Bài giảng

Bài chia sẻ Lời Chúa CN III PS: «NGƯỜI MÔN ĐỆ KIA»

Cũng có thể thánh sử Luca muốn mỗi độc giả của ngài, và cả mỗi người chúng ta, cũng có thể điền tên mình vào chỗ của người môn đệ ấy, để tự hỏi mình rằng: làm sao để tôi có thể nhận là Chúa trong đời mình trong mọi nơi, mọi lúc, mọi sinh hoạt trong đời sống từ học hành, làm việc, vui chơi giải trí, và cả những lúc cử hành phụng vụ, hay lúc lắng nghe Lời Chúa.

 

 

«NGƯỜI MÔN ĐỆ KIA»

(Cv 3,14.22b-33; 1 Pr 1,17-21; Lc 24,13-35)

 

    Quốc Vũ

 

1. Bài đọc I: Cái chết không thể nào khống chế được Người mãi

 

Các bài giảng đầu tiên của thánh Phêrô và các tông đồ trong thời hậu Phục Sinh được các nhà thần học Thánh Kinh gọi là Kerygma (κήρυγμα). Mỗi Kerygma, dù dài hay ngắn, trong bất cứ hoàn cảnh nào, có thể có sự khác biệt về những chi tiết phụ, nhưng nội dung luôn bao gồm những yếu tố chính về cuộc đời và công nghiệp của Ðức Kitô, gồm bốn phần: 1/ Tóm tắt cuộc sống trần thế của Ðức Giêsu; 2/ Cái chết của Người; 3/ Sự Phục sinh của Người; 4/ Kêu gọi tin vào Người để được ơn cứu độ.

 

Chúng ta đọc lại một đoạn trong bài Kerygma của thánh Phêrô hôm nay, được trích từ diễn từ đầu tiên của ngài công bố vào đúng ngày lễ Ngũ Tuần, sau khi được tràn đầy Thánh Thần, ngài ngỏ lời với đám đông đang tham dự lễ Ngũ Tuần tại Giêrusalem rằng: «Hỡi các người Do Thái và tất cả những ai ở Giêrusalem, xin hãy biết điều này và lắng nghe lời tôi: Ðức Giêsu Nadarét là người đã được Thiên Chúa chứng nhận giữa anh em bằng những việc vĩ đại, những điều kỳ diệu và những phép lạ mà Thiên Chúa đã dùng Người để thực hiện giữa anh em, như chính anh em đã biết. Theo như Thiên Chúa đã định và biết trước, Người đã bị nộp, và anh em đã dùng tay những kẻ độc ác mà hành hạ rồi giết đi.  Sau khi bẻ gãy xiềng xích tử thần, Thiên Chúa đã giải thoát Người khỏi những đau khổ của cõi chết mà cho Người phục sinh, vì không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong đó» (cc. 14.22-24).

 

Quả thật, tin vào nội dung của bài giảng Kerygma là bước đầu tiên và là điều quan trọng cơ bản trong tiến trình để trở thành Kitô hữu với nghi thức chịu phép rửa trong nước và trong Thánh Thần. Nước là dấu chỉ bên ngoài diễn tả sự thánh hiến từ bên trong. Chính Thánh Thần sẽ thánh hiến, biến đổi một người trở thành một thụ tạo mới qua phép rửa, được gọi là Kitô hữu, nghĩa là thuộc về Đức Kitô, bởi đã được cùng chết với Người và cùng được sống lại với Người trong bí tích thanh tẩy.

 

2. Bài đọc II:Anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn là Đức Kitô

 

Đây là một đoạn trong lá thư được thánh Phêrô viết từ Rôma gửi cho các cộng đoàn khác nhau tại miền Tiểu Á. Một lần nữa, thánh nhân mời gọi họ sống cuộc đời thánh thiện dưới ánh mắt của Thiên Chúa là Cha: «Nếu anh em gọi Thiên Chúa là Cha, thì anh em hãy đem lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ khách này» (c. 17). Ở đây thánh Phêrô gợi lại cách sống theo Đệ Nhị Luật: «Ngươi hãy kính sợ, phụng sự… yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết dạ hết sức ngươi» (Đnl 6,2). Như thế, phải hiểu kiểu nói này theo nghĩa Kinh Thánh, nghĩa là nó diễn tả một thái độ tôn kính, vâng phục và yêu mến chứ không phải thái độ sợ hãi. Đó cũng chính là tâm tình mà Đức Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện trong Kinh Lạy Cha.

