Bài giảng

Bài Chia sẻ Lời Chúa CN XVIII TN, C: PHÙ VÂN VÀ VỮNG BỀN

Chúa Giêsu không dạy chúng ta khinh thường của cải vật chất, không bảo chúng ta chỉ núp bóng trong nhà thờ để cầu nguyện mà quên đi cuộc sống thường nhật là làm việc và kiếm của nuôi thân. Nhưng Ngài dạy chúng ta hay đặt đời sống tâm linh lên trên hết rồi mới đến giá trị vật chất. Đời sống tâm linh hay niềm tin vào Thiên Chúa phải đóng vai trò quan trọng nhất trong cuộc sống của mình, như lời Chúa Giêsu đã dạy: “Trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa, còn những thứ khác Ngài sẽ ban thêm”.

 

 

 

PHÙ VÂN VÀ VNG BỀN

(Gv 1,2; 2,21-23; Cl 3, 1-5.9-11; Lc 12,13-21)

 

 

M. Phaolô TG. Bùi Văn Dư

 

Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân”. Câu nói này của Cohelet đã thành điển ngữ trong vốn từ nhà đạo chúng ta. Vậy phù vân nghĩa là gì? Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: Phù là nổi, vân là mây, một đám mây thoáng nổi lên rồi tan ngay, ý ám chỉ cái không lâu bền, có được rồi mất ngay. Phù vân trong câu Kinh thánh này được dịch từ tiếng Latinh là vanitas. Ngoài nghĩa là phù vân, từ này ra còn có nghĩa là vô ích, phù phiếm, rỗng tuếch, hão huyền.

 

Nếu cứ theo những lời mà Cohelet nói trong Bài đọc một hôm nay mà sống, thì chúng ta không tội gì phải làm việc, không cần phải nhọc công xây dựng, không cần phải lao động vất vả, không cần phải lao tâm khổ tứ, không cần phải từ bỏ mọi sự để sống đời tu trì trong đan viện. Bởi, mọi sự chỉ là phù vân, vô ích, phù phiếm, rỗng tuếch, hão huyền.

 

Ở một góc độ nào đó, Cohelet nhìn đâu cũng thấy một màu đen xám xịt về cuộc đời, về con người, về sự khôn ngoan thông thái. Ngay cả đối với những người thành công nhờ sự khôn ngoan và tài trí của mình, ông cũng cho đó là vô ích, phù phiếm, rỗng tuếch, hão huyền, và phù vân. Bởi vì đối với Côhelet: “Cuộc đời chỉ là đau khổ, công khó chỉ đem lại ưu phiền” (Gv 1,23). Tại sao một cái nhìn bi quan như thế mà Giáo hội vẫn cho con cái mình đọc trong ngày Chúa nhật, ngày Chúa Phục sinh, ngày biểu hiện niềm vui và hạnh phúc?

 

Thật ra, những lời ấy chỉ làm nền cho bối cảnh của Lời Chúa  trong Bài đọc hai của Phaolô gửi giáo đoàn Cô-lô-xê và bài Tin mừng theo thánh Luca. Bối cảnh ấy nói lên sự khác biệt giữa cuộc sống có Thiên Chúa và không có Thiên Chúa, có niềm tin và không có niềm tin vào Đấng Tuyệt Đối hay người tin vào Thiên Chúa nhưng bám víu vào của cải gian trần làm lẽ sống cuộc đời, cuộc sống mang danh mà không chính nghĩa.

 

Một khi con người sống vô thần, không hướng thượng, không tin Thiên Chúa thì mục đích cao nhất họ nhắm đến là “miếng bánh độ thân”, là con bò vàng như dân Israel đã từng làm: “Họ đổi Chúa vinh quang, lấy hình bò ăn cỏ” (Tv 106,20). Họ chỉ còn biết chăm lo đời sống thân xác mà bỏ đói đời sống tâm linh. Họ chỉ biết thu tích của cải vật chất phù hoa nay còn mai mất, mà quên Thiên Chúa mới làm cho con người được sống và sống hạnh phúc dồi dào. Như ông phú hộ đã phá kho cũ xây kho mới to hơn để thoả thuê tích trữ vật chất mau qua chóng tàn của dương thế, mà tự phụ coi của cải vật chất nuôi sống linh hồn và mang lại sự sống đời đời. Thay vì nói thân xác ta hỡi thì ông lại bảo: “Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải… Thôi, cứ nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi cho đã” (Lc 12,19).

