Bài giảng

Bài chia sẻ Tin mừng CN II MC, A: «DỰNG LỀU»

Bài Tin mừng kể lại hình ảnh ba môn đệ thân tín được Đức Giêsu kêu mời bước theo Người lên núi để chiêm ngưỡng vinh quang, nhưng liền sau đó là mệnh lệnh phải xuống núi để tiếp tục cuộc hành trình dương thế. Điều này có nghĩa, một khi bước theo Đức Giêsu thì không được ngủ vùi trong những vinh hoa trần thế, mà phải luôn sẵn sàng để thi hành sứ mạng.

 

 

«DỰNG LỀU»

(St 12,1-4a; 2 Tm 1,8b-10; Mt 17,1-9)

 

Lm. Quốc Vũ

 

«Khi Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng như ánh sáng. Và bỗng các ông thấy ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm dạo với Người. Bấy giờ ông Phêrô thưa với Đức Giêsu rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng ở đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia”» (cc. 1-4 – Bài Tin Mừng).

 

Nghịch lý của Tin Mừng

 

Ông Phêrô xin Đức Giêsu dựng ba cái lều.

Khi nói đến hình ảnh cái lều, có lẽ đối với giới trẻ bây giờ rất lạ, bởi chúng hiếm được thấy; nhưng đối với các thế hệ trước thì đó lại là hình ảnh quá quen, rất gần gũi và thậm chí là rất thân thương, bởi lẽ hầu như nó gắn kết rất mật thiết với họ, nhất là đối với những người nghèo, thì cái lều là chỗ nương thân trong đời sống hằng ngày, cho dù đó là cái lều bằng lá, bằng cói, hay bằng tranh,... thì đó cũng là một “túp lều lý tưởng”.

 

Ba mẹ tôi kể rằng, thời gian sau 1975, khi nhà nhà đều phải đóng cửa và các gia đình phải đi phá rừng tạo lập vùng kinh tế mới theo lệnh Chính Phủ. Đến vùng đất mới, điều trước hết người ta phải làm là chặt cây, tìm lá để dựng cho gia đình mình một cái lều. Có gia đình dựng lều riêng, có khi hai hoặc ba gia đình dựng chung một cái, sau đó chia ra mỗi gia đình một hướng để phá rừng làm rẫy. Cuộc sống đổi thay, bao khó khăn chồng chất, cùng với những hiểm họa chực chờ nơi vùng sâu nước độc. Gian khổ là thế, nhưng nghị lực sống vươn lên đã thúc giục người ta không chùn bước. Ban đầu chỉ là những túp lều tranh vách lá, rồi trải qua vài chục năm dần dần đổi thành những ngôi nhà gỗ, nhà tường như ngày nay. Đó là thành quả từ kinh nghiệm ngàn đời của nhân loại: “Có an cư thì mới mong lạc nghiệp”.

 

Có lẽ ông Phêrô cũng kinh nghiệm được điều đó. Sau những năm tháng bỏ mọi sự, khăn gói theo Thầy, sống rày đây mai đó, Phêrô cảm thấy cuộc đời quá bấp bênh, sống hoàn toàn dựa vào những của bố thí của mọi người dọc đường. Đức tin của ông bị chao đảo, lòng nhiệt thành ban đầu bị lung lay, những hoài bão về một tương lai quá mập mờ,… rồi bất chợt ông tìm được lẽ sống, những hy vọng lại vụt sáng, khi ông được chiêm ngưỡng vẻ huy hoàng của Thầy mình khi biến đổi hình dạng. Ông nhận ra đây chính là điểm khởi đầu tốt cho sự nghiệp, nơi này phải là nơi đặt nền móng cho cuộc sống tương lai, rồi ông thốt lên: «Lạy Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng ở đây ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia». Nhưng liền sau đó, Đức Giêsu đã không chiều theo ý ông, Người ra lệnh cho ông và các bạn ông phải xuống núi, nghĩa là bắt họ phải từ bỏ mọi sự, một khi bước theo Người thì không bám víu vào bất cứ điều gì, bởi đến như «Con Người còn không có chỗ tựa đầu» (Mt 8,20). 

 

Khi đọc bài Tin Mừng này trong bối cảnh của Mùa Chay, và nhất là khi được hai bài đọc soi sáng thêm, ta thấy mục đích của phụng vụ Chúa Nhật hôm nay nhằm khuyến khích chúng ta dấn thân trong đời sống Kitô hữu, nơi mà mỗi người được kêu mời hãy làm mới lại lời cam kết khi lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy. Bí tích Thanh Tẩy là điểm xuất phát, là dấu chỉ rõ ràng hơn về tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta; trong khi sự biến đổi lại là sự thực hiện cách trọn vẹn hơn lời cam kết đó, là đích điểm đòi phải trải qua nhiều gian nan trong niềm tin. Đó là quãng đường mà chính Tổ phụ Abraham, Đức Giêsu và các Tông đồ đã đi qua, và hôm nay mỗi người chúng ta cũng được mời gọi tiếp bước.

