Bài giảng

BÀI CHIA SẺ TIN MỪNG CHÚA NHẬT II, MÙA VỌNG, NĂM C : “ĐƯỢC NHẬN THẤY ƠN CỨU ĐỘ” (Minh An)

Thiên Chúa của chúng ta chính là Thiên Chúa can dự cách thiết thân vào nhân loại và vào ngay chính mỗi con người chúng ta.

 

Lc 3,1-6

ĐƯỢC NHẬN THẤY ƠN CỨU ĐỘ”

Minh An

Nếu sứ điệp Lời Chúa trong Chúa Nhật thứ nhất vừa rồi, mà chúng ta đã nghe là: Anh em sắp được ơn cứu độ”, (Lc 21,28b) thì điểm nhấn trong sứ điệp Chúa Nhật thứ II Mùa Vọng hôm nay, chính là câu cuối của bài Tin Mừng:“Hết mọi người phàm sẽ được nhận thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa (Lc 3,6). Ơn cứu độ mà Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta khao khát mong đợi là thực tại đến từ Thiên Chúa nhưng được thực hiện trong lịch sử, và thế giới phàm trần. Do vậy, ơn cứu độ được dành cho tất cả mọi người, miễn là họ thật lòng hối cải để được ơn tha thứ mọi tội lỗi.

Nhưng làm sao để ơn cứu độ được thực hiện trong lịch sử và được nhiều người đón nhận? Bài Tin Mừng hôm nay của thánh sử Luca cho chúng ta nhận ra ba điểm sau đây:

 

*Chính Thiên Chúa can dự vào lịch sử của nhân loại

Mở đầu bài Tin mừng, tác giả Luca đã khái quát hòan cảnh chính trị và Tôn giáo được xác định “Năm thứ 15, dưới triều hòang đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, vua Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philipphê làm tiểu vương miền Iturê... Khanan và Caipha làm thượng tế”.

Như thế, ta thấy rằng, khung cảnh lịch sử được khái quát ở đây rất cụ thể về không gian, thời gian, về thẩm quyền chính trị và Tôn giáo sẽ có ảnh hưởng trực tiếp trên sứ vụ của ông Gioan Tiền hô và cả trên nhân vật lịch sử là Chúa Giêsu. Sự xác định giá trị lịch sử này có lẽ nhằm tô vẻ lịch sử tính của Chúa Giêsu, khi Người bắt đầu sứ vụ công khai của Người.

Hay nói khác đi, khi đề cập đến hòan cảnh, địa danh, và nhân vật chính trị, tôn giáo vào thời đó, là thánh Luca đã khẳng định cho chúng ta biết ơn cứu độ của Thiên Chúa không xảy ra trong một hòan cảnh huyền thoại, nhưng là xảy ra trong một khung cảnh được xác định rõ ràng, cụ thể. Và Lời Cứu độ của Người vang vọng mãi trong lịch sử cụ thể đó. Thiên Chúa của chúng ta chính là Thiên Chúa can dự cách thiết thân vào nhân loại và vào ngay chính mỗi con người chúng ta.

 

*Sự xuất hiện của Gioan là dấu chỉ mời gọi chúng ta trở thành những Tiền hô cho Đức Giêsu

Có thể nói được rằng, người mở đường bao giờ cũng là người gặp nhiều khó khăn, trở ngại nhất. Bởi thế, cần lắm ý chí và lòng can đảm.

Vị Gioan Tiền hô của Thiên Chúa là người chỉ thích sống ẩn giật trong hoang địa, gắn bó với cảnh vật thiên nhiên, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Thế nhưng, thời kỳ đã mãn, ông phải hiện nguyên hình làm vị tiền hô cho Đấng Mesia là Đức Giêsu thì quả là rất khó khăn đối với ông. Nhất là ông phải lên tiếng trong một vùng đất bị chiếm đóng và cai trị bởi những con người tàn bạo như Hêrôđê. Ông rao giảng một phép rửa tỏ lòng thống hối để được ơn tha tội. Điều đó có nghĩa là ông phải dấn thân cho một thử thách đầy cam go, dễ mất lòng người. Vì, theo thông lệ, không có ai lại muốn nghe những lời tố cáo về tội lỗi của mình.