Bên cạnh đó, thánh nhân tiếp tục nhắc nhở họ về ân huệ đức tin mà họ đã được lãnh nhận. Ngài ý thức họ rằng sở dĩ họ có thể sống cuộc đời thánh thiện như vậy không phải được thừa hưởng từ cha ông của của họ, nhưng là là nhờ «bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn vô tì tích, là Đức Kitô» (c. 19). Đó là ân huệ được ban qua việc lãnh nhận phép rửa trong nước và trong Thánh Thần. Đó là một ân huệ nhưng không do Thiên Chúa ban qua Đức Kitô «nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa» (c. 21).

 

3. Bài Tin Mừng:Họ đã nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh

 

Theo trình thuật của thánh Luca, Chúa hiện ra lần đầu tiên với các môn đệ trên đường đi Emmaus. Các nhà chú giải Thánh Kinh cho rằng Tin mừng của thánh Luca là «Tin Mừng của người môn đệ», nên thánh sử tường thuật tác động việc Chúa Giêsu chết và sống lại với các môn đệ, trong khi các thánh sử khác tường thuật việc Đức Kitô Phục Sinh hiện ra với các tông đồ và những người phụ nữ. Sự khác biệt này mạc khải một vài điểm thần học quan trọng về Đức Kitô Phục Sinh, Đấng sai các môn đệ là những người đầu tiên làm chứng và loan truyền tin mừng phục sinh cho mọi người.

 

Khởi đầu trình thuật tác giả diễn tả nỗi buồn phiền, thất vọng nơi các môn đệ trước sự kiện Thầy mình bị kết án tử thập giá như những tên tử tội. Tuy nhiên, bằng lối trình bày chi tiết, tác giả dẫn đưa độc giả đến niềm vui nơi những người tưởng rằng mình bị bỏ rơi, hết hy vọng. Đó chính là niềm vui khi mắt các ông được khai mở để nhận ra Thầy, Đấng đã sống lại như những lời Người đã nói với các ông trước kia: «Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Họ bảo nhau: "Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?» (cc. 31-32). 

 

Như vậy, đoạn văn này của thánh sử Luca đã cho thấy việc Chúa phục sinh là một sự kiện tỏ tường không chỉ đối với các môn đệ trên đường Emmaus, mà còn với mọi Kitô hữu nữa. Chính vì thế, mỗi Kitô cũng phải mau mắn như hai môn đệ: «Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Hai ông đã thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào» (cc. 33-35).

 

4. Suy niệm

 

4.1. Sư phạm của Đức Kitô

 

«Vào ngày thứ nhất trong tuần» (c. 13). Với câu mở đầu này cho thấy thánh Luca định vị câu chuyện này vào cùng ngày Đức Giêsu Phục Sinh, nghĩa là thánh sử ngầm xác định rằng đây là lần hiện ra đầu tiên của Đấng Phục Sinh với các môn đệ và trao cho các ông sứ mạng “trở về và loan báo cho các tông đồ rằng Người đã sống lại”.

 

Ở đây, chúng ta nhận ra được có sự đặc biệt trong lối sư phạm của Đức Kitô sau khi sống lại. Người không dùng giáo huấn như lúc còn sống, nhưng Người nhắc đến các biến cố, các sự kiện ghi đậm tình cảm, sự gắn bó quen thuộc để gợi nhắc và giúp các tông đồ, các môn đệ và cả những người phụ nữ nhận ra Người.

 

- Với Phêrô, Gioan và các tông đồ, Người nhắc đến Galilê, là địa danh, là nơi chính các ông đã được mời gọi bỏ mọi sự mà đi theo Người: «Mau về nói với anh em Thầy rằng, hãy đến Galilê, họ sẽ được gặp Thầy ở đó» (Mt 28,10). Đó là một kỷ niệm không thể quên, nên khi các ông nghe nhắc đến Galilê là các ông tin chắc rằng chỉ có Thầy mình mới biết tỏ tường kỷ niệm ấy: Lời mời gọi của Thầy và lời đáp trả của môn đệ.

 

- Với Maria Macđala, tuy bà nhìn thấy Đức Kitô phục sinh trước mắt mà bà vẫn tưởng là người làm vườn, nên Người đã dùng lời gọi quen thuộc để giúp bà nhận ra Người: «Đức Giêsu gọ bà: “Maria!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Hipri: “Rapbuni!” - Lạy Thầy» (Ga 20,16). Bà đã không nhận ra Người bằng mắt, nhưng bằng tai.