 

Hành trình đức tin

 

Bài đọc thứ nhất giới thiệu cho ta hình ảnh của Tổ phụ Abraham, một tấm gương vâng nghe theo lời Thiên Chúa khi ông được mời gọi từ bỏ mọi sự để lên đường đi đến vùng đất mới. Abraham đã phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa, tin tưởng vào lời hứa của Ngài, cho dù ông chưa hề biết mình sẽ đi đâu và về đâu. Rõ ràng, khi chọn lựa đoạn sách Sáng Thế cho phụng vụ hôm nay, là Giáo hội muốn nhấn mạnh đến ý nghĩa ơn gọi của Đức Giêsu, cũng như của mỗi Kitô hữu, với những hệ quả đạt được do lời đáp trả xin vâng của đức tin. Ơn gọi của Abraham đã trở nên nguồn cội và mẫu gương cho tất cả mọi ơn gọi: «Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc» (c. 3 – Bài đọc I).

 

Theo chân Đức Giêsu 

 

Bài đọc hai cho thấy hình ảnh một Thiên Chúa kêu gọi và soi sáng cho chúng ta, một Thiên Chúa luôn tìm kiếm con người, như Ngài đã kêu gọi Adam ngay sau khi ông phạm tội: «Adam, con ở đâu?» (St 3,9), cho dẫu biết rằng Adam không thể đáp trả như Abraham: «Lạy Chúa, con đây». Tất cả đều phụ thuộc vào sự sẵn sàng của con người trước lời kêu gọi của Thiên Chúa. Thiên Chúa kêu gọi, con người tự do đáp trả, nhưng sự tự do đó luôn gắn kết và qui chiếu vào Đức Kitô. Vì thế, lời mời gọi này của Thiên Chúa là lời mời gọi đến với sự sống, và sự phục sinh, mời gọi đi vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, người anh cả của chúng ta.

 

Chúa nhật tuần trước, phụng vụ giới thiệu cho chúng ta thấy rằng Đức Giêsu cũng đã phải trải qua những cơn cám dỗ, những thử thách nội tâm, những đau khổ và những cuộc chiến mà chính chúng ta đang phải đối diện hằng ngày. Chắc chắn, Người cũng gặp khó khăn khi đưa ra những quyết định và những chọn lựa trước chương trình của Thiên Chúa. Cuộc Biến Hình hôm nay là một lời đáp trả của Thiên Chúa Cha với Đức Giêsu và với các môn đệ, nhằm củng cố và khích lệ cho Người và các môn đệ bước đi đến cuối cuộc hành trình. Cũng thế, trước khi đưa chúng ta đi vào cuộc thương khó, Cuộc Biến Hình là một khoảnh khắc sáng soi và nâng đỡ chúng ta trên đường, nuôi dưỡng đức tin trong tiến trình hướng về ngày Phục Sinh.

 

Không được dựng lều

 

Hành trình này là những bước đi trong bóng tối, là đặc điểm căn cốt của niềm tin. Bài đọc I kể lại ơn gọi của Abraham. Ông đã lên đường và bước đi trong bóng tối của niềm tin, ông không biết mình đi về đâu bằng những bước đi được soi sáng bởi ánh sáng mịt mờ của lời hứa. Còn bài Tin mừng thì kể lại hình ảnh ba môn đệ thân tín được Đức Giêsu kêu mời bước theo Người lên núi để chiêm ngưỡng vinh quang, nhưng liền sau đó là mệnh lệnh phải xuống núi để tiếp tục cuộc hành trình dương thế. Điều này có nghĩa, một khi bước theo Đức Giêsu thì không được ngủ vùi trong những vinh hoa trần thế, mà phải luôn sẵn sàng để thi hành sứ mạng. Hình ảnh chân thực nhất của Giáo hội phải là hình ảnh của một Giáo hội lữ hành, một Giáo hội đang bước đi trong niềm tin, một Giáo hội đến với và sống cùng với mọi hạng người trong xã hội. Cũng thế, với chúng ta, những người bước theo Chúa Kitô, không hề tồn tại một khái niệm “dựng lều”, nhưng phải luôn bước đi, phải lên đường đến một nơi mà ta không biết trước.

 

Sứ điệp trung tâm của phụng vụ Lời Chúa hôm nay là gợi nhắc lại Bí tích Thanh Tẩy nơi mỗi Kitô hữu: đó là ân ban nhưng không của Thiên Chúa, khi cho chúng ta được sáp nhập với Đức Kitô là Đầu, để cùng với Giáo hội lữ hành làm thành Thân Thể Mầu Nhiệm của Người, đồng thời cũng là lời mời gọi dấn thân trong hành trình “biến hình” ngang qua những bóng đêm của lòng tin và sự tối tăm của “giờ thứ 9”. Trong hành trình bước theo tiếng gọi đó, chúng ta gặp thấy mẫu gương phó thác tuyệt vời nơi Tổ phụ Abraham, đồng thời còn được an ủi bởi sự “ngu ngơ” nơi các Tông đồ.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á