Bài giảng

Bài chia sẻ Lời Chúa CN XXIV TN, A: «THA THỨ»

Qua bài Tin mừng, Đức Giêsu thiết lập luật tha thứ không giới hạn. Ở đây, thánh sử nhắm đến một đường hướng cần phải duy trì trong cộng đoàn Giáo Hội sơ khai cũng như sau này: nếu có người anh em phạm lỗi 70 lần 7, thì ta cũng phải tha thứ 70 lần 7. Vì Giáo hội không bao giờ là một cộng đoàn hoàn hảo, không tỳ vết, nên mọi thành phần cần phải biết tha thứ cho nhau không giới hạn.

 

 

«THA THỨ»

(Hc 27,33-28,9; Rm 14,7-9; Mt 18,21-35)

 

Quốc Vũ 

 

1. Bài đọc 1: Hãy tha thứ cho anh em ngươi

 

Ben Sirach, tác giả sách Huấn Ca, vốn không phải là một nhà thần học, nhưng như trong lời mở cho chúng ta biết, có thể ông là một nhà thông luật, vì những bài viết của ông thể hiện một sự hiểu biết tường tận về luật và lịch sử dân Israel. Quả nhiên, những lời ông viết ra là những lời huấn giáo mang đậm tính truyền thống của dân tộc, được soi sáng bởi truyền thống khôn ngoan vốn luôn chú trọng lề luật như là nền tảng để xây dựng đời sống con người.

 

Đoạn sách hôm nay khởi đầu bằng lời giáo huấn nhắm đến những tác hại của sự oán hờn: «Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm, và chuyện đó kẻ tội lỗi có biệt tài» (7,33). Thế nhưng, nội dung chính lại nằm ở câu 28,1: «Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa». Ở đây, tác giả đưa chúng ta về với truyền thống của Torah, khi mà sự báo oán như là một phép công bằng của Giavê Thiên Chúa: «Chính Ta sẽ báo oán và đáp trả vào lúc mà chân chúng lảo đảo té xiêu» (Đnl 33,35).

 

Tuy nhiên, Giao Ước vẫn luôn có giá trị nền tảng giúp đạt đến điều căn bản của «sự khôn ngoan» (c. 7) là phải bỏ qua mọi sự hiềm thù, vì ai cũng phải đến ngày tận số: «Hãy nhớ đến ngày tận số mà chấm dứt mọi hận thù» (c. 6). Thật vậy, đối diện với cái chết, mọi vật mọi loài đều như nhau, không còn ai có thể ca tụng Thiên Chúa (x. 17,27-28), không còn tồn tại bất cứ hình thức suy tư và hành động nào, vì thế chúng ta phải sống vượt lên trên những sự hiềm thù.

 

Bên cạnh đó, giáo huấn của Ben Sirach ở đây còn nói trước về một viễn cảnh mới trong đời sống tôn giáo của dân Israel, khi mà việc tha thứ của con người và sự thứ tha của Thiên Chúa (cc. 2-5) được đặt nền tảng trên ân sủng chung cục sẽ được thực hiện nơi chính Đức Giêsu Nazareth mà chúng ta sẽ đọc thấy trong bài Tin Mừng (// Mt 6,14; Mc 11,25; và Lc 6,37).

 

2. Bài Tin Mừng: Tha thứ 70 lần 7

 

Ở câu 21-22, cho thấy ông Phêrô có lẽ hăm hở muốn thi hành Lời Chúa hơn hết mọi người, và ông cũng tỏ ra là người thông thạo và hào phóng hơn luật lệ của người Do Thái, khi mà họ qui định mức tối đa của việc tha thứ là bốn lần, trong khi Phêrô nâng lên đến bảy lần. Nên thánh sử Matthêu thuật lại rằng ông Phêrô đã đến bên Ðức Giêsu mà hỏi: «Thưa Ngài, nếu anh em con xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải đến bảy lần không?». Ðức Giêsu đã không ngần ngại đáp: «Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy». Ở đây, có thể tác giả Matthêu muốn gợi lại câu truyện của ông Lamec trong sách Sáng Thế, khi ông nói đến việc báo thù thời bấy giờ: «Cain sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng Lamec thì gấp bảy mươi bảy» (St 4,24). Trái với luật báo thù của Lamec, Đức Giêsu thiết lập luật tha thứ không giới hạn. Ở đây, thánh sử nhắm đến một đường hướng cần phải duy trì trong cộng đoàn Giáo Hội sơ khai cũng như sau này: nếu có người anh em phạm lỗi 70 lần 7, thì ta cũng phải tha thứ 70 lần 7. Vì Giáo hội không bao giờ là một cộng đoàn hoàn hảo, không tỳ vết, nên mọi thành phần cần phải biết tha thứ cho nhau không giới hạn.

 

Dụ ngôn tên đầy tớ độc ác (cc. 23-35) bàn về các mối tương quan giữa những người đầy tớ và ông chủ, đồng thời cũng đề cập đến những cách ứng xử trong đời sống chung. Người môn đệ của Đức Giêsu luôn bị đòi hỏi phải sống tốt hai mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân, trên nguyên tắc: «Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không biết tha thứ cho anh em mình» (c. 35).

