Bài giảng

Bài chia sẻ Tin mừng CN V TN, A: «MUỐI & ÁNH SÁNG»

Muối & ánh sáng, hai hình ảnh quá quen thuộc với đời sống hằng ngày của bất cứ ai. Trong khi muối là một nhu yếu phẩm không thể thiếu đối với sức khỏe và giúp ích nhiều cho trí tuệ con người, thì ánh sáng lại là nguyên lý của sự sống (St 1,1) và văn minh của nhân loại. Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Matthêu thuật lại việc Đức Giêsu đã dùng hai hình ảnh quen thuộc này để nói về ơn gọi và căn tính của người Kitô hữu.

 

 

«MUỐI & ÁNH SÁNG»

(Is 58,7-10; 1 Cr 2,1-5; Mt 5,13-16)

 

 

Quốc Vũ

 

«Chính anh em là muối cho đời, nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối cho mặn lại? […] Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được» (cc. 13&14 – Bài Tin Mừng).

 

Muối & ánh sáng, hai hình ảnh quá quen thuộc với đời sống hằng ngày của bất cứ ai. Trong khi muối là một nhu yếu phẩm không thể thiếu đối với sức khỏe và giúp ích nhiều cho trí tuệ con người, thì ánh sáng lại là nguyên lý của sự sống (St 1,1) và văn minh của nhân loại. Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Matthêu thuật lại việc Đức Giêsu đã dùng hai hình ảnh quen thuộc này để nói về ơn gọi và căn tính của người Kitô hữu. Bởi lẽ, khi dùng cụm từ “chính anh em là”, Đức Giêsu muốn nói trực tiếp với các môn đệ của Người, đồng thời xác định sứ mạng của họ. Như thế, đây không phải là một gợi ý về một chiều hướng nên theo, nhưng là một khẳng định về tư cách, về ơn gọi, là căn tính và sứ mạng: “Chính anh em là muối, chính anh em là ánh sáng”.

 

Muối cho đời (c. 13)… và ánh sáng cho trần gian (c. 14)

 

1. Chữ "muối đất" đã làm tốn biết bao nhiêu giấy mực của nhiều học giả Kinh thánh. Muối ướp đồ ăn hay là phân muối (được dùng như một thứ phân bón để hạ phèn), tại các xứ lạnh, muối còn được dùng để làm tan tuyết, trong một số tôn giáo thì muối được dùng để rắc trên các tế vật. Muối ướp mặn thì chắc chẳng bao giờ hóa nhạt được. Phân muối thì có thể hư đi vì đó là một hóa chất, không thể để lâu. Tuy nhiên, nếu dịch sát nghĩa, thì phải dịch là “muối của đất” và “ánh sáng của thế gian/ trần gian (kosmos)”. Vì “đất” được dùng song song với “trần gian”, nó không có nghĩa là đất bùn, đất bột, đất thịt, nhưng là “trái đất”, tương tự với “trần gian”, “thế gian”. Như vậy, cả hai từ “đất” và “trần gian” ở đây đều có nghĩa là “toàn thể nhân loại”, nghĩa là có một tầm mức phổ quát[1]. Thế nên, phải hiểu là: người môn đệ của Đức Kitô, và mỗi kitô hữu chính là muối và ánh sáng cho nhân loại, cho mọi người.

 

Muối làm tăng thêm hương vị, muối thấm vào thực phẩm giúp bảo quản khỏi hư thối. Do căn tính, người kitô hữu phải đóng một chức năng đối với những người khác tương tự muối đối với các thức ăn. Cũng như không có muối, thức ăn bị hư thối; thì nếu không có người Kitô hữu, xã hội thiếu mất một sức mạnh thiêng liêng có khả năng gìn giữ xã hội khỏi những sự dữ đang muốn xâm nhập vào. Do đó, sự hiện diện của người Kitô hữu là bất khả thay thế. Không ai có thể đứng vào vị trí của họ nếu họ bị suy yếu đi. Thánh sử Matthêu lưu ý và răn đe các Kitô hữu coi chừng kẻo mình đánh mất căn tính muối và trở nên nhạt nhẽo, thì đáng bị loại bỏ[2]: «Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì mà muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi» (c. 13).

 

2. Hình ảnh ánh sáng (cc. 14-15) là hình ảnh ta bắt gặp nhiều trong Kinh Thánh (x. Xh 3,2; Is 60,19; Is 42,6). Tự nhiên, chúng ta không phải là ánh sáng. Trước kia chúng ta cũng ở nơi tối tăm: «Dân đang lần bước giữa tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng» (Is 9,1). Chính Chúa là Ánh sáng đã soi dọi chúng ta, đưa chúng ta ra khỏi tối tăm, đi vào Nước Ánh sáng của Con yêu dấu Người. Quả nhiên, trong khi thánh Gioan cho biết chỉ mình Đức Giêsu là “ánh sáng” (Ga 8,12), thì ở đây Matthêu lại gán cho các môn đệ, nhằm ý muốn nói rằng các môn đệ của Đức Kitô được thông dự vào sự sáng của Thầy mình, như Môsê khi xuống núi có mang trên mặt phản ánh vẻ uy hùng của Thiên Chúa (Xh 34,35). Vì Kitô hữu là ánh sáng cho trần gian, nên giống như ánh sáng, Kitô hữu len lỏi và đi vào những nơi sâu thẳm nhất và kín ẩn nhất của trái tim con người và đưa ra ánh sáng những lỗ hổng mà ta gặp trong đó, ngõ hầu: «Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mắt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời» (c. 16).

