu nguyện, ông kéo lửa từ trời xuống thiêu cháy hy lễ trên núi Carmel, lửa này như hình ảnh của ngọn lửa là Chúa Thánh Thần, làm biến đổi những gì lửa đó chạm tới. Ông Gioan Tẩy Giả, người đi trước Chúa “đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Êlia” (Lc 1,17), đã loan báo Đức Kitô là Đấng “sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3,16), trong Đấng là Thần Khí mà Chúa Giêsu sẽ nói về Ngài: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49). Dưới hình ảnh những cái lưỡi “như bằng lửa”, Chúa Thánh Thần ngự trên các môn đệ vào sáng ngày lễ Ngũ Tuần và xuống đầy lòng các ông. Truyền thống linh đạo sẽ giữ lại biểu tượng ngọn lửa như biểu tượng diễn cảm nhất của hành động của Chúa Thánh Thần: “Anh em đừng dập tắt Thần Khí” (1.Tx 5,19)”. (GLCG, số 696).

 

Như vậy, Thánh Thần chính là Lửa Thiêng, lửa của tình mến. Ngọn Lửa yêu mến đó sẽ làm tan chảy tâm hồn các tín hữu để họ nhiệt huyết làm cho ơn thánh được biến đổi vững mạnh trong chính con người của họ. Đồng thời, chính ngọn lửa thiêng của Thánh Thần cũng làm biến đổi tha nhân trong ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa. Ngọn lửa yêu mến, ngọn lửa nhiệt huyết đó, chính Chúa Giêsu đã đích thân mang từ trời xuống và ném thẳng vào mặt đất và Ngài ước mong ngọn lửa đó sẽ bùng cháy cách mãnh liệt: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”( Lc 12,49).  

     

Chúa Giêsu đã ném lửa tình yêu của Thiên Chúa lan tràn trên mặt đất và mong ước lửa nhiệt thành đó được tỏa lan khắp nơi. Nghĩa là Chúa Giêsu mong ước các môn đệ của Người dùng “lửa nhiệt thành” trong sứ vụ của mình để đem ơn cứu độ đến cho nhân loại trên khắp mặt đất bằng tình yêu sắt son của mình đối với Thiên Chúa. Chúng ta đã dùng lòng nhiệt thành của mình để làm ích cho Nước Chúa chưa?

 

Thật là may mắn và hạnh phúc cho phàm nhân, dù chúng ta chỉ là những con người bất toàn. Nhưng, Thiên Chúa vẫn luôn gìn giữ, bảo vệ và luôn luôn được Thánh Thần Chúa hướng dẫn, dìu dắt để đạt đến chân lý vẹn tòan. Vịnh gia đã cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại nên đã vui mừng hát lên: “Con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8,7).

 

Các môn đệ của Chúa Giêsu xưa kia cũng đã từng rơi vào hòan cảnh nhút nhát, sợ hãi… nhưng nhờ ngọn lửa nhiệt thành của Chúa Thánh Thần hối thúc, các ngài đã mạnh mẽ bước ra khỏi cơn bi kịch của sự sợ hãi đó tiến lên phía trước và can đảm làm chứng cho chân lý, can đảm rao giảng Tin Mừng Chúa cho muôn dân (x. Cv 4, 18-21). Họ không còn sợ hãi khi bị sỉ vả, bị bắt bớ, bị đánh đòn và thậm chí bị giết chết…vì nhờ ngọn lửa nhiệt thành của Thánh Thần hiện diện trong tâm hồn của họ, hối thúc họ can đảm làm những gì Thiên Chúa truyền dạy mà không còn phải sợ những ác tâm của loài người. Quả đúng là ngọn lửa yêu mến, ngọn lửa nhiệt thành của Thần Khí Chúa có sức thiêu đốt mạnh mẽ tâm hồn con người.

 

Trong đời sống hàng ngày, chắc chắn chúng ta cũng cần đến Ơn Thông Minh của Chúa Thánh Thần để có thể xoay xở những lúc gặp khó khăn. Nhưng, chúng ta cũng cần lắm ngọn lửa nhiệt huyết, ngọn lửa yêu mến của Thánh Thần để can đảm bước theo đường lối mà Người chỉ vẽ. Đặc biệt, sống trong xã hội có nhiều biến chuyển, nhiều thách đố này, chúng ta cũng cần ngọn lửa nhiệt huyết, ngọn lửa yêu thương của Thánh Thần để ai nấy được lớn lên, được trưởng thành hơn trong vai trò và trách nhiệm mình đã nhận như: người điều hành, kẻ hướng dẫn; người phục vụ, kẻ xướng ca...

 

Lạy Chúa Thánh Thần, xin thiêu đốt trong chúng con lửa nhiệt thành, lửa yêu mến của Chúa…để chúng con can đảm dấn thân làm phát triển Hội Thánh, cộng đòan, gia đình, cá nhân trong ân sủng và trong tình thương của Thiên Chúa. Amen.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á