Bài giảng

Bài chia sẻ Tin mừng CN IV TN, A: «PHÚC THAY...!»

Cụm từ “Phúc thay!” đã mở ra viễn cảnh có thể đạt đến, được diễn tả liền sau đó. Đây là cụm từ được sử dụng rộng rãi trong Cựu Ước, để bày tỏ một ơn lành không chỉ hiện hữu trong sự mong ước mà còn được sở hữu. Khác với thánh sử Luca khi nói đến “nghèo khó” thì ngài nhấn mạnh đến chiều kích xã hội của những người phải chịu những khó khăn về kinh tế; nhưng ở đây, thánh sử Matthêu đặt trọng tâm sứ điệp của ngài vào “sự công chính mới”, được nhấn mạnh bởi cụm từ «tinh thần nghèo khó», nghĩa là nhắm đến đời sống luân lý và tôn giáo.

 

 

«PHÚC THAY...!»

(Xp 2,3; 3,12-13; 1 Cr 1,26-31; Mt 5,1-12)

 

Quốc Vũ

 

1. Bài đọc I: Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và nhỏ bé

 

Sách Xophonia được viết vào thế kỷ ngay sau thời ngôn sứ Isaia (-640). Sau khi đất nước Israel bị thất thủ dưới sức mạnh của đế quốc Assua (-733), các vua của Giuda đã tìm cách để gìn giữ bản sắc dân tộc mình, nhưng đã không thành công trước tình hình chính trị bất ổn. Hơn nữa, về đời sống tôn giáo, họ cũng gặp nhiều trở ngại và cấm đoán, thậm chí họ còn bị ép buộc phải cử hành việc tôn giáo ngay trong các đền thờ ngoại giáo (Xp 1,4), hệ quả dẫn đến họ không còn tuân giữ lề luật của Giavê Thiên Chúa nữa và đời sống đầy dẫy bạo lực và bất công (Xp 1,9; 3,1-17).

 

Đoạn sách Xophonia hôm nay, được xem là đoạn sách của lòng xót thương, mà ngôn sứ Xophonia đã viết để loan báo cho dân Israel biết về «Ngày của Giavê» (tương tự như Isaia và Mikha), về một tương lai của họ tràn đầy sự an ủi và huy hoàng, rằng: «Số sót», gồm những người nghèo và bé nhỏ, nhưng luôn trung thành với Giavê, sẽ được giải thoát khỏi cảnh lưu đầy, được hồi sinh và được hưởng hoa trái ruộng đồng do tay mình làm ra. Lời tiên tri nơi đoạn 3,11-13 đã hoàn thành lời hứa nơi đoạn 2, 3. Đó là một trong những đoạn văn nền tảng để hiểu cụm từ “tinh thần nghèo khó” trong bối cảnh Cựu Ước. Từ “nghèo khó” ám chỉ đến toàn dân, những người luôn sống khiêm hạ và hoàn toàn phó thác cho Thiên Ý.

 

2. Bài Tin Mừng: Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó

 

Khởi đầu chương V, vốn được xem như là cửa ngõ bước vào sách Tin Mừng theo thánh sử Matthêu, chúng ta tìm thấy một đoạn sách tuyệt vời mà ngay từ thời kỳ đầu của Giáo Hội vẫn đặt làm căn tính của đời sống các Kitô hữu, đến nỗi bên Giáo Hội Đông Phương đoạn sách này được đặt làm bản văn phụng vụ hát lên trong mỗi ngày Chúa Nhật.

 

Các mối phúc đã khởi đầu cho những lời giải dạy và khuyến dụ của Đức Giêsu từ chương 5 đến chương 7 của Tin Mừng Matthêu vẫn được gọi là «Bài giảng trên núi». Toàn bộ bài giảng được mở ra bằng một công thức rất trọng thể “Phúc thay…!”, ở đó Đức Giêsu được giới thiệu như một Môsê Mới, từ trên núi cao giảng dạy và mạc khải Mầu nhiệm Nước Trời.

 

Cụm từ “Phúc thay!” đã mở ra viễn cảnh có thể đạt đến, được diễn tả liền sau đó. Đây là cụm từ được sử dụng rộng rãi trong Cựu Ước, để bày tỏ một ơn lành không chỉ hiện hữu trong sự mong ước mà còn được sở hữu. Khác với thánh sử Luca khi nói đến “nghèo khó” thì ngài nhấn mạnh đến chiều kích xã hội của những người phải chịu những khó khăn về kinh tế; nhưng ở đây, thánh sử Matthêu đặt trọng tâm sứ điệp của ngài vào “sự công chính mới”, được nhấn mạnh bởi cụm từ «tinh thần nghèo khó», nghĩa là nhắm đến đời sống luân lý và tôn giáo. Tuy nhiên, cả hai thánh sử đều đặt trên môi miệng của Đức Giêsu những lời giảng dạy mang tính ngôn sứ, khi những bản văn của các ngài đều gợi nhắc lại lời của ngôn sứ Isaia khá rõ ràng (Is 61,1-3). Như thế, ý nghĩa của các lời chúc phúc được Đức Giêsu loan báo là sự khẳng định rằng lời hứa từ ngôn sứ Isaia đã được thực hiện cho tất cả những người nghèo khó, người hiền lành, người có tâm hồn trong sạch, người xây dựng hòa bình,…