 

3. Bản chất của muối là hòa tan, là tan biến. Bản chất của ánh sáng là lan tỏa, là chiếu soi. Khi khẳng định rằng các môn đệ là “muối cho đời, ánh sáng cho trần gian”, Đức Giêsu cho thấy các môn đệ luôn mang trong mình ơn gọi và sứ mạng truyền giáo. Nhưng bằng cách nào?

 

Đức Giêsu dạy chúng ta phải là muối cho đất và ánh sáng cho trần gian. Người cũng bảo chúng ta phải làm việc lành để ánh sáng của chúng ta rực sáng lên trước mắt mọi người (Bài Tin mừng).

 

Còn phần thánh Phaolô, ngài khẳng định chính việc ngài rao giảng Ðức Kitô bị đóng đinh là sự khôn ngoan soi sáng cho mọi người (Bài đọc II).

 

Và ngôn sứ Isaia thì lại đơn cử một số việc lành như dấu chỉ minh chứng rằng chúng ta là ánh sáng: «Nếu ngươi chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người không nơi trú ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo che thân, […] Nếu ngươi loại khỏi nơi người ở gôm cùm, cử chỉ đe dọa và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thỏa lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng của ngươi sẽ chiếu tỏa trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ» (cc. 7.9.10 – Bài đọc I).

 

Đây là đoạn văn được một tác giả vô danh viết, nhưng truyền thống vẫn gán cho Isaia, sau thời lưu đày. Từ Babylon trở về xây dựng lại Thánh địa, dân Israel đã tổ chức lại đời sống tôn giáo, từ việc trùng tu Ðền Thờ đến việc cử hành lễ tế và tuân thủ Luật pháp. Dân muốn trở nên huy hoàng, cậy dựa vào Chúa. Nhưng kết quả: đời sống vẫn không tiến bộ và dường như ánh sáng của Giêrusalem cứ tắt dần. Chính lúc đó, nhà tiên tri xuất hiện. Ông công bố Lời Chúa. Dân muốn sáng lên trong đêm tối và trở thành ánh sáng cho muôn nước, nhưng tại sao cứ làm những việc bất công?

 

Không thể lấy các lễ nghi, kinh kệ mà phủ lấp được tội lỗi. Lời Chúa và đức tin, kinh kệ và các bí tích chỉ rực lên trong đời sống cụ thể của con người. Tách biệt đời sống đạo đời để chỉ thờ phượng bằng môi miệng và lòng thì ở xa Chúa, là giả hình, không phải tôn thờ chân thật.

 

Nhiều người tín hữu chúng ta thường hay phàn nàn rằng: xã hội hôm nay ngày một suy đồi xuống cấp về nhân bản và tình người. Nhưng ít ai trong chúng ta dám nhận sự xuống cấp đó cũng có phần trách nhiệm của mình. Thực vậy: Xã hội suy đồi có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó cũng có một phần do lỗi của các tín hữu chúng ta: Có thể do muối Tin mừng nơi chúng ta đã bị biến chất, có thể do cây đèn đức tin của chúng ta đã cạn dầu ân sủng và không còn đủ sức chiếu sáng bác ái được nữa.

 

Mỗi người tín hữu cần ý thức nguyên nhân của sự xuống cấp xã hội hiện nay là do sự xuống cấp suy đồi của chính mình, để từ đó biết khiêm tốn cầu xin Chúa Giêsu đổ ơn Thánh Thần chỉnh đốn những sai lệch, tăng cường độ mặn Tin mừng cho chúng ta. Trong Tông Huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Của Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô, đặc biệt nhắc nhớ Giáo hội về một cuộc hoán cải. Bởi lẽ, nếu Giáo hội luôn đặt mình trong tư thế lên đường thi hành sứ vụ, thì tất cả chúng ta phải thực hiện một cuộc hoán cải tận căn về mặt mục vụ và truyền giáo. Phải hoán cải khi chúng ta đối chiếu hình ảnh Giáo hội mà Đức Kitô mong muốn với thực tế của Giáo hội ngày nay. Phải hoán cải vì chúng ta chưa trung tín với ơn gọi của mình. Hoán cải là đổi mới tận căn, chứ không chỉ là đổi mới cơ cấu (x. Evangelii Gaudium, I,2).

 

Phụng vụ lời Chúa hôm nay nhắc nhớ chúng ta về ơn gọi và căn tính của mình. Đồng thời giúp mỗi người Kitô hữu hãy tự xét mình dựa trên hai điều chất vấn:

 

+ Phải chăng vì tôi là muối mất vị mặn, nên thế giới này vô vị?

+ Phải chăng vì tôi là đèn cạn dầu, nên thế giới còn nhiều bóng tối?

 

 

____________________________

 

[1] x. F.X Vũ Phan Long OFM, Các bài Tin mừng Matthêu dùng trong Phụng Vụ, Nxb Tôn giáo 2007, tr. 108.

[2] x. F.X Vũ Phan Long OFM, Sđd, tr. 109.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á