 

Như vậy, trình thuật Tin Mừng đã không bỏ mất một yếu tố nào trong bài sách Huấn ca trên, nhưng còn vượt xa hơn nữa, bởi thay vì đưa chúng ta nghĩ về phiên tòa xét xử trong ngày chung thẩm, thánh Matthêu cho chúng ta thấy việc phân xử đó đang thi hành trong hiện tại, kể từ ngày Thiên Chúa đã tha thứ tội lỗi cho mọi người nơi Ðức Giêsu Kitô Cứu Thế.

 

3. Bài đọc II: Chúng ta vẫn thuộc về Đức Kitô

 

Trong phần từ chương 14,1-15,13, thánh Phaolô quan tâm đến vấn đề đang xảy ra trong giáo đoàn Roma là tình trạng căng thẳng giữa các tín hữu gốc Do Thái và gốc ngoại giáo. Từ kinh nghiệm của giáo đoàn Côrintô, Phaolô đã đưa ra hướng giải quyết thỏa đáng cho cộng đoàn Roma, cách cụ thể qua đoạn thư hôm nay: «Thưa anh em, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình … dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa» (cc. 7-8).

 

«Không ai trong chúng ta sống cho chính mình». Ở đây Phaolô đi xa truyền thống cổ xưa của dân ngoại, để mạc khải một ý nghĩa hoàn toàn mới. Không còn sống và chết cho chính mình nữa, bởi vì đã trở thành Kitô hữu, được đón nhận Đức Kitô là sự sống. Như vậy, đối với thánh Phaolô, không có vinh dự và hạnh phúc nào sánh được với ơn gọi Kitô hữu. Và người ta càng sống đúng với ơn gọi này khi chỉ còn sống chết cho Chúa Kitô. Người Kitô hữu đã thuộc về Chúa, trở nên sản nghiệp của Người, thì không còn ở dưới quyền ai nữa, duy chỉ ở dưới quyền Thiên Chúa mà thôi. Chính vì thế, sẽ không còn bất cứ một sự ganh tỵ hay ghen tương nào, vì tất cả đều là con cái của Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô «đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết» (c. 9).

 

Bên cạnh đó, thuộc về Đức Kitô, còn có nghĩa là phải sống như Người và sống cho Người. Nghĩa là, chúng ta không còn quyền xét xử nhau nữa. Nói đúng hơn, thánh Phaolô còn nhắc nhở hết thảy chúng ta sống đúng ơn gọi của mình: là bình đẳng với nhau ở trước mặt Chúa, chúng ta hãy sống hòa hợp với nhau như anh em. Và như vậy không còn tranh chấp, kỳ thị nhau; mà phải biết đón nhận nhau bằng sự bao dung của những người anh em chung một nhà.

 

4. Suy niệm

+ Nói hòa bình - lại gây chiến tranh

 

Ngày nay, nếu làm một cuộc điều tra về sự báo thù và sự tha thứ trong thế giới này, ai dám tự nhận rằng mình là người dễ tha thứ hay oán thù? Tuy nhiên, chúng ta có thể quan sát đôi chút trong đời sống cụ thể hằng ngày: đã bao lần ta dùng luật để tự bảo vệ mình, để giá trị hóa những quyền lợi của mình, để kết án anh em mình cách hợp pháp.

 

Chúng ta thường dùng kỹ xảo hợp pháp chiếm đoạt tài sản của anh em mình, là người vốn có quyền thừa kế, là những người nghèo hành khất bên đường, là những người cô thế cô thân trong một tập thể, một nhóm hay một đất nước. Chúng ta dùng luật để báo thù bằng đôi tay trong sạch đối với những người không có cùng chính kiến với mình. Chúng ta dùng sự thông thái để biện minh cho những sai trái và những lỗi phạm của mình.

 

Đã bao lần chúng ta cố chấp, bất khoan dung trước những lầm lỗi của anh em? Đã bao lần chúng ta nói lời hòa bình, nhưng lòng lại gây hận thù chiến tranh? Và đã bào lần chúng ta biết tha thứ, biết làm hòa với những người quanh ta?

 

+ Tha thứ - cửa ngõ mở ra tương lai

 

Lời Chúa hôm nay mời gọi sự tha thứ giữa các Kitô hữu. Bài dụ ngôn trong Tin Mừng, Đức Kitô mạc khải lòng thương xót bao la của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta mắc nợ Thiên Chúa chồng chất, nhưng Người đã tha nợ cho chúng ta. Người nào đã hưởng nhờ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, thì không bao giờ được khép lại trên chính mình và tỏ ra cứng cỏi với người anh em. Người nào đã được Thiên Chúa tha cho những món nợ khổng lồ thì không còn có thể coi người nào khác như mắc nợ với mình nữa. Như thế,

 

- nền tảng của sự tha thứ: được đặt trên nền tảng sự thứ tha của Thiên Chúa.

- mục đích của sự tha thứ: để được Thiên Chúa thứ tha.

- nguyên lý của sự tha thứ: như Thiên Chúa đã thứ tha.

- động lực của sự tha thứ: tình anh em một Cha.

- phương thức thực hiện sự tha thứ: đóng lại với quá khứ và mở ra với tương lai.

- kết quả của sự tha thứ: niềm vui và hạnh phúc.

          

 

 

Thiết kế Web : Châu Á