 

Tình trạng tôn thờ bò vàng và “kiếm miếng bánh độ thân” ấy cũng đang diễn ra ngay trong đời sống Kitô hữu cũng như đời sống tu trì. Bởi vì ngày nay người ta đang nói đến những Kitô hữu vô thần, những tu sĩ có áo dòng mà không sống lời khấn, có thiên chức linh mục nhưng sống rất bố đời, không phản chiếu gương mặt của Chúa Giêsu, mà phản chiếu một gương mặt phản Kitô - Antichirsti. Nói tóm lại họ là những những Kitô hữu hình thức, có vỏ mà không có ruột, có danh mà không có thật. Tuy họ tin Thiên Chúa, nhưng không đặt Thiên Chúa ở vị trí cao nhất trong bậc thang giá trị của cuộc đời. Trái lại họ lấy của cải vật chất, lấy danh, lợi, thú, lấy lòng ham muốn cá nhân làm tiêu chí sống cao nhất của đời mình. Đụng đến lợi ích cá nhân là Thiên Chúa bị dẹp sang một bên.

 

Thánh Phaolô đã nhìn thấy cạm bẫy này trong giáo đoàn Cô-lô-xê nên Ngài răn dạy: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới… Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1-2).

 

Và lời của Chúa Giêsu càng nhấn mạnh hơn nữa cho những người vô thần cũng những Kitô hữu hình thức: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đàm nhờ của cải đâu” (Lc 12,15). Của cải vật chất, danh vọng, chức quyền là điều đáng trân trọng nhưng chỉ là thứ ngoại thân, là công cụ để con người làm vinh danh Thiên Chúa chứ không phải là sức mạnh đảm bảo cho cuộc sống thường tồn, cho hạnh phúc viên mãn, cho nước trời mai sau.

 

Nhà phú hộ kia chỉ biết trông cậy vào kho lẫm, biểu tượng của vật chất, mà không biết nguồn mạch sự sống đến từ Thiên Chúa chứ không phải do hạt lúa và từ của cải ê hề của ông mang lại.

 

Chúa Giêsu không dạy chúng ta khinh thường của cải vật chất, không bảo chúng ta chỉ núp bóng trong nhà thờ để cầu nguyện mà quên đi cuộc sống thường nhật là làm việc và kiếm của nuôi thân. Nhưng Ngài dạy chúng ta hay đặt đời sống tâm linh lên trên hết rồi mới đến giá trị vật chất. Đời sống tâm linh hay niềm tin vào Thiên Chúa phải đóng vai trò quan trọng nhất trong cuộc sống của mình, như lời Chúa Giêsu đã dạy: “Trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa, còn những thứ khác Ngài sẽ ban thêm”.

 

Nếu con người chỉ biết tập chú vào cuộc sống phàm trần mà quên đi đời sống tâm linh, chỉ biết tìm lạc thú trong vật chất, trong danh vọng ở đời này, mà quên đi chính Thiên Chúa là cùng đích và nguồn mạch sự sống đời đời, thì cuộc sống của họ thật đúng với lời của Cohelet: “Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân”. Và cuộc đời của họ sẽ kết thúc như  lời Vịnh gia đã trải nghiệm: Dù sống trong danh vọng, con người cũng không thể trường tồn; thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết (Tv 49,13).

 

 

Giữa cuộc sống có Chúa thì an vui, hạnh phúc vững bền hay bám thế gian, của cải vật chất là thứ phù vân, chóng qua, mau tàn là tuỳ thuộc vào chọn lựa mỗi người chúng ta.

 

 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á