Gioan chấp nhận sứ mạng kêu gọi người ta hối cải là ông đã chấp nhận không sống quỵ lụy trước thế gian, chấp nhận những nguy hiểm và rùi ro, thậm chí là chấp nhận cái chết cho sự thật và công lý. Mà cái chết của ông trong ngục bởi tay Hêrôđê là một minh chứng. Sự xuất hiện của Gioan Tiền hô nói lên ý chí vững mạnh của người làm Ngôn sứ cho Chúa: Không sợ nguy hiểm, không sợ ba thù... nhưng chỉ hướng đến sứ vụ trong tin yêu của Thiên Chúa. Có như thế, ơn cứu độ của Thiên Chúa mới được kiện tòan.

Ngày nay, tại nhiều nơi, Hội thánh và các tín hữu cũng phải sống và loan báo Tin Mừng trong những hòan cảnh hết sức khó khăn, và có đôi ba khi phải thương vong. Nhưng, chính ở bên trong những thực tại của nhân loại cụ thể và phàm trần đó mà sự thay đổi được thực hiện, ơn cứu độ của Thiên Chúa được thành tòan.

 

*Ngôn sứ phải can đảm rao giảng và mời gọi người ta sám hối giữa những khó khăn

Thực ra, trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca không đặt trực tiếp lời kêu gọi sám hối trên miệng của Gioan tiền hô, nhưng trích lại lời của tiên tri Isaia để ứng nghiệm sứ vụ của vị Tiền hô rằng: ‘‘Hãy dọn con đường cho Đức Chúa, sửa lối ngay thẳng cho người đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho bằng’’. Những lời kêu gọi này, có nghĩa là, đến với Thiên Chúa để nhận ơn cứu độ thì đòi hỏi con người ta phải tỏ lòng sám hối và đi trên con đường tòan vẹn, không vết nhơ, không tỳ ố.

Lời kêu gọi ‘‘hãy dọn con đường cho Đức Chúa’’ là vị tiền hô mạnh mẽ lên tiếng mời gọi người ta đến với Chúa Cứu Thế để nhận ơn cứu độ bằng cách: sửa đổi đời sống cho tòan hảo theo thánh ý Chúa; hàn gắn mọi chia rẽ hận thù giữa bề trên với bề dưới, giữa ông bà nội ngoại với con cháu, giữa vợ với chồng, giữa anh chị em với nhau, giữa con cái với cha mẹ, giữa bạn bè với nhau...

Hãy tìm cách hàn gắn mọi hận thù đã gây nên trong quá khứ giữa ta với tha nhân; phải từ bỏ tính cố chấp, kiêu căng và tự mãn; tìm mọi cách từ bỏ con đường tội lỗi để trở về với Chúa; Đẩy lui những tính mê nết xấu thay thế vào đó lòng bác ái yêu thương... Có như thế, ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ hiện trị trong tâm hồn của vị Tiền hô, cũng như của những người sám hối.

Tắt một lời, Sứ điệp lời Chúa hôm nay, được gói gọn trong câu cuối của bài Tin Mừng :“Hết mọi người phàm sẽ được nhận thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Nhưng, để cứu độ con người, Thiên Chúa đã đi trực tiếp vào dòng lịch sử của nhân loại và kêu gọi con người ta làm ngôn sứ cho Ngài qua các thế hệ, kể cả chúng ta. Nhưng thử hỏi, chúng ta đã trở thành những ngôn sứ như lòng Chúa mong ước chưa? hay chúng ta chỉ ỷ lại ‘‘việc ai nấy lo, hồn ai nấy giữ’’?

Vậy nên, trong Mùa Vọng này, chúng ta hãy ý thức về vai trò sứ ngôn của mình, là biết thực thi thánh ý Chúa, đồng thời, can đảm kêu mời lòng sám hối của tha nhân để tất cả đều được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Thiết kế Web : Châu Á