 

- Còn với hai môn đệ hôm nay thì ngược lại, các ông không nhận ra Người bằng tai mà bằng mắt. Bởi trong suốt hành trình Người đã giải thích cho các ông nghe mọi câu Kinh Thánh liên quan đến Người, nhưng tai các ông nghe mà như điếc và mắt các ông vẫn không nhận ra Người. Chỉ đến khi Người dùng cử chỉ “bẻ bánh” quen thuộc thì «mắt các ông liền mở ra và nhận ra Người» (Lc 24,31).

 

4.2. Hai người môn đệ

 

 

Vào buổi sáng của ngày thứ nhất sau hai ngày xảy ra tấn thảm kịch thập giá của Đức Giêsu, có hai môn đệ đã quyết định rời bỏ Giêrusalem để lên đường trở về quê cũ.

 

Vào thời bấy giờ, Giêrusalem không những là thành đô văn minh của nhân loại, mà còn là trung tâm tôn giáo. Thế nên, việc các ông rời bỏ Thánh Đô là dấu hiệu của sự sa sút niềm tin, và là dấu chỉ cho thấy rằng cộng đoàn nhỏ bé của các môn đệ thân cận với Đức Giêsu đã buông xuôi bởi phiền muộn và không còn hy vọng. Đó là một sự đảo ngược hoàn toàn, bởi trước kia các ông đã bỏ nhà cửa, gia đình, quê hương để đi theo Chúa, giờ đây chỉ trong thoáng chốc mà các ông đã trở thành như những kẻ thua cuộc, tay trắng trở về. Ngày ra đi lòng hớn hở với giấc mộng đổi đời, ngày trở về sao lại quá ê chề với mối sầu khôn nguôi. Sầu vì người Thầy yêu quý đã không còn, sầu vì giấc mộng tan thành mây khói, hai con người mang tâm trạng chán nản lê bước trên đường, đến nỗi họ đã không thể nhận ra người đang đồng hành với mình là ai.

 

Rồi đường dài cũng hết, nơi phải đến cũng đã đến, tưởng như cuộc chia tay sẽ diễn ra giữa họ và người đồng hành xa lạ, nhưng rồi đó lại là giây phút quyết định cuộc đời họ, bởi họ đã nhận ra người lữ khách xa lạ kia lại chính là Thầy mình khi Người làm lại cử chỉ “bẻ bánh” quen thuộc.

 

Quá đỗi vui mừng, lòng ngập tràn hân hoan, họ tức tốc lên đường trở lại Thánh Đô. Đường Emmaus thật lạ, cũng chỉ là một con đường mà sao khi đi thì đường xa vời vợi, khi về sao lại gần đến thế, gần đến nỗi chưa đi mà đã đến. Sở dĩ có sự khác biệt ấy bởi vì tâm trạng đã đổi khác, khi đi thì sầu não, khi về lại phấn khởi hân hoan. Chính Chúa Phục Sinh đã làm nên sự khác biệt ấy, Người đã thay đổi tâm hồn và đổi mới cuộc đời của họ.

 

4.3. Người môn đệ kia

 

Thánh Luca thuật lại: «Có hai người trong nhóm môn đệ đi đến làng kia tên là Emmaus» (c. 13), thế nhưng ngài chỉ nhắc đến tên của một người duy nhất là Clêôpát, còn một người thì không. Tại sao lại thế, phải chăng thánh sử quên tên người môn đệ thứ hai, hay là ngầm một ngụ ý gì?

 

Với lối suy nghĩ mở, ta có thể đưa ra giả thiết cho những trường hợp sau:

 

- Có lẽ thánh sử muốn ám chỉ người môn đệ thứ hai kia là bất cứ người nào trong số 72 môn đệ của Chúa Giêsu. Bởi các ông đều được Chúa chọn, được có kinh nghiệm sống với Thầy, và nhất là đều nếm trải những giây phút khó khăn, đau khổ trước cái chết của Thầy mình.

 

- Cũng có thể thánh sử Luca muốn mỗi độc giả của ngài, và cả mỗi người chúng ta, cũng có thể điền tên mình vào chỗ của người môn đệ ấy, để tự hỏi mình rằng: làm sao để tôi có thể nhận là Chúa trong đời mình trong mọi nơi, mọi lúc, mọi sinh hoạt trong đời sống từ học hành, làm việc, vui chơi giải trí, và cả những lúc cử hành phụng vụ, hay lúc lắng nghe Lời Chúa. Hiệu quả Phục Sinh đã thực sự có hiệu lực trên cuộc đời tôi chưa, hay tôi còn đang bị cuốn theo những giá trị trần thế mà quên đi lời giáo huấn của vị tông đồ trưởng: «Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn vô tỳ tích, là Đức Kitô» (Bài đọc II, cc. 18-19).

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á