 

3. Bài đọc II: Thiên Chúa đã chọn những gì thế gian cho là yếu kém

 

Nếu đọc ngược lại trước, ở câu 25, ta thấy thánh Phaolô nói đến một sự nghịch lý rằng: «Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người», và ở đây, ngài lại soi sáng cho các Kitô hữu thành Côrintô rằng trong số họ chỉ có một vài người thuộc tầng lớp trí thức và quý tộc đã được đón nhận đức tin. Thiên Chúa thường kêu gọi những người nghèo, người khiêm hạ, người nô lệ, vốn là những người «không có gì». Như vậy, thánh Phaolô diễn tả cách rõ ràng giáo lý nền tảng của ngài về ân huệ đức tin là do lòng thương xót của Thiên Chúa chứ không phải do công trạng của con người.

 

Do đó, cộng đoàn Côrintô là một cộng đoàn được hình thành từ những người nghèo, và những giá trị của cộng đoàn Kitô hữu có nguồn gốc từ Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô (c. 30): như chính Người đã mạc khải về sứ vụ của Người trong Matthêu 11, 25, và như thế Thiên Chúa đã sinh ra Giáo Hội từ những điều không là gì.

 

4. Suy niệm: “Phúc thay …!”

 

Chúa Nhật hôm nay, Giáo Hội cho chúng ta đọc lại đoạn Tin Mừng theo thánh Matthêu 5,1-11, nói về các mối phúc. Tuy nhiên, chúng ta sẽ cùng đọc đoạn Tin Mừng này trong sự được liên kết với đoạn sách của ngôn sứ Xophonia 2,3; 3,12-13 và đoạn thư của thánh Phaolô gởi cho các tín hữu 1 Côrintô 1,26-31, để tìm ra được ý tưởng xuyên suốt của phụng vụ Lời Chúa hôm nay.

 

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 29 tháng 01 năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu loạt bài giáo lý về các Mối Phúc như sau: «Các Mối Phúc chiếu sáng cuộc đời của các tín hữu cũng như của nhiều người không có đức tin. Thật là khó mà không bị đánh động bởi những lời này của Chúa Giêsu, và mong ước hiểu và đón nhận những lời này cách trọn vẹn luôn là điều đúng đắn. Các Mối Phúc chứa đựng ‘thẻ căn cước’ của người Kitô hữu, là thẻ căn cước của chúng ta, bởi vì nó phác thảo gương mặt của chính Chúa Giêsu, lối sống của Người».

 

Thông thường chúng ta hiểu ý nghĩa của các mối phúc theo logic của cấu trúc câu mà chúng ta đọc, ví dụ như: «Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ» (Mt 5, 3). Nghĩa là, chúng ta hiểu rằng Nước Trời là một thực thể chỉ dành cho những ai có tâm hồn nghèo khó, ai hiền lành, ai sầu khổ, ai khao khát nên người công chính, ai xây dựng hòa bình,… Như thế thì, Nước Trời là một phần thưởng cho những ai có công trạng, là kết quả cho những ai đã nỗ lực sống công chính theo luật Chúa dạy.

 

Hiểu như vậy có thể vẫn đúng, nhưng chưa đủ. Nhất là trong ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, chúng ta cần phải hiểu theo chiều ngược lại, phải bẻ gãy logic của cấu trúc câu mà chúng ta đọc, để hiểu rằng Nước Trời là một ân huệ Thiên Chúa ban cho con người cách nhưng không, là món quà Thiên Chúa tặng ban cho chúng ta nhờ cái chết và sự phục sinh của chính Đức Giêsu, Con Một của Người. Và Đức Giêsu là hiện thân của Lời Hứa mà Thiên Chúa đã dùng miệng các ngôn sứ loan báo qua nhiều thế hệ thời Cựu Ước.

 

Chính vì thế, nhờ giáo lý của thánh Phaolô trong thời Tân Ước, chúng ta sẽ hiểu rõ ràng hơn rằng ơn cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện là không gì khác hơn ngoài tình thương xót. Thiên Chúa đã chọn cái “không là gì”, chọn “số sót” để làm thành một dân, một cộng đoàn, một vương quốc vĩnh hằng là Nước Trời.

 

Do đó, chúng ta có thể đọc các mối phúc theo nghĩa rằng: «Phúc thay những ai khi đã được có Nước Trời làm gia nghiệp, thì hãy biết sống khó nghèo, hiền hòa, công chính, xây dựng hòa bình,… ». Nghĩa là, Nước Trời không còn ở thì của tương lai để con người vươn tới, nhưng là ở thì hiện tại, bởi con người đã được Thiên Chúa ban thưởng Nước Trời từ khi Con Một của Người phục sinh từ cõi chết. Nói cách khác, Nước Trời không còn phải là một hệ quả do công trạng của con người nữa, mà là động lực, là nguyên nhân để chúng ta phải biết sống đáp trả lại cho xứng với ân huệ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta qua Đức Giêsu Kitô.

 

Chỉ những aibiết sống đáp trả lại âu huệ Nước Trời mà Thiên Chúa đã tặng ban, thì mới thật sự là người “có phúc”.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á